Bí ẩn 18 pho tượng chùa Tây Phương

Google News

Giữa một dải đất bằng xứ Đoài, nay là ngoại thành Hà Nội, lại nổi lên một ụ đất khổng lồ, được gọi là Câu Lâu... từ xa xưa được chọn làm chốn thiền tự. Trong ngôi chùa cổ, có Bảo vật Quốc gia được coi là bí ẩn: 18 pho tượng La Hán chùa Tây Phương.

Chùa Tây Phương ngự trên đồi Câu Lâu. 
237 bậc đá ong và 18 pho tượng cổ
Chùa Tây Phương vốn đã nổi tiếng lắm rồi, ấy chính là Sùng Phúc tự khi xưa. Song có lẽ, cái sự nổi tiếng của ngôi thiền tự không hẳn và cũng không phải bởi kiến trúc độc đáo như chùa nhiều nơi khác. Vì, ai đã đến mà rành rẽ lý luận kiến trúc Phật giáo thì hẳn hiểu rằng nơi đây không có gì nổi trội nếu xét về tổng thể xây dựng.
Nhưng mà, ở đây lại có điều mà nhiều nơi khác không có. Đó chính là những pho tượng La Hán đã đi vào thi ca và vẫn còn hiển hiện “mỗi người một vẻ, mặt con người”. Và nữa, khi ta cố leo qua mấy trăm bậc đá ong đến chân các La Hán, tĩnh lặng, tỉ mỉ ngắm và độc thoại với chính mình, mới thấy rằng con người luôn là vô minh.
Chùa Tây Phương ở thôn Yên, xã Thạch Xá (Thạch Thất – Hà Nội) từng là chủ đề tiêu tốn khá nhiều giấy mực của các nhà sử học khi đánh giá về lịch sử ra đời cũng như thời gian xây dựng. Cho đến bây giờ, cũng chưa có một đáp án chính xác thuyết phục, nên để hỏi cụ thể chùa xây năm nào cũng lại làm người ta nghĩ đến câu thơ của thi sĩ Huy Cận: “Một câu hỏi lớn không lời đáp/Cho đến bây giờ mặt vẫn chau”.
Đường lên chùa Tây Phương trải qua 237 bậc đá ong.Ảnh: T.G 
Từ dưới mặt đất bằng, bắt đầu từ bước đá số 1 là đất hướng lên thiền tự. Đồi Câu Lâu to, rộng và cao trông tựa bông sen mọc giữa vùng đất bằng. Đấy là sự tưởng tượng của lữ khách chứ thực ra, Câu Lâu chẳng có sự tích gì. Ở hai bên đường lên là những ngôi nhà cổ. Nhà đấy không phải của nhà chùa mà nhà dân đã định cư từ lâu lắm rồi. Họ sống cạnh chùa, nhờ chùa và vì thường nghe tụng kinh gõ mõ mà cũng thành tâm chánh niệm các pháp.
Những bậc đá ong vốn có màu vàng sậm, qua thời gian dâu bể đã mòn đi, rêu phong phủ kín càng làm chốn thiền môn kia trở nên u tịch. Nghe các cao niên sống quanh đồi kể rằng, xưa có nhiều muông thú trú ngụ trên Câu Lâu lắm, chúng cũng biết nghe kinh, cũng đắc đạo nên chờ một ngày luân hồi chuyển kiếp.
Tất cả 237 bậc đá ong dẫn đến ngôi chùa cổ. Con số ấy tuy không nói ra điều gì nghĩa lý, nhưng nó cũng tựa 237 khổ ải mà con người phải vượt qua trong hàng nghìn khổ hạnh trước khi giác ngộ.
Bảo vật Quốc gia
Tổng thể chùa còn trên 60 bức tượng cổ.Ảnh: T.G 
Ni sư Thích Đàm Thủy, Trụ trì chùa Tây Phương cho biết, nhiều nhà khoa học cho rằng, chùa được dựng thời nhà Mạc nhưng không chứng minh được. Đầu thế kỷ 17, chùa đã phải đại tu. Trong chùa vẫn còn hai tấm bia đều bị mờ hết chữ nhưng còn đọc được rõ tên bia ở mặt ngoài là “Tín thí” và “Tây Phương sơn Sùng Phúc tự thạch bi”.
Năm 1632 vào đời vua Lê Thần Tông, chùa xây dựng thượng điện 3 gian và hậu cung cùng hành lang 20 gian. Khoảng mấy chục năm sau Tây Đô vương Trịnh Tạc lại cho phá chùa cũ, xây lại chùa mới và tam quan. Đến năm 1794 dưới thời nhà Tây Sơn, chùa lại được đại tu với tên mới là “Tây Phương cổ tự” và hình dáng kiến trúc còn để lại như ngày nay.
Bảo vật của chùa và cũng là bảo vật quốc gia chính là bộ tượng cổ đều được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng. Nhiều bộ tượng được tạc to hơn hình người, thần khí uy nghi vô cùng.
Một trong 18 vị La Hán có trong chùa Tây Phương. 
Theo ni sư Thích Đàm Thủy, nhiều du khách đến Tây Phương đều tò mò ngắm các tượng La Hán. 18 bức tượng người đứng kẻ ngồi, pho thì ngước mặt lên trời chỉ vào mây khói; pho thì hững hờ với ngoại vật, tì cằm trên đầu gối nhếch môi cười một mình nửa tinh nghịch, nửa mỉa mai.
Có pho tượng với vẻ mặt hân hoan tươi tắn, khổ người đầy đặn tròn trĩnh; Có pho tượng khác thể hiện vẻ mặt đăm chiêu lạ thường; lại có pho như đang đắn đo phân bua hay đang thì thầm trò chuyện cùng ai đó.
Có vị thân hình gầy gò, mặt dài, nhỏ, gò má cao, môi mỏng. Nói như nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ, thì: “Chưa thấy pho tượng nào diễn tả y phục một cách hiện thực mà lại đẹp đến thế. Dáng điệu một tay cầm gậy, một tay để trên gối rất thoải mái, đôi bàn tay trông thấy rõ từng đốt xương bên trong. Những người thợ mộc xa xưa thật đầy tài nghệ”.
Nhiều bài học không dễ hiểu
Kiến trúc nhà chùa vẫn giữ nguyên từ khi đại tu thời Tây Sơn. 
Chùa Tây Phương không rộng nên ai đó muốn đến chỉ để ngắm cảnh thì thật sai lầm. Nhưng bù lại, lữ khách dễ gặp các cao tăng từ nơi khác đến, và cũng từ đó dễ dàng trò chuyện về Phật pháp.
Ngồi dưới cổng chùa, ni sư Thích Đàm Thủy bảo rằng, nhiều người hay dùng từ “mạt pháp” mà không hiểu thế nào. Mạt pháp chả liên quan gì đến chuyện xã hội suy đồi. Đức Phật từng dạy các đệ tử về dòng pháp phải trải qua ba thời kỳ: Chánh Pháp, Tượng Pháp và Mạt Pháp. Chánh pháp là thời gian, không gian nơi Đức Phật hiện hữu, là thời kỳ huy hoàng nhất của đạo Phật.
Tượng Pháp là thời kỳ 500 năm sau khi Thế Tôn nhập diệt, đến 1000 năm sau nữa, các vị Thánh tăng không còn đông đảo. Có giáo lý, có hành trì không quả chứng gọi là Tượng pháp.
Mạt Pháp theo thuyết Đại Bi, là khoảng thời gian 1000 năm sau thời Tượng Pháp. Có giáo lý, không hành trì, không quả chứng gọi là Mạt Pháp. Khi đó, các vị Thánh tăng đã trở nên hiếm hoi. Sự trì tụng giáo lý và niềm tin chỉ còn như quán tính.
Chùa còn nhiều bia đá cổ. 
Dưới cổng chùa, nghe tiếng tụng kinh gõ mõ, cái thanh âm đều đều ấy thoảng trong gió mát mới ngẫm thấy những vi diệu của đời sống con người. Quả thật, xây chùa to, đúc chuông lớn không biểu thị sự hưng thịnh của Phật pháp mà sự hưng thịnh thể hiện ở cái tâm, cách sống của mỗi người.
Tôi nhớ từng được nghe Hòa thượng Thích Thanh Từ khi hoằng pháp trên Yên Tử và giảng hai câu thơ của vua Trần Nhân Tông: “Ngàn sông đầy nước, ngàn trăng hiện/ Muôn dặm không mây, muôn dặm trời”.
Hai câu thơ ấy thật đâu nói chuyện phong cảnh, mà khuyên hãy giữ lấy lạc quan ngay cả khi đối diện với nghịch cảnh. Bởi tất cả những gì con người tự đắc, tự mãn, tự ái... chỉ là phù phiếm, có đó rồi mất đi như bóng mây hay ánh trăng dưới nước.
Phật pháp dạy con người ta biết kiểm soát chính mình, biết chuyển sân hận nóng nảy thành từ bi nhẫn nại, chuyển tham lam thành bố thí, chuyển đố kỵ thành ngưỡng mộ, chuyển ích kỷ thành độ lượng, chuyển ương bướng thành nhu hòa, chuyển cố chấp thành hỷ xả .
Tôi hỏi ni sư Thích Đàm Thủy: “Từ bi và chính kiến có mâu thuẫn không?”. Ni sư bảo: Không. Vì từ bi là thái độ sống còn chính kiến là thái độ xã hội. Một người có thể có hoặc không có chính kiến, nhưng vẫn có thể sống từ bi.
Lòng từ bi không có nghĩa là yêu thương cả kẻ thù. Không ra tay sát hại, đánh đập, nhưng kẻ thù vẫn là kẻ thù, không bao giờ là bằng hữu cho đến khi người ấy được cảm hóa. Hoặc nói cách khác, lòng từ bi ở mức thâm hậu, có thể cảm hóa cả kẻ thù.
Mục đích Phật pháp luôn giúp con người giác ngộ, thoát khỏi vô minh. Chúng ta có thể đến các thiền tự danh lam cổ tích, nhưng chỉ với mục đích vãng cảnh thì e là thiếu sót. Thứ chúng ta cần “vãng”, có lẽ là chính mình!
“Chùa Tây Phương được Thủ tướng Chính phủ trao quyết định là Di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 12/2015. Mỗi năm có khoảng gần một triệu người đến tham quan chùa Tây Phương”, ông Vũ Đình Thành, Chủ tịch UBND xã Thạch Xá cho biết.
Theo Trần Hòa/Giadinh.net.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)