Theo quy chế thi THPT Quốc gia 2015, để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, thí sinh phải thi tối thiểu 4 môn gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí. Ngoài 4 môn thi tối thiểu trên, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn, tối đa là 8 môn, để có thêm cơ hội xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Chọn 5 môn là vừa sức
Vậy, thí sinh nên chọn bao nhiêu môn thi là phù hợp khi chọn ít môn thì có thể tập trung vào ôn tập từng môn nhưng lại ít đi cơ hội xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng?
Trao đổi với báo Thanh Niên, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho rằng, điều quan trọng nhất thí sinh (TS) cần nắm trong kỳ thi tuyển năm nay là có kết quả thi mới đăng ký xét tuyển nhưng quá trình xét tuyển lại phụ thuộc vào việc đăng ký dự thi và lựa chọn môn thi. Do vậy, nguyên tắc lựa chọn môn thi cần xuất phát từ ngành học yêu thích, xem xét tổ hợp xét tuyển của ngành đó so sánh với năng lực bản thân để lựa chọn cho phù hợp.
Ông Nghĩa đưa ra lời khuyên: “TS dự thi để có kết quả vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, CĐ thì chọn thi 5 môn là đẹp nhất vì vừa sức mà vẫn có nhiều cơ hội xét tuyển. Nếu chọn 6 môn có thể nói là hơi nhiều, tuyệt đối không nên chọn thi 7 - 8 môn. Còn với 4 môn, nếu TS muốn tham gia xét tuyển vào các trường theo tổ hợp toán, văn, ngoại ngữ (khối D cũ) sẽ là lựa chọn đơn giản và vừa sức, nhưng muốn tham gia xét tuyển khối A thì chưa đủ”.
Liên quan việc lựa chọn ngành học, thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết, mỗi năm trường có khoảng 100 sinh viên bỏ học. “Số sinh viên rơi rụng này không phải vì không thể theo học, mà chủ yếu do chọn không đúng ngành học nên bỏ để thi lại. Do vậy, việc chọn đúng ngành quan trọng đầu tiên trước khi quyết định chọn môn thi nào”, ông Sĩ nhấn mạnh.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM bổ sung: “Bên cạnh việc chọn ngành và tổ hợp môn theo ngành, TS nên thi các môn có thế mạnh nhất có thể tạo được nhiều tổ hợp môn, cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn”. Tuy nhiên, tiến sĩ Lý cho rằng TS cần cân nhắc tổ hợp mới vì theo quy định các trường chỉ được phép xét tuyển 25% chỉ tiêu theo tổ hợp mới.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng nếu đã xác định được ngành thi, TS chỉ nên tập trung vào các môn thi chính thuộc tổ hợp xét tuyển có ở nhiều trường hơn là sa đà vào các môn thi thuộc tổ hợp xét tuyển lạ.
Trao đổi với báo Người Lao Động trước đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng cho rằng, việc có thể đăng ký thi nhiều môn giúp thí sinh có nhiều cơ hội để xét tuyển ĐH, CĐ hơn song cũng khiến việc tập trung học tập bị ảnh hưởng bởi phải dàn trải quá nhiều môn. Vì vậy, các thí sinh cần phải thận trọng, không nên chọn quá nhiều môn thi. Việc ôm đồm quá nhiều môn sẽ bị phân tán thời gian cũng như việc tập trung ôn tập. “Thí sinh nên dùng sở trường của mình để chọn môn phù hợp, tập trung một số ít môn nhưng ôn tập thật tốt để có kết quả cao. Nếu các em chọn nhiều môn, cơ hội xét tuyển nhiều nhưng cơ hội trúng tuyển chưa chắc đã cao”, ông Ga nói.
Nhiều thí sinh chọn thi Vật lý, Địa lý, bỏ qua Lịch sử
Đến thời điểm này, nhiều trường THPT ở Hà Nội đã có khảo sát sơ bộ tình hình chọn môn thi THPT Quốc gia của các thí sinh.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa, TP Hà Nội, cho biết, giáo viên có kế hoạch ôn tập, tất cả học sinh lớp 12 ngoài việc bảo đảm giờ học theo khung chương trình đều phải định hướng môn thi sẽ đăng ký cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Theo kết quả khảo sát 360 học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Huy Chú, ở thời điểm này, môn vật lý và địa lý có tỉ lệ đăng ký cao nhất: 65,65% và 32,41%; môn lịch sử chỉ có 18,1%, thấp nhất là môn sinh (4,16%). Tương tự, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng đã khảo sát 350 học sinh lớp 12 của trường. Kết quả cho thấy học sinh trường này chủ yếu sẽ xét tuyển khối D (63,81%), tiếp đến là A1 (13,97%) với tỉ lệ lựa chọn môn thi cao nhất là địa lý (76,51%).
Ông Đặng Văn Chiến, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), cho hay học sinh của trường phần lớn chọn vật lý, hóa học làm môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp, gần như không có thí sinh thi lịch sử. “Học sinh trường tôi chủ yếu thi khối A, một số thi khối D nên các em chọn những môn thi gắn với tổ hợp xét tuyển ĐH, CĐ. Tổ hợp được lựa chọn số 1 là toán - văn - tiếng Anh và vật lý, hóa học dành cho học sinh khối A. Tổ hợp thứ hai là toán - văn - tiếng Anh và vật lý dành cho học sinh khối D. Với việc thi môn vật lý, các thí sinh có thể xét tuyển 2 khối A1 và D. Thí sinh bây giờ không quan tâm lắm đến thi tốt nghiệp vì nhiều khả năng em nào cũng đỗ, các em chỉ quan tâm đến thi ĐH thôi” - ông Chiến nói.
Lãnh đạo một trường THPT đóng tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội cho hay phần lớn học sinh của trường chọn thi tốt nghiệp môn địa lý vì môn này khá dễ học. Bên cạnh đó, địa lý lớp 12 chỉ có 7 chương, dễ nhớ nên nếu học sinh biết kết hợp với thời sự xã hội thì sẽ có điểm khá.