Làm thế nào để có thể trở thành diễn viên điện ảnh?

Google News

(Kiến Thức) - Những trường nào hiện đào tạo nghề diễn viên điện ảnh? Nếu không thi đậu, em có những con đường nào khác để thực hiện ước mơ trở thành diễn viên của mình?

- Hỏi:  Em muốn trở thành một diễn viên điện ảnh trong tương lai, cho em hỏi những trường nào đang đào tạo ngành nghề này? Có những loại hình diễn viên điện ảnh gì, yêu cầu về khả năng, tố chất của nghề này như thế nào? Nếu không thi đậu, có con đường nào khác để em có thể trở thành diễn viên điện ảnh? (Lê Thanh Hải An, 16 tuổi, Ninh Bình). 
- Trả lời: Nghề diễn viên điện ảnh hiện là nghề khá hấp dẫn với một bộ phận giới trẻ và được mọi quốc gia trên thế giới chú trọng phát triển.
Có rất nhiều cách thức và địa chỉ để bạn lựa chọn nếu muốn theo học ngành này. Việc bạn được lựa chọn để vào vai hay không phụ thuộc vào quá trình casting của đạo diễn. Có nhiều đạo diễn muốn lựa chọn những diễn viên chưa qua đào tạo hay chưa từng đóng phim. Có những đạo diễn lại đánh giá cao tính chuyên nghiệp của những diễn viên được đào tạo qua trường lớp. Điều này nói rằng, bạn có rất nhiều con đường để trở thành diễn viên điện ảnh. Thực tế cho thấy, nhiều ngôi sao màn bạc đã bước sang từ sân khấu ca nhạc hay sàn catwalk và họ rất thành công. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là, quá trình học hỏi để trở thành một diễn viên chuyên nghiệp diễn ra lâu dài, thậm chí suốt cuộc đời.
Những trường, đơn vị đào tạo nghề diễn viên:
Nếu bạn muốn học chuyên về điện ảnh và các lĩnh vực nghề nghiệp của nó, bạn có thể theo học tại: Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh, Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh Tp.Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tp. Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đăk Lăk, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Nha Trang v.v...
Nhung con duong thuc hien uoc mo tro thanh dien vien dien anh
Nghề điễn viên là một trong những nghề rất hấp dẫn với giới trẻ hiện nay.  
Quy trình xét tuyển, thi tuyển:
Thông thường để vào học khoa diễn viên kịch điện ảnh của các trường, thí sinh phải dự thi qua ba vòng. Vòng 1, thí sinh sẽ thi môn hình thể (nhảy, múa, đi đứng hoặc những động tác theo yêu cầu của giám khảo). Vào được vòng hai, thí sinh thi kỹ thuật diễn xuất (diễn tiểu phẩm). Vòng thứ ba, các thí sinh thi văn hóa bao gồm môn Văn, Sử và Phân tích phim.
Mỗi năm có hàng ngàn hồ sơ dự thi vào các trường nhưng trong số lượng không nhỏ đó các trường chỉ chọn lọc lại rất ít người để đào tạo. Trong quá trình đào tạo, con số này sẽ được sàng lọc thêm nhiều lần nữa, đến ngày tốt nghiệp thì giảm đi….. phân nửa. Sau thời gian đào tạo khi ra trường số người sống được với nghề là rất ít.
“Có nhiều con đường đến La Mã”. Cái chính là người đi phải kiên trì. Con đường trở thành diễn viên không lót thảm cho bất kỳ ai. Người đi chỉ có thể đến nơi bằng chính năng lực và sự đam mê của mình.
Bạn cũng có thể tìm kiếm cơ hội từ các cuộc thi như Triển vọng điện ảnh do Hội Điện ảnh TP HCM tổ chức.
Một con đường khác để trở thành diễn viên điện ảnh chính là từ người mẫu, ca sỹ. Từ kinh nghiệm được tích lũy trong nghề người mẫu hay ca sỹ, bạn cũng có thể bước sang lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thông tin về điện ảnh và nghề diễn viên điện ảnh, bạn có thể tham gia các buổi giao lưu trực tuyến với những nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam hoặc thế giới trên các phương tiện thông tin đại chúng và các website.
Nếu có điều kiện đi du học, bạn có rất nhiều sự lựa chọn. Hầu như ở nước nào cũng có những trường đại học hay các trung tâm đào tạo diễn viên và rất nhiều cuộc tuyển lựa diễn viên cho các vai diễn. Các nước có nền điện ảnh lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc... sẽ giúp bạn tiếp cận nhanh nhất những gì đang diễn ra trong thế giới sôi động của điện ảnh. Bạn cũng có thể du học tại Ấn Độ (Bollywood) hay Nhật Bản - những nơi luôn có sự đầu tư cho việc phát triển nền điện ảnh.
Các cách phân loại diễn viên:
Tùy theo tiêu chí mà có nhiều cách phân loại diễn viên. Chẳng hạn, dựa vào tính chất chính hay phụ của nghề nghiệp này trong sự nghiệp của người diễn viên, bạn có thể phân ra thành diễn viên chuyên nghiệp, diễn viên nghiệp dư. Dựa vào chức năng, có thể chia diễn viên điện ảnh thành các nhóm: diễn viên, diễn viên đóng thế, diễn viên lồng tiếng. (Sự phân loại trên chỉ mang tính tương đối và trong cuốn cẩm nang nhỏ này, chúng tôi chủ yếu muốn giới thiệu tới bạn công việc của nhóm thứ nhất và cũng là nhóm quan trọng nhất: diễn viên).
Diễn viên:
Diễn viên là người đảm nhận một hoặc một số vai diễn trong bộ phim. Họ là người sẽ tìm hiểu kịch bản, chuẩn bị, luyện tập và diễn xuất.
Vấn đề lớn nhất của người diễn viên là diễn xuất. Khi diễn xuất, họ không thể hiện con người, tính cách, hành động của bản thân mình. Điều họ biểu hiện chính là con người, tính cách, hành động của nhân vật trong mỗi bộ phim.
Các nhà phê bình điện ảnh thường nói đến vai trò chủ thể bộ phim của đạo diễn hay nhà sản xuất. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đối với công chúng, diễn viên mới là chủ thể, trung tâm của mỗi bộ phim. Lý do đầu tiên kéo họ đến rạp là bộ phim có diễn viên họ yêu thích, kế đến là đề tài của phim và đạo diễn chỉ là lý do thứ ba.
Diễn viên đóng thế (Cascadeur):
Dù tài năng đến đâu, không phải lúc nào người diễn viên cũng có thể tự tin một mình hoàn thành vai diễn. Chẳng hạn như khi nhân vật phải thể hiện một màn trình diễn võ thuật cực kỳ đẹp mắt, một vũ điệu hoàn hảo, một cảnh lướt ván... hay trong những pha mạo hiểm.
Đây là lúc cần tới những diễn viên đóng thế. Yêu cầu đầu tiên đối với diễn viên đóng thế là phải có hình dáng tương tự nhân vật anh/cô ta đóng thế. Thứ hai là họ phải có khả năng diễn xuất. Họ phải nhập tâm vào nhân vật và giữ đúng tâm lý, hành động của nhân vật gốc. Các cảnh cần đến diễn viên đóng thế thường là các pha nguy hiểm nên diễn viên đóng thế hầu hết là vận động viên thể thao hay võ thuật. Ở nước ta, dù thể loại phim hành động chưa mấy phát triển, đời sống của diễn viên đóng thế thường bấp bênh, nhưng vẫn có những con người xả thân vì nghệ thuật như nữ võ sư Thu Vân, võ sư Lữ Đức Long v.v...
Diễn viên lồng tiếng:
Ở các nước có nền điện ảnh phát triển, người ta thường sử dụng kỹ thuật thu âm đồng bộ để đảm bảo tính chính xác và độ chân thật. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, phim truyện vẫn phải sử dụng kỹ thuật lồng tiếng. Ngoài ra, một số phim tiếng nước ngoài và phim hoạt hình cũng cần tới lồng tiếng. Diễn viên lồng tiếng là người tái hiện lời thoại của nhân vật. Đây là công việc thuộc phần hậu kỳ của mỗi bộ phim, song đóng vai trò không nhỏ tới sự thành công hay thất bại của phim.
Công việc của diễn viên lồng tiếng phải đáp ứng hai yêu cầu: Tiếng phải khớp với khẩu hình và truyền cảm. Để làm được điều này, ngoài giọng nói truyền cảm, người diễn viên lồng tiếng cũng phải có quá trình nhập tâm nghiên cứu các sắc thái tâm lý của nhân vật. Diễn viên lồng tiếng phải giữ đúng cung bậc, mức độ tình cảm, ngay cả khi diễn viên lồng tiếng cho chính mình. Công việc lồng tiếng cũng là giai đoạn để sửa chữa những lỗi sai về thoại của diễn viên trên trường quay.
Ngay cả những siêu sao cũng sẵn sàng trở thành diễn viên lồng tiếng. Trong loạt phim hoạt hình Shrek được yêu thích trên toàn thế giới, Cameron Diaz lồng tiếng công chúa Fiona, Eddie Murphy lồng tiếng chú lừa còn Julie Andrews lồng tiếng hoàng hậu...
Khả năng:
- Sức khỏe tốt, có thể làm việc với cường độ cao và áp lực lớn
- Năng lực sáng tạo, thể hiện cảm xúc tốt
- Khả năng giao tiếp tốt, linh hoạt, chủ động
Kỹ năng:
- Tư duy nghệ thuật
- Khả năng diễn xuất
- Óc tưởng tượng phong phú
Thái độ:
- Luôn học hỏi, không ngừng hoàn thiện bản thân
- Niềm đam mê nghề diễn viên điện ảnh
Tự học cách trở thành diễn viên điện ảnh:
Với gần một thế kỷ tồn tại, ngành điện ảnh thế giới đã tạo dựng một khối lượng phim khồng lồ. Đó chính là kho tàng vô tận cho bạn tham khảo để biết những người diễn viên đã làm gì. Nếu bạn muốn trở thành diễn viên điện ảnh, hãy tìm đọc kịch bản của các bộ phim nổi tiếng. Sau đó, xem phim và so sánh giữa những gì trong kịch bản với những gì bạn tưởng tượng và những gì diễn viên thể hiện trong phim. Bạn có thể thấy cách diễn xuất và xử lý vai diễn của họ.
Một cách rất gần với bạn, hãy tham gia diễn các vở kịch trên lớp, ở địa phương, hãy tham gia các cuộc thảo luận, các cuộc thi hùng biện... Tất cả nhằm giúp bạn có thể nói trước đám đông và chuẩn bị những bước đầu tiên cho khả năng diễn xuất
Nếu bạn có khả năng đọc tiếng Anh/ Pháp, bạn có thể tìm trên mạng Internet nguồn tài liệu phong phú nói về những câu chuyện xung quanh một bộ phim. Sự chia sẻ kinh nghiệm của các diễn viên bậc thầy sẽ giúp bạn hiểu hơn về nghề diễn viên điện ảnh.
Bạn có thể tham khảo thông tin về nghề diễn viên, về nghệ thuật diễn xuất, gia nhập một nhóm, các thông tin về ngành công nghiệp điện ảnh qua các trang web:
Các trang web bạn nên tham khảo:
www.vienammovies.pro.vn (Hãng phim truyện Việt Nam)
www.tfscom.vn (Hãng phim truyền hình TP HCM)
www.tgda.com.vn (Tạp chí Thế giới điện ảnh)
www.backstage.com
www.breakdownservices.com
www.hollywoodactor.com
www.performink.com
www.SAG.org
www.actorsequity.org
www.AFTRA.org
www.alliance.org
www.ACTRA.ca
www.uniondeartistes.com
www.filmfestivals.com
www.imdb.com
Đông Nhiên (Tổng hợp)

Bình luận(2)

Minh Hiền

My

Em muốn trở thành một diễn viên đó là mơ ước của em

Minh Hiền

Trần Thị Đông Nhi

Em chỉ mới 15 tuổi ,học lớp 9. em rất đam mê nghề diễn viên làm sao em có thể thực hiện ước mơ này