Tuyển sinh 2015: Khi nào bắt đầu tập trung tổng ôn kiến thức?

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều thí sinh băn khoăn khi nào thì nên bắt đầu tập trung tổng ôn kiến thức, trước thời điểm thi THPT Quốc gia bao lâu?

Về cơ bản, bản chất của quá trình luyện thi THPT quốc gia được rút gọn trong 3 giai đoạn: Trang bị toàn diện kiến thức - Rèn luyện kĩ năng thông qua đề thi - Tổng ôn. Đây là 3 giai đoạn được đúc kết dựa vào kinh nghiệm của các chuyên gia giáo dục và rất nhiều tân sinh viên. Cụ thể:
Trang bị toàn diện kiến thức: giai đoạn học sinh thu nạp toàn bộ những kiến thức cần thiết, trọng tâm để thi đại học.
Rèn luyện thông qua đề thi: quá trình để thực hành những kiến thức đã học được ở giai đoạn bao phủ, rèn phương pháp, luyện kĩ năng làm các dạng đề thường gặp trong đề thi.
Tổng ôn: có thể coi là giai đoạn bao phủ thứ 2, điểm khác ở đây đó chính là việc bao quát lại toàn bộ các kiến thức cốt lõi, nền tảng để tránh việc mất điểm đáng tiếc ở những câu hỏi dễ, tối đa hoá điểm bài thi.
Tuyen sinh 2015: Khi nao bat dau tap trung tong on kien thuc?
 
Rất nhiều học sinh lầm tưởng giai đoạn "về đích" của quá trình luyện thi THPT quốc gia là tổng ôn tập lại toàn bộ kiến thức trong chương trình thi. Đặc biệt, nhiều học sinh còn cho rằng, tổng ôn tập, rà soát lại kiến thức càng sớm sàng tốt. Tuy nhiên, đây lại là những sai lầm cần tránh. Theo thầy Lê Bá Trần Phương, Giảng viên trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, người có 20 năm kinh nghiệm dạy và luyện thi ĐH, CĐ môn toán, thời gian tổng ôn chỉ nên bắt đầu trước kì thi đại học khoảng 1,5 tháng đến 2 tháng. Đến giai đoạn này, thí sinh đã biết chắc chắn năng lực hiện tại của mình ở đâu sau một khoảng thời gian dài nỗ lực ôn tập. Thí sinh cần lưu ý là ở thời điểm này nên dừng ngay việc học quá nhiều kiến thức để bắt đầu quá trình tổng ôn một cách có chiến lược.
Thứ nhất, bản chất của giai đoạn tổng ôn kiến thức không phải là ôn tập lại toàn bộ kiến thức trong chương trình học mà là bao quát lại kiến thức nền tảng, cốt lõi để tránh mất điểm ở những câu hỏi dễ, tối ưu hóa điểm số của bài thi.
Vì sao lại như vậy? Bởi vì:
- Việc học dồn nén, nhồi nhét toàn bộ kiến thức trong một khoảng thời gian không đem lại hiệu quả mà còn gây ra phản ứng ngược cho học sinh dẫn đến học đâu quên đấy, học trước quên sau không hiệu quả.
- Giai đoạn tổng ôn được ví như bước bao phủ kiến thưc, tổng duyệt cuối cùng chứ không phải là giai đoạn bạn bắt đầu trang bị toàn diện kiến thức cho kỳ thi. Trong giai đoạn này, bạn chỉ bao phủ lại kiến thức nền tảng, cốt lõi dựa vào mục tiêu điểm số và năng lực.
Thứ hai, giai đoạn tổng ôn kiến thức chỉ nên bắt đầu trước kỳ thi THPT quốc gia khoảng 1,5 đến 2 tháng.
Vì sao lại như vậy mà không phải sớm hơn?
- Nếu bạn tổng duyệt kiến thức ngay từ bây giờ hoặc sớm hơn, quá trình rèn luyện đề thi của bạn sẽ bị xáo trộn vì phải thu nạp quá nhiều kiến thức.
- Bởi vì đây là giai đoạn bạn đã chắc chắn năng lực hiện tại sau một thời gian dài nỗ lực và định hình được mục tiêu điểm số cần đạt.
- Bài toán "điểm rơi phong độ" luôn là bài toán quyết định đỗ/trượt của rất nhiều học sinh. Nếu bạn vội vàng tổng ôn tập, rà soát ngay từ bây giờ, bạn có thể đạt điểm thi thử cao hơn người khác nhưng sau 4 tháng nữa, kiến thức của bạn sẽ "rơi rụng" đi rất nhiều.
- Trước kỳ thi 4 tháng, bạn không nên nóng vội bước vào giai đoạn tổng ôn mà nên đầu tư cho hai giai đoạn đầu tiên. Bạn cần trang bị toàn diện kiến thức trong đề thi - đây là giai đoạn quan trọng nhất và không thể thiếu trong chu trình luyện thi đại học. Song song, bạn luyện tập thông qua các đề thi đúng cách.
- Thông qua hai giai đoạn đầu tiên, bạn xác định lại năng lực, mục tiêu điểm số và khoanh vùng kiến thức nên tập trung phù hợp với năng lực và mục tiêu điểm số. Từ đó xây dựng lộ trình học tập phù hợp.
Về thời gian tập trung ôn tập, thời gian học hiệu quả thường khoảng 45 phút sau đó hãy nghỉ ngơi thư giãn một chút. Và nếu bạn cảm thấy quên kiến thức thì cũng đừng có cố gắng quá để nhớ lại nó làm gì cả. Nguyên tắc của học hiệu quả là phải để cho đầu óc thư giãn, rồi tự kiến thức nó sẽ về. Nếu bạn muốn ôn lại bài thì hãy ôn lại sau đó 10 phút, rồi 1 ngày, rồi 1 tuần, và một tháng.
Xác định thời điểm học cũng rất quan trọng. Khả năng lao động trí óc của con người tăng dần từ sáng sớm tới gần trưa, sau đó giảm dần - sau bữa ăn trưa nên có ngủ trưa chút ít từ 20-30 phút cũng được. Hiệu suất học buổi trưa còn cao hơn buổi sáng, đặc biệt đối với những môn học khó. Buổi chiều có hơi giảm vào giờ ăn tối. Sau đó, dường như có một chu kỳ mới và khả năng trí óc lại tăng dần cho tới khoảng 21 giờ, sau đó lại giảm. Không nên thức sau 22h vì đầu óc sau một ngày làm việc dường như đã bão hòa, không còn tiếp thu thêm được nữa. Lúc rời bàn học, các em có thể lật qua, lướt mau những dòng đầu của các bài đã ôn từ đầu để xác định mình đã học được tới đâu. Làm như vậy cũng tựa như mình gởi tất cả vào tiềm thức bộ nhớ trước khi đưa não vào giấc ngủ.
Đông Nhiên (Tổng hợp)

Bình luận(0)