Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015 sắp tới, có diễn ra cảnh rút - nộp hồ sơ dồn dập?
Theo Quy chế kỳ thi THPT Quốc gia 2015, mỗi thí sinh (TS) sẽ nhận được 4 giấy chứng nhận kết quả thi. Với mỗi giấy chứng nhận kết quả, TS được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 4 ngành/nhóm ngành khác nhau của 1 trường.
Trong đó, một giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển sinh đợt 1. Trong thời gian 20 ngày của đợt xét tuyển này, TS được phép rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển vào một trường ĐH, CĐ khác. Đồng thời, cứ 3 ngày một lần, các trường phải công bố tình hình xét tuyển của trường sau khi đã cập nhật và sắp xếp danh sách TS theo điểm từ cao xuống thấp, để TS theo dõi và lựa chọn.
|
Ảnh minh họa. |
Trao đổi với báo Chất lượng Việt Nam mới đây, ông Trần Văn Nghĩa, Cục Khảo thí, Bộ GD-ĐT cho biết: "Các TS phải chú ý là đợt 1 dùng cho tất cả các trường xét bằng két quả thi THPT quốc gia. Và nhiều trường chỉ trong đợt 1 là đã xét xong nên các em cần tận dụng cơ hội này. Còn em nào không dùng quyền đợt 1 thì coi như trượt đợt 1, nhưng vẫn được xét bổ sung đợt sau. Tuy nhiên, đợt sau không được dùng phiếu điểm đợt 1 để xét tuyển".
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là ngay trong đợt đầu có diễn ra cảnh rút - nộp hồ sơ dồn dập hay không? Và thí sinh ở nông thôn có phải tới Hà Nội, TP HCM để thay đổi nguyện vọng?
Trả lời vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa cho biết: "Việc rút hồ sơ chỉ xảy ra khi các TS chọn trường không phù hợp. Nếu trước kia các TS chọn trường khi chưa có điểm thi nên không có cơ sở để chọn thêm vào đó nếu chọn sai thì không hó cơ hội sửa sai. Còn năm nay các TS chọn trường khi đã có điểm nén có cơ sở để chọn đúng để không phải rút hồ sơ. Còn nếu chọn sai thì được rút hồ sơ là bộ đã cho cơ hội nhiều hơn so với trước kia".
Bộ GD-ĐT cũng sẽ xây dựng ma trận đề thi cho tất cả các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia. Ma trận đề thi sẽ phản ánh đầy đủ các cấp độ nhận thức từ dễ đến khó (biết, hiểu, vận dụng thấp - vận dụng cao) ứng với các khối nội dung trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12.
Ma trận đề thi cũng sẽ phản ánh tương quan giữa nội dung với các cấp độ nhận thức một cách hợp lý để đề thi đảm bảo vừa có những câu ở mức độ cơ bản phù hợp với cả học sinh THPT và học viên giáo dục thường xuyên (thí sinh chỉ cần trả lời các câu hỏi này là có thể đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp THPT) và các câu hỏi ở mức khó hơn nhằm phân hóa trình độ học sinh, phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ.
Làm sao kiểm soát được TS đã trúng tuyển nguyện vọng 1?
Quy chế tuyển sinh Đại học – Cao đẳng năm 2015 đã được ban hành chính thức. Một điều dễ nhận thấy là quy chế mới này “thoáng” hơn dự thảo và quy chế cũ khi cho phép thí sinh được sử dụng đồng thời 3 giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển vào 3 trường khác nhau ở nguyện vọng bổ sung, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là làm sao để các trường kiểm soát được số thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không tiếp tục nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung khi có trong tay cùng lúc cả 4 giấy chứng nhận kết quả thi?
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM, cho rằng, cần có phương án kỹ thuật để kiểm soát thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 không được nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng bổ sung.
Ngoài ra, năm nay hồ sơ đăng ký xét tuyển không yêu cầu thí sinh nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, điều này có nghĩa thí sinh chưa tốt nghiệp vẫn có thể tham gia vào quá trình xét tuyển. Dù các trường khi gọi nhập học sẽ yêu cầu thí sinh chứng minh điều kiện này nhưng sẽ rối rắm cho quy trình xét tuyển của các trường.