Chiến tranh Việt Nam: 5 điều có thể bạn chưa biết

Google News

(Kiến Thức) - Được khởi sự từ thập kỷ trước, nhưng Chiến tranh Việt Nam đã leo thang dữ dội trong những năm 1960 với sự can thiệp quân sự trực tiếp của Mỹ.

Dưới đây là năm sự kiện có thể gây ngạc nhiên cho những người còn quá trẻ để biết về Chiến tranh Việt Nam:
1. Sự can dự của Mỹ vào Việt Nam đã bắt đầu với Tổng thống Eisenhower
Vào cuối những năm 1950, dưới thời chính quyền của Tổng thống Eisenhower, Việt Nam bị phân chia thành hai miền: miền bắc và miền nam Việt Nam. Chính quyền Eisenhower rằng nếu những người cộng sản giải phóng miền nam Việt Nam, các chính quyền còn lại ở Đông Nam Á sẽ sụp đổ theo “hiệu ứng domino”.
Chien tranh Viet Nam: 5 dieu co the ban chua biet
Khi nhậm chức vào năm 1961, Tổng thống John F. Kennedy tuyên bố sẽ không cho phép miền nam Việt Nam rơi vào tay những người cộng sản.  Ảnh prezi.com
Khi nhậm chức vào năm 1961, Tổng thống John F. Kennedy tuyên bố sẽ không cho phép miền nam Việt Nam rơi vào tay những người cộng sản.
2. Hai tổng thống Công giáo của Mỹ và miền nam Việt Nam đều bị bắn chết trong tháng 11/1963
Đầu những năm 1960, quân đội nam Việt Nam không thể chống đỡ được phong trào đồng khởi và sau đó là chiến thuật du kích của những người cộng sản. Ngoài ra, đa số Phật tử ở miền nam Việt Nam cũng đã nổi dậy chống lại Tổng thống Ngô Đình Diệm, một nhân vật bị coi là bạo chúa. Ngô Đình Diệm nắm giữ quyền lực tuyệt đối và ngày càng trở nên độc tài trong mùa hè năm 1963.
CIA đã tìm cách lật đổ chế độ gia đình trị họ Ngô. Được Mỹ “bật đèn xanh”, các tướng lĩnh quân đội Sài Gòn làm đảo chính đã bắt và bắn chết Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu ngày 2/11/ 1963. Ngay sau đó, Tổng thống Kennedy tỏ ra hối hận về cái chết của Ngô Đình Diệm và về việc Mỹ hỗ trợ cuộc đảo chính.
Chưa đầy ba tuần sau, ngày 22/11/1963, Tổng thống John F. Kennedy bị một tay súng bắn tỉa bắn chết tại Dallas. Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson đã tuyên thệ nhậm chức trên chiếc Air Force One cuối ngày hôm đó và tuyên bố rằng nước Mỹ phải “tiến về phía trước” theo ý nguyện của John F. Kennedy.
3. Truyền hình thay đổi cách nhìn của người Mỹ về Chiến tranh Việt Nam
Do thương vong của binh sĩ trong Chiến tranh Việt Nam liên tục gia tăng, người Mỹ ngày càng quay lưng lại với cuộc chiến mất lòng dân này. Thông tin chính thức luôn nói rằng quân đội Mỹ đang chiến thắng ở Việt Nam, nhưng những tin tức trong các chương trình thời sự buổi tối lại kể câu chuyện khác hẳn.
Phóng viên Morley Safer cảm thấy sốc nặng khi chứng kiến Thủy quân lục chiến đốt trụi 150 ngôi nhà ở một làng quê Việt Nam. Một viên sĩ quan nói với phóng viên Morley Safer rằng ông ta được ra lệnh san bằng khu vực này. Ba phụ nữ bị thương trong vụ tấn công, một em bé đã bị giết chết và bốn người bị bắt làm tù binh.
Chien tranh Viet Nam: 5 dieu co the ban chua biet-Hinh-2
Lính Mỹ đốt nhà dân trong một trận càn quét ở miền nam Việt Nam. Ảnh Spiegel.de 
Phóng viên Safer hỏi một người lính rằng liệu anh ta có cảm thấy hối tiếc về việc đốt nhà nói trên và người lính này trả lời: "Người ta không thể làm công việc của mình, khi thương hại những con người đó”. Một người lính khác nói: “Tôi nghĩ rằng đây là điều đáng buồn, nhưng tôi không nghĩ rằng có bất kỳ cách nào khác để né tránh trong một cuộc chiến kiểu này”.
Dân chúng Mỹ cũng bị sốc khi xem hình ảnh của Kênh truyền hình CBS về vụ Thủy quân lục chiến Mỹ đốt trụi 150 ngôi nhà ở một làng quê Việt Nam.
Sau khi hình ảnh nói trên được phát sóng, Tổng thống Mỹ Lindon B. Johnson đã gọi điện cho Chủ tịch Kênh truyền hình CBS Frank Stanton và nói: "Frank, đây là Tổng thống, phóng viên của ông đã ‘bậy’ lên quốc kỳ nước Mỹ”.
4. Một số thanh niên Mỹ đã tự gây thương tích để trốn quân dịch
Khi đứng trước những lựa chọn là Việt Nam, đi tù hay trốn quân dịch bằng cách chạy sang Canada, một số thanh niên Mỹ đã tìm mọi cách để không đủ sức khỏe vào quân đội, thậm chí tự hủy hoại thân thể, nhịn đói và giả làm người đồng tính.
Chế độ quân dịch, được khởi xướng trong Thế chiến II, buộc thanh niên bước vào tuổi 18 phải đăng ký nghĩa vụ quân sự. Thanh niên thuộc tầng lớp lao động dễ bị bắt vào lính hơn những người thuộc tầng lớp trung lưu vì sinh viên đại học có thể được hoãn quân dịch.
Vào tháng 1/1965, khoảng 5.400 nam thanh niên đã bị gọi vào quân đội. Đến tháng 12 năm đó, hơn 45.000 thanh niên bị đầu quân. Khi con số thanh niên xung quân hàng tháng tăng từ 17.000 đến 35.000 người, thanh niên Mỹ trên toàn nước Mỹ bắt đầu tham gia phong trào bất tuân dân sự.
Ngày 27/11/1965, cuộc tuần hành tại Washington vì hòa bình ở Việt Nam đã diễn ra, thu hút hàng chục ngàn người tham gia.
5. Binh sĩ Mỹ phải chịu đựng nhiệt độ gần 50 độ C khi ngồi trong đầm lầy
Đối mặt với nhiệt độ đôi khi lên đến 120 độ F (gần 50 độ C) trong địa hình đầm lầy ẩm ướt, binh sĩ Mỹ thường mắc các bệnh nhiễm trùng như nấm ngoài da.
Chien tranh Viet Nam: 5 dieu co the ban chua biet-Hinh-3
Đối mặt với nhiệt độ đôi khi lên đến 120 độ F (gần 50 độ C) trong địa hình đầm lầy ẩm ướt, binh sĩ Mỹ thường mắc các bệnh nhiễm trùng như nấm ngoài da. Ảnh Spiegel.de
Cựu binh Việt Nam Karl Marlantes nhớ lại những cảnh đồng đội bị chết trên chiến trường: “ Người ta ném các binh sĩ bị chết vào một chiếc trực thăng và đó sẽ là lần cuối cùng tôi nhìn thấy họ".
Vấp phải sự chống đối dữ dội của người Mỹ ở trong nước, nhưng Tổng thống Lindon B. Johnson không muốn được nhớ đến là một tổng thống Mỹ để mất khu vực Đông Nam Á.
Chien tranh Viet Nam: 5 dieu co the ban chua biet-Hinh-4
 Tổng thống Mỹ Lindon B. Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng McNamara trong chuyến thăm binh sĩ ở miền nam Việt Nam. Ảnh history.com
Trong đoạn băng ghi âm cuộc nói chuyện năm 1965, Thượng nghị sĩ Richard Russell nói với Tổng thống Johnson rằng ông ta "được thừa kế một mớ hỗn độn không thể tồi tệ hơn”. Tổng thống Johnson trả lời: "Đúng. Nếu họ nói tôi thừa hưởng cái mớ hỗn độn này thì tôi cảm thấy may mắn. Nhưng mọi người sẽ nói tôi tạo ra nó... Rắc rối lớn đối với tôi ở chỗ người ta có thể chiến đấu nếu có thể nhìn thấy ánh sáng đâu đó ở cuối đường hầm. Nhưng không có ánh sáng ban ngày ở Việt Nam, không có một chút nào”.
Nhà báo Marvin Kalb lưu ý rằng Tổng thống Johnson nhận ra rằng không phải ông ta “điều khiển cuộc chiến ở Việt Nam mà bị cuộc chiến này điều khiển ngược lại”.
Trong năm 1968, Lindon B.Johnson tuyên bố không ra tái tranh chức Tổng thống Mỹ. 
Minh Châu (Theo CNN)

Bình luận(0)