Phải dùng lăng kính của cuộc chiến tranh Việt Nam
Ông John Kerry bắt đầu nổi tiếng từ vai trò người phát ngôn của Hội Cựu chiến binh Việt Nam phản chiến và Chuck Hagel là người đã từng phản đối Tổng thống G.W. Bush trong cuộc chiến tranh Iraq trên cơ sở kinh nghiệm bản thân mà ông đã từng nếm trải trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Sau khi việc Tổng thống Mỹ Barack Obama đề cử hai người này được thông qua tại Quốc hội Mỹ, “bóng ma chiến tranh Việt Nam” một lần nữa sẽ lại chiếm vị trí hàng đầu và trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Tuy nhiên, theo giới quan sát, động thái này có thể được giải thích theo hai góc nhìn khác nhau.
Một là, do Tổng thống Mỹ Barack Obama phải dùng đến “lăng kính” của cuộc chiến tranh Việt Nam để nhìn nhận tình hình hiện tại. Khi cân nhắc việc đưa thêm quân tới Afganistan, có tin cho rằng Tổng thống Obama đã rút ra bài học sau khi đọc một cuốn sách lịch sử nói về chiến tranh Việt Nam nhan đề “Các bài học từ thảm họa”. Cuốn sách này mô tả những sai lầm của chính quyền Mỹ trong thời gian đó và cho rằng nếu còn sống và tái đắc cử, Tổng thống Mỹ John Kennedy sẽ rút quân ra khỏi Việt Nam hoặc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao bởi ông không cần phải chứng tỏ bản thân ở cuộc chiến tranh này.
|
John Kerry. |
Trong khi đó, trong cuốn sách “Các cuộc chiến tranh của Barack Obama”, tác giả Bob Woodward cho biết, Tổng thống Obama đã nghe lập luận của các cố vấn như Richard Holbrook và Joe Biden cho rằng, các cuộc chiến của ông đều tương tự như cuộc chiến tranh Việt Nam. Trên thực tế, Tổng thống Obama không hài lòng khi Richard Holbrook đưa ra so sánh trên. Ông sợ rằng sẽ kết thúc đời Tổng thống như Lyndon Jonhson khi những thành tựu lớn trong nước của ông bị các cuộc chiến bên ngoài làm hỏng.
Hai là, một cách giải thích khác là sự lựa chọn John Kerry và Hagel cho thấy sự cần thiết phải kết hợp các thế hệ lãnh đạo trong hàng ngũ hoạch định chính sách đối ngoại của Đảng Dân chủ. Trong thời gian qua, nhiều quan chức trẻ đã tạo dựng “tư duy mới” trong chính sách đối ngoại nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang rất cần một sự chín chắn và thận trọng hơn để tạo ra một nội các mạnh.
Ba là, trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2008, John Kerry đã là người đầu tiên ủng hộ Barack Obama. Trong khi đó Chuck Hagel cũng ủng hộ Michele Obama.
|
Chuck Hagel. |
Có bị ám ảnh hay không?
Theo giới phân tích, không có cái gọi là “quan điểm của giới cựu chiến binh Việt Nam” về chính sách đối ngoại Mỹ. Thí dụ như ông John McCain, một phi công đã từng tham chiến ở Việt Nam, vẫn bất đồng với Chuck Hagel, còn Chuck Hagel cũng không hoàn toàn cùng quan điểm với John Kerry. Trong khi ông John Kerry có lập trường diều hâu hơn Tổng thống Mỹ Barack Obama trong vấn đề Libya thì Chuck Hagel lại cho rằng chính sách can thiệp sẽ gây tổn hại đến các nỗ lực của Mỹ về Iran. Tổng thống Mỹ Barack Obama là người muốn kiểm soát chính sách đối ngoại, theo đó ông và đội ngũ cố vấn trong Nhà Trắng mới là những người ra quyết sách. Do đó, không thể tiên đoán được hai vị bộ trưởng mới sẽ đóng vai trò gì trong tình huống khủng hoảng cụ thể.
Cũng cần nhận thấy rằng, Chính quyền của Tổng thống Barack Obama được nhìn nhận là chính quyền đầu tiên ở Mỹ kể từ những năm 1960 có thể ra quyết sách mà không bị tác động bởi ký ức về cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông Ben Rhodes, người chuyên viết diễn văn cho Tổng thống Obama về các vấn đề an ninh quốc gia, đã từng nói, bóng ma cuộc chiến Việt Nam không có dấu ấn gì đối với vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sau nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên, dường như “bóng ma” đó lại đó đang ám ảnh nội các Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama nhiệm kỳ 2 thể hiện qua việc bổ nhiệm hai cựu binh chiến tranh Việt Nam làm Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng.
BÀI ĐỌC NHIỀU