TT Johnson “bắt quả tang” Nixon phá hoại hòa đàm Paris

Google News

Giải mật các băng ghi âm điện đàm của Tổng thống Lyndon Johnson cung cấp một góc nhìn chưa được biết đến về Chiến tranh Việt Nam.

 Nixon phá hoại hòa đàm Paris và leo thang chiến tranh.

Vụ giải mật này cho thấy Tổng thống Johnson đã bắt quả tang Richard Nixon phá hoại các cuộc hòa đàm với Việt Nam... nhưng rốt cuộc lại không chịu phanh phui vụ việc.

Theo BBC, các băng ghi âm được thư viện Lyndon Baines Johnson công bố đợt gần nhất ghi lại các sự kiện trong năm 1968, và cho phép đời sau biết được các cuộc nói chuyện riêng của Johnson vào lúc Đảng Dân chủ bị chia rẽ bởi vấn đề Việt Nam.

Hội nghị của đảng dân chủ năm 1968 tổ chức tại Chicago đã hoàn toàn “hỗn độn”. Hàng ngàn người biểu tình chống chiến tranh đã xung đột với cảnh sát, đòi đảng Dân chủ từ bỏ chiến lược chiến tranh Việt Nam của Tổng thống Johnson.

Nixon “phá hoại hòa đàm”

Các cuốn băng đã làm sáng tỏ một vụ bê bối. Nếu bị tiết lộ ngay vào thời điểm đó, thì chúng đã có thể “nhấn chìm” ứng cử viên tổng thống của Cộng hòa, Richard Nixon.

Vào thời điểm của cuộc bầu cử vào tháng 10/1968, Tổng thống Johnson đã có bằng chứng về việc Nixon phá hoại các cuộc hòa đàm về chiến tranh Việt Nam và từng nói rằng Nixon đã "phạm tội phản quốc" và có "bàn tay vấy máu".

Cựu phóng viên của BBC tại Washington, Charles Wheeler, đã biết được điều này vào năm 1994 và ông đã tiến hành một loạt các cuộc phỏng vấn với các nhân viên chủ chốt của Tổng thống Johnson,như Bộ trưởng Quốc phòng Clark Clifford và Cố vấn An ninh Quốc gia Walt Rostow.

Nhưng vào thời điểm các cuốn băng được giải mật vào năm 2008, tất cả các nhân vật chính đều đã chết, kể cả phóng viên Wheeler.

Nay lần đầu tiên, toàn bộ câu chuyện có thể được kể công khai.

Chuyện bắt đầu vào mùa hè năm 1968.

Nixon sợ một bước đột phá tại Hòa đàm Paris có thể dẫn tới một thương lượng để giải quyết cuộc chiến Việt Nam và điều này sẽ phá hỏng chiến dịch tranh cử của ông.

Vì vậy, Nixon đã thiết lập một kênh liên lạc bí mật bao gồm cả bà Anna Chennault, nữ cố vấn cao cấp của chiến dịch tranh cử. Bà Anna Chennault đã được phái đến đại sứ quán của chính quyền Sài gòn với một thông điệp rõ ràng: chính quyền Sài Gòn nên rút khỏi các cuộc đàm phán, từ chối thỏa thuận với Johnson, và nếu Nixon đắc cử tổng thống, họ sẽ có được một thỏa thuận tốt hơn.

Vì vậy, chính vào đêm mà Tổng thống Johnson công bố kế hoạch ngừng ném bom, thì ông được tin chính quyền Sài gòn  rút khỏi hòa đàm.

Thực ra, Tổng thống Johnson cũng đã được cho biết lý do. FBI đã nghe trộm cuộc điện đàm của đại sứ chính quyền Sài Gòn và nội dung cuộc gọi của Anna Chennault đã  được gửi tới Nhà Trắng.

Trong cuộc điện đàm, bà Chennault nói với vị đại sứ kia rằng “chỉ cần chờ cho tới sau cuộc bầu cử (tổng thống)”.

Bộ trưởng Quốc phòng Clifford nói với Tổng thống Johnson rằng sự can thiệp này là bất hợp pháp và đe dọa cơ hội hòa bình.

Tổng thống Johnson liền ra lệnh đặt chiến dịch tranh cử của Nixon dưới sự giám sát của FBI và yêu cầu được thông báo, nếu đích thân Nixon can dự. Khi ông được biết vụ này do chính ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa dàn dựng, Tổng thống Johnson đã triệu Thượng nghị sĩ Everett Dirksen, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện, để chuyển một thông điệp đến Nixon rằng ông đã biết điều gì đang xảy ra và  Nixon nên tránh làm cái việc có thể dẫn tới tội phản quốc.

“Đạo đức giả chính trị” và “leo thang chiến tranh”


Về mặt công khai, Nixon nói ông ta không hiểu vì sao chính quyền Sài Gòn lại rút khỏi các cuộc đàm phán. Ông này thậm chí còn đề nghị tới Sài Gòn để đưa chính quyền này trở lại bàn đàm phán.

Johnson cảm thấy đó là biểu hiện cuối cùng của đạo đức giả chính trị nhưng trong các cuộc gọi được ghi âm với Clifford, hai ông này lại quan ngại rằng nếu vụ việc được đưa ra công khai, thì Mỹ sẽ phải tiết lộ rằng FBI đã nghe lén điện thoại của đại sứ chính quyền Sài Gòn và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) đã lọc các thông tin liên lạc của ông này với Sài Gòn. Chính vì vậy, họ đã quyết định không nói gì.

Sau đó, Tổng thống Johnson có cho ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Humphrey đủ thông tin để đánh chìm đối thủ. Nhưng sau đó, một vài ngày trước bầu cử, Humphrey nói rằng ông đã thu hẹp khoảng cách với Nixon và sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.

Vì vậy, Humphrey đã quyết định không cần buộc tội ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa phản quốc, trong khi đảng Dân chủ “đằng nào” cũng sẽ thắng.

Rốt cuộc, Nixon đã thắng với ít hơn 1% số phiếu phổ thông.

Khi đã vào nhiệm sở ở Nhà Trắng, Nixon đã leo thang chiến tranh sang Lào và Campuchia, với sự mất mát thêm của 22.000 nhân mạng Mỹ, trước khi cuối cùng giải quyết cuộc chiến qua một thỏa thuận hòa bình vào năm 1973, một thỏa thuận đáng lẽ đã ở trong tầm tay vào năm 1968.

“Ngựa quen đường cũ”, Nixon đã tiếp tục lặp lại thủ đoạn tranh cử bẩn thỉu và đã phải từ chức tổng thống một cách nhục nhã ê chề, khi vụ bê bối nghe trộm Watergate bị phanh phui sau đó mấy năm.

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Văn Bình

Bình luận(0)