>>> Mời quý độc giả xem video "Mãn nhãn với vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ". Nguồn Youtube: |
|
Lùm xùm kiện tụng xung quanh vở "Tinh hoa Bắc Bộ" xuất phát từ đâu?
Đạo diễn Việt Tú và chủ đầu tư là Công ty Tuần Châu Hà Nội từng ký kết hợp đồng cho dự án trình diễn vở thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam mang tên "Ngày xưa" (hay còn gọi là Thuở ấy xứ Đoài). Tuy nhiên, sau 10 ngày công diễn tại Sài Sơn - Chùa Thầy vào tháng 6/2017, vở "Thuở ấy xứ Đoài"(được cấp bản quyền vào tháng 8/2016) bất ngờ bị dừng lại.
Tháng 10/2017, Tuần Châu Hà Nội công bố vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" được đầu tư lên tới 500 tỷ đồng do Hoàng Nhật Nam làm đạo diễn trên cùng một không gian sâu khấu và địa điểm ở Sài Sơn. Lý giải về sự thay đổi này, ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu cho rằng, “Tinh hoa Bắc Bộ” là ý tưởng mà ông ấp ủ từ 6 năm trước. Còn vở “Thuở ấy xứ Đoài” do Việt Tú dàn dựng phải dừng lại là vì “không chạm được vào trái tim khán giả”.
|
Một cảnh trong vở Tinh hoa Bắc Bộ. |
Đến tháng 11/2017, Tuần Châu Hà Nội gửi đơn kiện công ty DS của đạo diễn Việt Tú đến TAND Hà Nội, đòi bồi thường số tiền hơn 6 tỷ đồng với cáo buộc Việt Tú đã cố tình xâm phạm, chiếm đoạt quyền sở hữu của phía Tuần Châu Hà Nội khi tự ý đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn. Đạo diễn Việt Tú sau đó đã phủ nhận những cáo buộc này. Tháng 3/2018, người đại diện Tuần Châu Hà Nội cho biết, TAND Hà Nội đã thụ lý đơn kiện.
1 tháng sau khi tòa thụ lý đơn kiện, Việt Tú bị đạo diễn Hoàng Nhật Nam kiện với lý do anh đã phát ngôn trên báo chí cho rằng vở diễn do Nhật Nam dàn dựng là một tác phẩm "phái sinh", "đạo nhái". Tuy nhiên sau đó, TAND quận Bình Thạnh (TP HCM) đã từ chối thụ lý.
|
Toàn cảnh sân khấu vở thực cảnh "Thuở ấy xứ Đoài" khi mới ra mắt khán giả vào tháng 6/2017. |
|
Nhà thủy đình trong vở "Tinh hoa Bắc Bộ" bị "tố" là sao chép ý tưởng từ vở trước. |
Vụ kiện liên quan đến vở“Tinh hoa Bắc Bộ" cũng bắt đầu "nóng" từ đây khi tháng 5/2018, TAND Hà Nội thụ lý đơn khởi kiện của Công ty DS của Việt Tú, trong đó yêu cầu Công ty Tuần Châu chấm dứt hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn "Thuở ấy xứ Đoài".
Mới đây nhất, TAND Hà Nội tiếp tục thụ lý đơn phản tố của Công ty DS với nội dung bác bỏ toàn bộ các yêu cầu của Tuần Châu Hà Nội và yêu cầu công ty này phải thừa nhận vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ" được xây dựng, kế thừa, dựa trên nền tảng đã có trước đó của vở diễn "Thuở ấy xứ Đoài". Bên cạnh đó, Việt Tú còn yêu cầu Tuần Châu Hà Nội phải bồi thường cho công ty của anh số tiền là 7,2 tỷ đồng.
Việt Tú theo đến cùng vụ kiện “Tinh hoa Bắc Bộ“: Không hướng đến thắng thua
Có thể thấy tính chất của vụ việc tranh chấp bản quyền này ngày càng phức tạp khi từ cuối năm 2017 đến nay, tòa đã thụ lý 3 vụ án kiện tụng lẫn nhau giữa đạo diễn Việt Tú và Công ty Tuần Châu Hà Nội.
|
Việt Tú chia sẻ lý do sẽ theo vụ kiện đến cùng. Ảnh: Fanpage đạo diễn Việt Tú. |
Chia sẻ trên trang Fanpage của mình hôm 9/8 vừa, đạo diễn Việt Tú khẳng định: "Tôi kiện không hướng đến thắng thua, họ lớn như vậy sao có thể đối đầu, nhưng mọi thứ đều cần có người tiên phong. Tôi chấp nhận rủi ro đó vì chúng ta không thể bước ra thế giới với nền văn hoá vay mượn, đạo nhái và chộp giật trong nghệ thuật".
Lý do khiến Việt Tú nói đến "đạo nhái và chộp giật trong nghệ thuật" cũng là xuất phát từ những "tố cáo" trước đó của anh rằng, "Tinh hoa Bắc Bộ" sử dụng lại toàn bộ “hệ sinh thái” và thiết kế cảnh quang của vở "Thuở ấy xứ Đoài", từ chất liệu văn học, không gian hiện hữu với cây cối, nhà Thủy đình cho đến toàn bộ số nông dân do anh huấn luyện...
|
Việt Tú phân tích những điểm giống nhau giữa 2 tác phẩm trong buổi tổ chức gặp gỡ báo chí. |
Và để chứng minh cho việc theo đuổi vụ kiện đến cùng, ngày 9/8, đạo diễn Việt Tú đã có cuộc gặp gỡ với báo chí tại Hà Nội để đưa ra một số bằng chứng so sánh sự giống nhau từ bối cảnh, trang phục, cách dàn dựng cho tới vô số những động tác khác nhau của dàn diễn viên trong hai vở "Thuở ấy xứ Đoài" và "Tinh hoa Bắc Bộ".
Việt Tú còn cho biết, anh sẵn sàng cung cấp 5kg hồ sơ tư liệu mà anh đã cất công thu thập được cho vụ kiện tại tòa.