Phim truyền hình Gara hạnh phúc lên sóng vào khung giờ vàng VTV và được quan tâm thời gian qua. Nội dung tác phẩm kể về cuộc đời sóng gió của cô gái tên Sơn Ca (Quỳnh Kool đóng). Bố cờ bạc bê tha, mẹ bỏ đi từ nhỏ, Sơn Ca sống cùng ông nội và coi ông là người thân duy nhất.
Để tiện chăm sóc ông đau yếu, Sơn Ca xin làm việc tại một gara ôtô gần nhà. Tại đây, cô gặp Khải - chủ gara, Vân - em gái Khải và Trung (quản lý gara). Trung được xây dựng là nhân vật mang màu sắc hài. Cậu này tính tình cợt nhả, keo kiệt, thường đùa giỡn, cách nói chuyện hơi thô nhưng vẫn tốt bụng. Trung từng sống lang thang, rồi được Khải cứu giúp và coi như anh em.
|
Duy Hưng (trái) vào vai Trung trong phim. Ảnh: VFC.
|
Ngay từ những tập phim đầu, nhân vật Trung được khán giả chú ý dù là tuyến vai phụ. Duy Hưng gây bất ngờ khi lần đầu thể hiện dạng vai này trên màn ảnh, diễn xuất duyên dáng, thoại tự nhiên. Đầu đội mũ lưỡi trai ngược, miệng luôn ngậm tăm là tạo hình đặc trưng của "phó lãnh đạo" Trung. Không sai nếu nói Trung "cân" yếu tố hài hước của phim, mang đến tiếng cười cho người xem.
Tuy nhiên, trong hai tập phát sóng gần đây, vai diễn này bị phản ứng. Dường như ê-kíp phim đang có chiều hướng tham chi tiết, lạm dụng màu sắc hài từ nhân vật Trung. Nhiều ý kiến phàn nàn Trung xuất hiện liên tục, các tình tiết ngày càng bị làm quá, dẫn đến lố.
Trong tập 14, tại phân cảnh ở bệnh viện, vai Trung có hành động kém duyên, gây khó hiểu cho khán giả. Cụ thể, khi đứng chờ thang máy, Trung nhìn thấy một cậu bé ngồi ăn kem ở hàng ghế chờ. Trung tiến lại ngồi cạnh trêu chọc, sau đó xin ăn ké. Cậu bé bật khóc, vội vã chạy đi tìm mẹ.
Cảnh tiếp theo là Sơn Ca chạy đến bệnh viện, bắt gặp Trung đang nuốt vội cây kem. Tình huống này được quay hiệu ứng chậm, cộng thêm âm nhạc nhằm mục đích gây cười. Nhưng kết quả lại phản tác dụng. Trên fanpage phim, đa số ý kiến cho rằng đây là tình tiết vô nghĩa, biến nhân vật thành kẻ vô duyên hoặc tâm lý có vấn đề.
"Không phủ nhận diễn xuất của Duy Hưng nhưng cái gì nhiều quá cũng thành nhàm. Phân cảnh trên thừa thãi và vô nghĩa. Một người cợt nhả, thích đùa không có nghĩa là tranh giành đồ ăn của trẻ con", khán giả Mai Chi nhận xét.
"Vai Trung mất hình tượng vì phân cảnh này, hành động lố quá. Phải chăng đội ngũ biên kịch cạn ý tưởng nên mới tạo ra tình huống như thế này", bạn Lê Lan bình luận.
|
Cảnh phim khiến nhân vật Trung bị phản ứng.
|
Một cảnh phim khác liên quan đến Trung và cũng gây tranh luận là khi Khải kể về câu chuyện quá khứ đầy ám ảnh. Khải từng là dân xã hội. Vì mâu thuẫn, ân oán, đối thủ trả thù Khải bằng cách cưỡng hiếp Vân. Cô bé từ đó bị sang chấn tâm lý, luôn sống trong lo sợ, trầm cảm, hoảng loạn. Đây là lần đầu Khải cho Trung biết sự thật về cuộc đời anh. Khi cố gắng bảo vệ em gái, Khải vô tình trở thành tội phạm giết người, phải ngồi tù ba năm.
Lúc này, Trung vẫn giữ thái độ cười cợt, hớn hở khi tiếp nhận câu chuyện. Cậu ta nói với Khải: "Anh va một phát là con vợ đập đầu vào bàn ngỏm luôn à. Nhọ nhỉ".
Theo logic thông thường, lối nói đùa thô kệch này có thể phù hợp tính cách của Trung. Nhưng đặt trong một tình huống tương đối nhạy cảm, hành động trên bị chỉ trích cũng là dễ hiểu. Người xem không cảm nhận được sự đồng cảm từ Trung, dù Khải và Vân là hai người thân thiết của anh.
Ở phần tiếp theo, nếu Trung vẫn xuất hiện dày đặc ở mỗi tập với lối diễn này, hành xử này, chắc chắn nhân vật bị đi vào lối mòn, thậm chí gây khó chịu hơn nữa đối với người xem. Sự tiết chế là điều cần thiết để không biến một nhân vật vốn dí dỏm trở thành lố bịch, nhàm chán.