Bộ phim "Sống chung với mẹ chồng” trước và sau khi lên sóng được khán giả đón nhận cuồng nhiệt. Đây là bộ phim thành công hơn cả trong số những phim anh từng làm trước đó?
- Nói thành công có vẻ hơi sớm bạn ạ. Bởi bộ phim chỉ mới lên sóng những tập đầu tiên nhưng tôi thấy rất mừng vì sự quan tâm và phản hồi khá tích cực của khán giả. Đó là động lực để tôi và ekip làm phim nỗ lực hơn trong những sản phẩm tiếp theo.
|
Đạo diễn Vũ Trường Khoa (ngoài cùng bên trái) cùng các diễn viên trong buổi ra mắt phim. |
Nhiều khán giả nói họ thấy chính hình ảnh của mình trên phim. Quá trình đưa tư liệu thực tế vào phim được vận dụng thế nào, thưa anh?
- Tôi đã trao đổi rất nhiều với biên kịch. Chúng tôi thống nhất lấy tư liệu chính là bản nguyên tác nhưng sẽ bổ sung những tình tiết có thực trong cuộc sống. Bởi lẽ, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu là đề tài muôn thuở song bối cảnh khác nhau sẽ phát sinh những xung đột và tác nhân mới. Vì lẽ đó, việc đưa chất liệu hiện thực vào phim sẽ khiến câu chuyện được tái hiện sinh động và mang tính thời sự.
Có vẻ chút lo lắng của anh hơi thừa khi NSND Lan Hương đã thể hiện rất thành công vai mẹ chồng tai quái. Hơn thế còn nhận được nhiều đánh giá tích cực?
- Nói tôi lo lắng cũng không hẳn. Qua nhiều dịp tiếp xúc, trao đổi, tôi cảm nhận được thế mạnh về diễn xuất cũng như cách hoá thân đa chiều của cô ấy. NSND Lan Hương có nội lực rất mạnh, thế nên thay vì lo lắng chúng tôi đã cùng tìm hướng xây dựng hình tượng mới cho nhân vật.
Không còn là người phụ nữ nết na, thuỳ mị, có phần gia giáo, NSND Lan Hương vào vai mẹ chồng khá độc đoán và tính ích kỷ được bộc lộ rõ ràng. Tôi cho rằng đây là điều dể hiểu, bởi bất cứ nghệ sĩ nào cũng mong muốn thể hiện những vai diễn đa màu sắc chứ không phải một mô tuýp giới hạn.
Lý do gì anh chọn NSND Trần Đức, một diễn viên chuyên ghi điểm với vai ác, nham hiểm vào vai ông bố chồng điềm đạm, hiểu lẽ và có phần nhu nhược khi bị vợ lấn lướt?
- Tôi tin chắc rằng những nghệ sĩ có khả năng nhập vai xuất sắc, linh hoạt sẽ không gặp khó với bất cứ vai diễn nào. Không chỉ NSND Trần Đức mà trước đây trong phim 'Khi đàn ông goá vợ bật khóc' tôi đã chọn nghệ sĩ Công Lý vào vai người cha khắc khổ. Nhiều người bất ngờ khi diễn hài mới là sở trường của anh ấy. Nhưng rồi vai diễn đã rất thành công, truyền tới khán giả sự đồng cảm và cảm xúc chân thực.
Tương tự với diễn viên Trung Anh, Thanh Quý trong phim "Hôn nhân trong ngõ hep". Chúng tôi đều cố gắng trao đổi, tìm ra nét khắc hoạ thuyết phục cho hình tượng nhân vật. Tôi cho rằng, hầu hết mọi diễn viên đều có khả năng làm tốt những vai diễn đa chiều.
Xuyên suốt bộ phim không thiếu những cảnh xung đột căng thẳng giữa các nhân vật. Với tính chất này, có cảnh quay nào làm khó ekip làm phim?
- Phải nói thật rằng yếu tố làm khó đoàn làm phim chính là sự xung đột về tâm lý nhân vật. Theo đó, tất cả những cảnh mẹ chồng nàng dâu đều rất khó, và khó hơn với chính diễn viên tham gia tình huống.
Để làm được điều đó, dùng cử chỉ và lời nói chưa đủ mà phải bằng cảm xúc bật ra từ bên trong. Yêu cầu này, khiến các diễn viên phải dồn hết tâm sức. Điều chúng tôi trăn trở là nếu làm không nét xung đột sẽ mờ nhạt nhưng nếu làm quá cũng không thành công. Vì vậy phải luôn kiểm soát sao cho tâm lý nhân vật đạt đến ngưỡng phù hợp.
|
Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu được khắc họa chân thực trong phim "Sống chung với mẹ chồng". |
Không làm phim để dọa dẫm các nàng dâu
Anh có sợ phân cảnh đối lập cực độ về cuộc sống trước và sau hôn nhân, tác động không nhỏ đến tư tưởng lập gia đình của người xem?
- Tôi không nghĩ vậy. Chúng tôi làm phim không nhằm gây chia rẽ hay dọa dẫm các nàng dâu khi bước về nhà chồng. Chúng tôi chỉ muốn nói bất cứ gia đình nào cũng tiềm ẩn những xung đột, nếu các thành viên không biết cảm thông, nhìn về định hướng chung sẽ rất dễ xảy ra mâu thuẫn. Ngược lại, nếu biết nhường nhịn, thấu hiểu việc sống chung sẽ tốt đẹp hơn nhiều.
Theo đó, khán giả sẽ có thêm trải nghiệm để định hình cuộc sống tương lai hoặc rút kinh nghiệm khắc phục hạn chế mối quan hệ gia đình.
Được biết kịch bản phim được chuyển thể từ truyện cùng tên của một nhà văn Trung Quốc. Anh nói gì khi nhiều tình tiết phim bị cho là chưa hay so với bản nguyên tác?
- Bản sắc dân tộc sẽ quyết định đặc trưng văn hoá mỗi quốc gia. Và tất nhiên quan điểm sống cũng như cách cư xử mỗi dân tộc sẽ khác.Vì lẽ đó, chúng tôi đã thay đổi một số tình tiết so với bản nguyên tác để phù hợp hơn với đời sống văn hoá người Việt.
Có câu nói rằng: “Văn hoá là sự khác biệt, không có sự phân biệt cao thấp”. Vấn đề ở đây theo tôi có chăng chỉ là khác biệt. Người Việt Nam trong cách cư xử thường hiền hoà, biết cách kìm chế hơn trong khi dân tộc khác lại cư xử ở mức độ khác thì sao? Ở đây chúng tôi đã phóng tác theo bản gốc, mà đã là phóng tác không nên bê nguyên đặt vào câu chuyện chúng ta muốn kể.
|
Một phân cảnh trong phim. |
Nói vậy có khi nào anh đặt câu hỏi: Một kịch bản đã được Việt hoá, tại sao không nhìn nhận dưới góc độ phim Việt, để thấy sự sáng tạo cũng như màu sắc riêng?
- Tôi thấy tâm lý so sánh khi một nguyên tác văn học được chuyển thể thành phim là đúng và việc nhìn nhận dưới góc độ hay khía cạnh nào là quyền của khán giả. Khi đọc tiểu thuyết, bạn sẽ phải tự hình dung ra hệ thống nhân vật, cũng như tình tiết. Nhưng khi lên phim tất cả đều được cụ thể hoá. Đó là nguyên nhân xuất phát những ý kiến trái chiều, người cho rằng không hay bằng bản gốc nhưng người lại nói sinh động hơn.
Thế nên tôi nghĩ đây là sự sáng tạo một lần nữa của ekip làm phim. Ranh giới giữa nguyên tác văn học và một bộ phim trình chiếu nằm ở việc cụ thể hoá chứ không còn là trí tưởng tượng.
Vậy với những người chưa tiếp xúc với bản nguyên tác có thể đặt bao nhiêu kì vọng về bộ phim "Sống chung với mẹ chồng" này?
- Tôi không nghĩ vậy đâu, ngược lại chúng tôi kỳ vọng khán giả sẽ đồng cảm và chia sẻ cảm xúc chứ đừng nói đưa ra điều gì khiến khán giả kì vọng. Hơn thế, muốn khán giả cố gắng đồng hành cùng phim mới là điều chúng tôi mong mỏi nhất.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!