Cuốn tự truyện “Đổi thay” sắp phát hành của ca sĩ Hồ Quang Hiếu được cho biết sẽ hé lộ 80% quãng đời mà anh vẫn luôn giấu kín, trước khi trở nên nổi tiếng với công chúng. 4 chương sách là hành trình chạm đến ước mơ, từ thời nông nổi sống lang bạt, rồi hoàn lương, tìm lại chính mình đến khi chạm tay tới thành công đầu tiên trong sự nghiệp của nam ca sĩ.
Chính ca sĩ Hồ Quang Hiếu hiểu rằng có thể một số chi tiết trong cuốn tự truyện sẽ khiến fan bối rối, hoài nghi về sự tốt đẹp của mình. Tuy nhiên, cuốn sách đã giữ lại những chi tiết ấy để mọi người hiểu rằng dù Hồ Quang Hiếu của hôm nay từng là một người không tốt nhưng đã không từ bỏ đam mê, khát vọng sống tử tế hơn và làm đẹp cho đời.
VietNamNet xin trích một đoạn trong chương đầu tiên trong cuốn “Đổi thay” mang tên “Thời nông nổi”.
Bỏ học năm 16 tuổi
Mình định sẽ không kể lại những ký ức này đâu. Những nghề đã trải qua, những việc đã từng làm,… mình đã từng chìm trong nghề dưới đáy của xã hội và không tử tế chút nào. Có lúc nghĩ cuộc đời mình đã chấm hết nhưng chính quá khứ ấy đã tạo nên mình của ngày hôm nay.
Như quãng ký ức mình kể ở đầu cuốn sách, việc bố mẹ ly dị đã ảnh hưởng tới cuộc đời mình rất lớn, chính bản thân mình cũng không ngờ tới. Gia đình tan vỡ, không có ai dạy dỗ, nhà mình lại ngay bến xe nên không thói hư tật xấu nào mà mình không biết và không từng dính dáng. Nhà mình có tám chị em, mẹ phải đi làm nuôi con nên không có thời gian chăm sóc và để ý tới việc học hành của mình. Các chị đều đã lấy chồng nên ai cũng phải lo cho cuộc sống riêng.
Cậy mình là con út, mẹ vốn vẫn cưng chiều nên mình lại càng hống hách, làm tới. Mình nghỉ học, chôm tiền của mẹ đi chơi, rủ rê các bạn qua một ngôi nhà bỏ hoang để đánh bài, ở lại đó. Khi hết tiền thì đứng ở cổng trường chặn tiền mấy đứa học trò, đứa nào cũng phải nộp, thậm chí mình còn đi vào những bãi hoang vắng rình mấy đôi đang hẹn hò để trấn lột tiền đi mua gạo, mua đồ ăn, cà phê,... Lúc đó mình luôn nghĩ như vậy oai lắm, nghĩ là ta đây giang hồ kiếm hiệp lắm.
Có quãng thời gian mình từng bỏ nhà đi một tháng trời. Mình biết mẹ đã vì mình mà khóc nhiều lắm. Mẹ cứ nghĩ là mình buồn, mình muốn mua cái này cái kia, nên mẹ cứ bảo: “Con muốn mua xe thì mẹ mua cho…” như để bù đắp, nhưng mẹ đâu biết mình chỉ là đứa ham chơi mà thôi. Đến năm lớp 10, mình chính thức bỏ học, dành hoàn toàn tâm trí cho những việc khác vui vẻ hơn.
Ký ức đi bụi, trấn lột, môi giới 'gái bia ôm' không muốn nhắc lại của Hồ Quang Hiếu
Hồ Quang Hiếu từng khóc, tự mắng nhiếc mình khi nhận ra lỗi lầm.
Tự mắng nhiếc vì “nghề” điều phối “gái bia ôm”
Mình đi bụi như vậy khoảng chừng một năm, và, đến lúc việc gì đến ắt sẽ đến. Mình vẫn nhớ như in hôm đó, lang thang ở cổng trường mãi không tìm được con mồi nào vì hầu hết chúng nó đã quen mặt, cũng đã biết cách “giấu tiền”, mình lại mò về nhà tính chôm tiền mẹ, nhưng mẹ đã để tiền chỗ khác, mình không tìm thấy và cũng không hy vọng thấy được lần nữa. Loanh quanh mãi tối muộn mới về “bản doanh”, mình thấy lấp ló đèn pha khắp nơi, công an đứng ở trong nhà đang còng tay thằng bạn lại.
Sau khi xe đi rồi, mình mới dám đến hỏi những đứa còn lại thì được biết trong nhóm có đứa ăn cắp một chiếc đồng hồ đắt tiền nên bị bắt, nghe bảo gia đình bị mất đồng hồ là một gia đình có thế lực nên hình phạt dành cho kẻ cắp sẽ rất kinh khủng. Nghe vậy mình sởn hết da gà, quyết định rất chóng vánh và kiên quyết: Phải từ bỏ “nghề” này. Cũng phải được một năm, nhờ sự cố đó mà mình biết sợ. Nhưng đúng là “chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ”, mình vẫn chứng nào tật nấy. Từ cái hố này mình lại nhảy sang một cái hố khác. Mình được một ông anh kêu về làm quản lý quán karaoke giùm ông ý. Nói thực ra là điều phối mấy cô gái “bia ôm”. Lúc nào khách cần hay các cô gái cần khách thì mình sẽ là người trực tiếp làm môi giới, điều phối cho cả hai bên.
Làm nghề đó khiến mình tiếp xúc với con gái nhiều, làm quen họ, cặp kè họ, thích cô đó, buộc chủ phải tạo điều kiện mới chịu xếp lịch. Ví dụ như: Nhiều phòng karaoke liên hệ với nhiều đầu mối đưa gái vào, thích cô nào thì gọi bên đó, cô đó có đẹp không, có thích không. Rồi mình phải được tán tỉnh, sàm sỡ các cô ấy thì mới điều phối cho khách cơ.
Chắc các bạn tò mò muốn biết mình có hối hận? Có chứ, những đêm không ngủ, mình toàn tự hỏi: “Mày làm cái gì thế này hả Hiếu?”, “Sao mày khốn nạn vậy?”, rồi nhớ đến những giọt nước mắt của mẹ và khiến mình òa khóc trong đêm.
Buổi chiều định mệnh đó cũng đã đến, trong khi đang còn ôm ấp một cô cắt tóc rất xinh đẹp thì mình nghe thấy tiếng quát tháo ở bên ngoài, rồi tiếng còi công an dồn dập. Mình nhảy vụt ra cửa sổ, chạy thoát. Bởi thiếu hiểu biết, không lường trước hậu quả, cộng thêm không rành luật pháp khiến cho mình đã từng nghĩ rằng, nghề nào cũng là nghề. Suýt bị bắt và cú ngã khi nhảy xuống từ cửa sổ đã thúc đẩy mình quyết định bỏ “nghề”…
Về bên mẹ
Câu hỏi tiếp theo là: “Làm gì bây giờ? Học hành thì không đến nơi đến chốn, lại có quá khứ không tốt, ai sẽ nhận mình vào làm đây?”.
May mắn sao, có người quen giới thiệu cho mình làm lơ xe khách, thời điểm đó được đi đây đi đó, khám phá khung cảnh mới mẻ là trong lòng cảm thấy thật dễ chịu cho dù đường dài rất cực. Những hôm trời mưa, trèo lên trên nóc xe, mui xe bốc hàng xuống cho người ta, nước mưa xen lẫn đất cứ thế tràn vào mắt, vào miệng,… nước mưa lạnh ngấm vào người.
Lâu lâu tính xấu lại bộc phát, không kìm được, văng tục chửi thề với khách, thả khách dọc đường vì ghét… Thấy mình thật xấu xa và bỉ ổi, sợ bị ảnh hưởng bởi văn hóa chạy xe đường dài nên mình lại nghỉ nghề lơ xe và về nhà.
Mình đã về bên mẹ.