Hành trình kéo dài 15 năm cùng con trai là bé Bôm (tên thật Nguyễn Anh Tuấn) chiến đấu với căn bệnh APERT (xương cứng sớm cục bộ) của diễn viên Quốc Tuấn đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng bất tận về tình yêu thương.
Hình ảnh diễn viên Quốc Tuấn bật khóc khi chứng kiến con trải qua những cuộc phẫu thuật, để rồi sau 15 năm được nhìn con tự tin biểu diễn trên sân khấu đã trở thành nguồn động viên tinh thần lớn lao để những gia đình có hoàn cảnh tương tự tiếp tục nỗ lực, chiến đấu.
Rất nhiều người đã khóc và lặng đi trước câu chuyện. Sự lạc quan, yêu đời và kiên cường chiến đấu với mọi khó khăn của Bôm và diễn viên Quốc Tuấn khiến đông đảo khán giả khâm phục.
Trong 15 năm, Quốc Tuấn chính là niềm động viên lao nhất với cậu bé Bôm và ngược lại con trai cũng tiếp thêm sức mạnh để nam diễn viên không chịu khuất phục trước số phận.
"Chúng tôi luôn lạc quan, vui vẻ và kiêu hãnh"
- Sau khi chương trình Điều ước thứ 7 lên sóng, đông đảo công chúng bày tỏ sự yêu mến và đồng cảm với Bôm cũng như gia đình anh. Không ít người tâm sự rằng câu chuyện của anh đã trở thành động lực để họ nỗ lực hơn trong cuộc sống. Đón nhận tình cảm này của khán giả, cảm xúc của anh thế nào?
- Thực sự tôi rất hạnh phúc và vui mừng trước những lời động viên của mọi người, bởi nhiều năm nay, Bôm cũng như tôi sống được là nhờ vào tình cảm và sự cảm thông, ủng hộ đó.
Tuy nhiên, hiệu ứng của câu chuyện cũng làm phát sinh một vấn đề khiến tôi lo lắng đó là truyền thông, dư luận khai thác sâu quá, dẫn đến sự việc đi theo hướng không đúng tinh thần và có những luồng ý kiến lệch lạc.
Chương trình Điều ước thứ 7 đã đi khá đúng về bản chất. Khi làm, tôi đã có yêu cầu rất rõ ràng với ê-kíp thực hiện, đó là không biên tập theo hướng bi lụy quá, khiến mọi người từ thương lại thành thương hại.
Điều đó không tốt với Bôm. Hai bố con tôi tuy khó khăn nhưng lúc nào cũng lạc quan, vui vẻ và kiêu hãnh.
|
Diễn viên Quốc Tuấn. |
- Việc trở thành nhân vật được quan tâm trên mạng xã hội có tác động như thế nào đến cuộc sống của gia đình anh, đặc biệt là Bôm?
- Đúng là sau khi chương trình phát sóng và được chia sẻ trên mạng xã hội, mọi người cũng bày tỏ lo lắng cho cuộc sống của Bôm. Nhưng may mắn, “ông ấy” hồn nhiên và không thích lên mạng. Cứ về đến nhà là chỉ ôm đàn và tập trung cho âm nhạc.
Tôi cũng luôn cố gắng giấu để con không biết đến những việc đó. Thỉnh thoảng, tôi mới cho con xem ảnh và tâm sự rằng: “Ai cũng yêu con, bởi vậy, việc của con là gìn giữ tình cảm ấy. Giành được tình cảm của mọi người đã khó thì việc gìn giữ càng khó. Mọi người đang nhìn vào con mà con làm ẩu thì sẽ biến tình cảm trở thành ác cảm, như vậy con càng thiệt thòi hơn”.
Còn về phía tôi, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, không có gì thay đổi. Bởi vì, phản ứng này nó cũng giống như khi tôi nhận được giải thưởng về diễn xuất. Tức, một ngày tôi nhận được rất nhiều thư động viên của khán giả, rồi sự quan tâm của truyền thông. Nhờ đó, tôi cũng cân bằng nhanh.
- Anh tâm sự rằng nhận được nhiều lời đề nghệ giúp đỡ từ các mạnh thường quân nhưng lại từ chối. Lý do gì khiến anh quyết định như vậy?
- Đây là vấn đề khiến tôi đang khó xử nhất. Tôi rất cảm ơn tình cảm và sự động viên của mọi người. Tôi không biết phải đáp lại tình cảm của mọi người thế nào bởi mỗi ngày đều có rất nhiều tin nhắn mà tôi không biết là ai và cũng không thể trả lời xuể. Thế nhưng về vật chất, tôi không thể nhận.
Từ giờ đến lúc Bôm đi phẫu thuật, tôi vẫn còn sức khỏe để có thể tự chiến đấu. Khi nào không kiếm được thì “bố cháu” mới xin. Vì Bôm, tôi sẵn sàng đi ăn xin.
Thế nhưng, chưa nỗ lực làm việc mà đã nhờ đến sự trợ giúp thì rất buồn cười. Hơn nữa, phải đến 17, 18 tuổi, Bôm mới có thể phẫu thuật thẩm mỹ, chứ chưa thể làm ngay.
Và tôi cũng chia sẻ rất thật lòng rằng, hàng ngày tôi vẫn nhận được cuộc gọi từ gia đình những bé có hoàn cảnh thiệt thòi để nhờ tư vấn. Thậm chí, các bé khác còn thiệt thòi hơn ở chỗ không có bố, mẹ là diễn viên, bởi vậy, mọi người không biết tới.
Do đó, tốt nhất mọi người hãy dành sự giúp đỡ cho những bé như vậy, còn Bôm thì hoàn thiện đến 90% rồi, phần còn lại rất nhẹ nhàng thôi.
|
Quốc Tuấn tâm sự rằng anh dễ xúc động mỗi khi nhớ lại những nỗi đau Bôm phải trải qua. |
"Thành công nhất là truyền cho Bôm sự tự tin"
- Không muốn câu chuyện cá nhân đi theo hướng bi lụy và dư luận can thiệp quá sâu, vậy lý do gì khiến anh cùng con trai tham gia chương trình Điều ước thứ 7?
- Thực ra, ban đầu tôi không hề hay biết các bạn ấy thực hiện chương trình Điều ước thứ 7, bởi mỗi bạn đến lại xưng là một cơ quan báo chí khác nhau.
Đến khi ê-kíp quay ở trường của Bôm thì tôi mới biết. Đúng là, tôi không thích cái gì bi lụy quá, do đó khi được hỏi tôi cũng nói rằng không xem nhiều Điều ước thứ 7 vì sợ không kìm được cảm xúc.
Thế nên, khi quay chương trình, tôi dễ tủi thân. Nhìn Bôm vui thôi, tôi cũng xúc động.
Những gì tôi kể trong chương trình chỉ bằng 1/10 những khó khăn Bôm và gia đình phải trải qua. Bôm đau đớn và khủng khiếp hơn thế gấp 1.000 lần. Nhưng, với phương châm không để mọi thứ trở nên bi lụy, câu lòng thương hại, tôi không kể.
May mắn là sau khi chương trình phát sóng, nội dung cũng vừa phải, không ướt át quá. Thứ hai, chương trình cũng không đưa quá nhiều hình ảnh về bệnh tật, nó không tốt cho quá trình phát triển của Bôm sau này.
Phản hồi của mọi người dành cho câu chuyện cũng rất vừa phải. Sau khi quay, Diệp Chi cũng lo lắng rằng tôi giận. Nhưng tôi không hề giận.
- Trải qua 15 năm chiến đấu với bệnh tật và những cuộc phẫu thuật, thế nhưng, Bôm luôn lạc quan và rất kiên cường. Là người luôn ở bên chăm sóc con, anh động viên Bôm thế nào để cậu bé mạnh mẽ như vậy?
- Điều tôi cảm thấy mình thành công nhất chính là việc truyền được cho Bôm sự tự tin. Một người bệnh lúc nào cũng u sầu thì không có năng lượng để chiến đấu với bệnh tật được.
Hai bố con ở nhà lúc nào cũng vui đùa với nhau. Tôi luôn cố gắng động viên để Bôm không nghĩ rằng con khác với mọi người. Chẳng hạn khi con vấp ngã, tôi sẽ biến thành sự đùa vui chứ không rối rít lo lắng, xuýt xoa quá mức.
Tôi cũng nói rằng: “Con không việc gì phải ngại. Bởi điều quan trọng nhất là tất cả mọi người đều yêu thương con. Con không khác gì mọi người hết. Con thiệt thòi hơn một chút, thì hai bố con mình cùng chiến đấu. Chỉnh một chút là lại đẹp trai, chứ không có vấn đề gì hết”.
Chỉ cần có sự hồn nhiên, lạc quan thì Bôm sẽ không thấy khó khăn và rất dễ vượt qua được mọi chuyện.
Tuy nhiên, sự can đảm thì không phải do tôi truyền được, nó là tố chất trong con người Bôm. Đứng trước mọi người, Bôm rất hồn nhiên và không ngại gì hết.
Những bé khác thấy chỗ đông người thì có thể sợ hãi, nhưng riêng Bôm, mỗi lần trường tổ chức văn nghệ, con vô tư biểu diễn, nhảy nhót. Trong khi đó, phía dưới, bạn bè, bố mẹ, thầy cô đứng dậy vỗ tay rầm rầm.
- Ngoài chơi đàn, Bôm có phụ giúp bố các công việc nhà không?
- “Ông ấy” đi học cả ngày, còn về nhà, Bôm chỉ tập đàn. Có đúng 3 việc, “ông ấy” giúp bố là huýt sáo vang đi đổ rác, quyét nhà và ấn nút máy giặt. Bất kể đang làm gì, chỉ cần bố huýt sáo thì Bôm sẽ tự động ra bấm máy giặt, còn việc quét nhà thì làm rất vụng.
Nếu thỉnh thoảng lười thì Bôm sẽ nói rằng tay con phải đánh đàn không được quét rác nhiều. Như trong chương trình, lúc bảo đánh trứng thì “ông ấy” cũng láu cá nói rằng: “Anh phải cho em gang tay cao su chứ không hỏng tay”.
Ở nhà, lắm lúc Bôm toàn trêu bố, rất hóm hỉnh. Tuy nhiên, bảo gì Bôm vẫn làm chứ không bao giờ chống đối.
|
Với nghệ sĩ Quốc Tuấn, Bôm là tình yêu và động lực lớn lao nhất trong cuộc sống. |
>>> Xem clip diễn viên Quốc Tuấn oà khóc khi nghe con trai đánh đàn (Nguồn: VTV):
"Tôi phải làm đủ những việc lặt vặt, không đâu vào đâu"
- Từ chối mọi đề nghị giúp đỡ trong khi công việc của anh tại Hãng phim truyền hình Việt Nam cũng gặp vấn đề, thậm chí nhiều tháng nay không được trả lương, vậy anh làm thế nào để chi trả chi phí phẫu thuật cho Bôm?
- Nói thật lòng rằng trừ khi là đại gia, thì còn lại ai cũng cần tiền cả. Với trường hợp của Bôm, đúng là tôi vô cùng khó khăn nhưng lúc nào cũng phải để riêng một khoản quỹ nhất định, để chỉ cần bác sĩ, giáo sư bên nước ngoài họ nhận, bố con tôi lên đường ngay.
Đâm ra, tôi cũng phải làm những việc lặt vặt, không đâu vào đâu. Có những việc ngày xưa không bao giờ tôi làm nhưng giờ phải nhận hết. Phải nói rằng đó là điều khiến tôi rất tủi thân. Tuy nhiên, cũng chưa khó khăn đến mức tôi phải “bán mặt” để kiếm đồng tiền.
Còn về phía hãng phim, tôi cảm thấy bị xúc phạm và không có tình người. Về việc cắt lương, tôi tự hỏi họ còn chút lương tâm nào trong người hay không. Không riêng trường hợp của tôi mà xét về nhân tình, thế thái giữa con người với nhau, việc ấy không ổn một chút nào.
- Tuy nhiên, giải thích lý do không trả lương cho anh, ông Thủy Nguyên khẳng định 4 năm nay anh không làm gì?
- Chúng tôi không hề trì trệ mà thậm chí rất đam mê làm phim. Thế nhưng, một năm hãng phim chỉ có một phim nhà nước đặt hàng và phim lịch sử thì làm sao anh em có dự án để làm.
Thời gian qua, chúng tôi vẫn tham gia làm ngoài với các dự án phim giải trí, thị trường. Thế nên, không thể nói chúng tôi không làm phim. Chúng tôi đề xuất nhiều dự án giải trí nhưng đều không có hồi âm.
- Có thông tin anh đã nhận được mức lương tương đương thời điểm trước khi hãng phim tiến hành cổ phần hóa. Thực hư việc này thế nào?
- Thông tin này không chính xác. Vẫn rất nhiều người chưa được nhận lương. Có một điều rất quan liêu ở đây là các cấp trên không bao giờ có cơ chế kiểm tra, trong khi chủ đầu tư thì lúc nào cũng hứa rồi để đó.
Tôi cũng nói rồi, nếu lương là 540 nghìn đồng thì tôi sẽ tặng lại để chủ đầu tư uống nước. Về bản chất, chúng tôi đấu tranh không phải vì lương. Bởi thực tế, lương nhà nước ví dụ được khoảng 4 triệu đồng thì cũng không thể sống được.
Do đó, chúng tôi đấu tranh là vì danh dự của người nghệ sĩ và những tổn thương đã chịu trong thời gian qua. Đồng lương với chúng tôi không phải vấn đề quá quan trọng.