Lối dẫn vào nhà trọ của chị Hồ Thị Xuyến - chị gái Hồ Văn Cường - đi qua một con kênh dài của Gò Công (Tiền Giang). Con đường đất ẩm ướt, lầy lội và trơn trượt sau cơn mưa đột ngột ập đến.
Nơi ở của vợ chồng chị Xuyến là phòng trọ khoảng 20 m2, chật chội và ngột ngạt. Vừa vội vã thu gom một số đồ đạc trên sàn nhà để lấy lối đi vào, anh Bé - chồng chị Xuyến - ấp úng nói: “Hai vợ chồng vừa đi làm về, chưa kịp dọn dẹp”.
Trên võng, chị Xuyến đang tranh thủ dỗ con trai ngủ trưa.
“Đêm nay nghe nghe tiếng mưa, lòng con sao nức nở/ Tủi thân con khờ, no đói biết nhờ ai/ Đời nổi trôi đâu biết đến ngày mai/ Nước mắt con tuôn trào, ôi nhớ mẹ làm sao”, chị hát ru con.
Cuộc sống dừng ở mức đủ ăn
Lấy chồng từ năm 20 tuổi, đến nay, chị gái Hồ Văn Cường đã có hai con, một gái, một trai. Chỗ trọ của chị Xuyến cách khá xa nhà cha mẹ ruột. Vì thế, vào những dịp như giỗ chạp, lễ Tết, cô mới về thăm nhà.
“Tên hai con của tôi là Minh Khuê và Khôi, đều do cậu ba (Hồ Văn Cường - PV) đặt. Tên dài lắm, 4 chữ lận nên tôi không nhớ hết. Cậu ba thương các cháu lắm, thường xuyên mua quà và hỏi han tình hình”, chị Xuyến kể.
Nói về cuộc sống hiện tại của mình, chị Xuyến cho biết chỉ dừng ở mức đủ ăn, không dư dả. Về mùa nắng, anh Bé chạy xe lôi (xe ba gác – PV) chở hàng hóa, đồ đạc khi có người mướn, còn chị gái của Cường đi bán hoa cùng mẹ chồng.
Mùa mưa đến, hai vợ chồng làm đủ việc để mưu sinh. Anh đi đập xà bần rồi lấy sắt bán kiếm tiền. Chị đi lượm ve chai, bán vé số...
“Tôi làm đủ thứ nghề. Ai mướn gì làm đó, không ngại vất vả. Có lần, tôi đi lượm ve chai đầu ngõ, có người nhận ra là chị gái của Hồ Văn Cường. Họ nói: ‘Chị gái của ca sĩ mà cũng phải đi lượm ve chai à?'”, chị Xuyến chia sẻ.
Theo chị Xuyến, thu nhập trung bình hàng tháng của hai vợ chồng khoảng hơn một triệu đồng. Hai năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công việc bấp bênh nên thu nhập giảm sút. Trong khi đó, họ phải trả tiền trọ hàng tháng là 500.000 đồng. Ngoài ra, vợ chồng chị phải mua tã, sữa, chi trả tiền thuốc men cho hai con.
“Có những ngày mưa gió, hai vợ chồng kiếm được mấy chục nghìn đồng, không đủ bữa ăn. Lâu lâu, mẹ chồng và mẹ ruột hỗ trợ thêm ít tiền để trang trải. Khi đi làm, tôi gửi con cho mẹ chồng trông hộ”, chị gái của Cường tâm sự.
Chị gái Hồ Văn Cường cho biết chị thường xuyên liên lạc với cha mẹ và em trai qua điện thoại. Thế nhưng, một tháng qua, điện thoại của chị bị hỏng nên không nói chuyện, cũng không cập nhật tình hình gia đình tại TP.HCM.
“Cứ khoảng 3 tháng một lần, hai vợ chồng chạy xe máy lên thành phố thăm cha mẹ và Cường. Mỗi lần lên, chúng tôi chỉ ngồi chơi hơn một tiếng rồi quay về, chứ không ở lâu. Khi nào hai vợ chồng có tiền thì mới lên cha mẹ, không phải khơi khơi chạy xe đi. Trước khi đi, chúng tôi cũng phải xin phép cô Phi Nhung”, chị tâm sự.
So với 5 năm trước, chị Xuyến nhận thấy em trai mình ngày càng cao lớn, chín chắn hơn trong suy nghĩ. Chị Xuyến nói vui vì Cường trưởng thành, sống một cuộc đời khác với chị.
“Cường ít nói, sống nội tâm. Hai chị em cũng ít chia sẻ, tâm sự. Bây giờ lớn rồi, mọi thứ không còn như xưa nữa. Cường đi học cả ngày. Tôi thì đi làm, tối về bận bịu chăm sóc con cái. Khi tôi hỏi thăm, Cường nói mọi thứ đều ổn nên tôi cũng không hỏi han thêm. Cha mẹ cũng ít kể chuyện trên đó, sợ tôi rầu”, chị nói.
“Cường cũng khổ lắm”
Tiếp lời vợ, anh Bé nói anh không biết chữ cũng không sử dụng điện thoại. Chị Xuyến nghỉ học từ năm lớp 6, nhận diện mặt chữ kém. Vì thế, cuộc sống của cặp vợ chồng xoay quanh hai đứa con và chuyện mưu sinh hàng ngày nên không có thời gian quan tâm những vấn đề khác.
Anh Bé khẳng định Hồ Văn Cường thương yêu và giúp đỡ chị gái. “Cường sống tình cảm. Nếu em làm ra tiền sẽ lo lắng cho gia đình nhưng hiện tại thì chưa có. Cường cũng khổ lắm. Mọi người không thể nhìn bề ngoài để đánh giá được. Hơn nữa, gia đình chỉ có hai chị em. Cường không thương chị thì thương ai”, anh nhấn mạnh.
Anh Bé kể về cuộc sống hiện tại của Hồ Văn Cường.
Anh cho biết năm 2020, Hồ Văn Cường mua tặng chị gái một chiếc điện thoại cảm ứng để liên lạc. Nhưng trong một lần đùa nghịch, con gái ném điện thoại vào thau nước, bị vỡ màn hình và không sử dụng được. Khi mang ra tiệm sửa, chi phí lên hơn một triệu đồng. Vì thế, anh lại ngậm ngùi mang về vì số tiền quá cao.
“Hơn một tháng nay, hai vợ chồng không dám gọi lên cho gia đình trên thành phố, sợ cậu ba biết lại lo lắng. Điều tôi mong muốn nhất là Cường được ổn định, tự lo cho bản thân em trước. Còn chuyện có giúp đỡ anh chị hay không, chúng tôi cũng không trách. Mình là anh chị cả trong gia đình, không lo được cho em thì thôi”, anh Bé nói.
Nói về tình hình cha mẹ vợ trên TP.HCM, anh Bé cho biết trong lần gặp gần nhất, hai phụ huynh vẫn khỏe. Anh Hồ Văn Mười – cha của Cường – làm bảo vệ ở quán chay, ăn uống và ngủ nghỉ tại đó. Còn mẹ Cường giúp việc tại nhà của Phi Nhung.
“Cha mẹ vợ hiền lành, thương yêu con cái nhưng không khôn ngoan như người ta. Nhiều năm sống ở thành phố nhưng cha mẹ vẫn giữ nguyên tính cách như xưa, không thay đổi”, chồng chị Xuyến tâm sự.
Anh cho biết mỗi lần trở về nơi ở của gia đình vợ tại huyện Gò Công Tây thường nghe hàng xóm nói ra nói vào chuyện không sửa sang ngôi nhà từ đường.
“Mỗi nhà một cảnh, mọi người không hiểu hết được đâu. Cha mẹ giờ cũng phải lo cho em Cường ăn học, chuyện nhà cửa tính sau. Căn nhà đó cũng để thờ phụng tổ tiên, làm sao mình không sửa sang, tu bổ. Gia đình vợ tôi cũng không bao giờ có chuyện bỏ xứ, bỏ quê. Cha mẹ nói nếu năm nay chưa xây được thì sang năm”, anh Bé tiết lộ.
Anh Bé nói mong muốn lớn nhất ở hiện tại là Hồ Văn Cường có sức khỏe tốt để vượt qua kỳ thi sắp tới. “Ngoài ra, tôi mong Tổ nghiệp luôn phù hộ để Cường giữ được giọng hát hay, sự yêu mến của khán giả. Với tôi, Cường dù bước sang tuổi 18 nhưng vẫn là đứa em bé bỏng, luôn cần sự sẻ chia, bảo bọc”, anh nói.