Số phận của tên đao phủ Tết Mậu Thân

Google News

Xuất thân thượng lưu, có học, nhưng từ hình thức đến tính cách của Nguyễn Ngọc Loan đều chẳng khác gì một tay du thủ, du thực.

Bức ảnh "Saigon Execution" do phóng viên nhiếp ảnh người Mỹ Eddie Adams, Hãng AP chụp trên đường phố Sài Gòn vào dịp Tết Mậu Thân 1968 đã phô bày tất cả những gì tàn bạo, phi luân nhất, châm ngòi cho ngọn lửa phản đối cuộc chiến tranh bẩn thỉu, đầy tội ác ở Việt Nam cháy bùng khắp nơi trên thế giới, đốt bỏng cả trong lòng nước Mỹ. Đao phủ trong bức ảnh, kẻ sau này suốt đời bị lên án, khinh miệt và ghê tởm là một viên tướng Việt Nam Cộng hòa, nổi tiếng với biệt danh “Sáu Lèo” Nguyễn Ngọc Loan.
Xuất thân thượng lưu, có học, có bằng cấp, nhưng từ hình thức bên ngoài, đến tính cách, lời ăn tiếng nói của Nguyễn Ngọc Loan đều chẳng khác gì một tay du thủ, du thực. Một thời, ông ta từng nắm giữ quyền lực trong tay, nhưng không hề được đồng sự, các chính khách và quần chúng ở miền Nam kính trọng. Thay vào đó là sự khinh miệt và sợ hãi. Người ta đã nhìn Loan như một hung thần với khuôn mặt của kẻ sát nhân.
Nguyễn Ngọc Loan sinh năm 1930 tại Thừa Thiên - Huế. Cha của Loan là ông Nguyễn Ngọc Lợi, kỹ sư công chánh, nguyên Trưởng khu Hỏa xa Huế. Năm 1951, Loan gia nhập quân đội và theo học khóa 1, Trường sĩ quan Thủ Đức, ra trường tình nguyện tham gia lực lượng Xung kích Pháp-Việt. Pháp chủ trương "Việt Nam hóa chiến tranh", Loan là một trong những người được chọn và được gửi sang Pháp thụ huấn tại Trường Không quân Salon-de-Provence, tốt nghiệp bằng kỹ sư hàng không, sau này trở thành phi công lái khu trục cơ đầu tiên của không lực miền Nam.
Năm 1960, Nguyễn Ngọc Loan giữ chức vụ chỉ huy trưởng Phi đoàn 2 Quan sát, trú đóng tại Nha Trang. Đồng ngũ biết đến Loan như một tay ăn nói bỗ bã, rượu như hũ chìm nhưng nổi tiếng keo kiệt, bủn xỉn.
Trong hồi tưởng của cựu Trung tá phi công Nguyễn Văn Cử, (về sau là dân biểu Quốc hội Sài Gòn), người đã ném bom dinh Độc Lập, ám sát hụt Ngô Đình Diệm vào sáng ngày 27/2/1962, thì Nguyễn Ngọc Loan là một kẻ bần tướng, mặt dơi, tai chuột, tướng cách của một kẻ tàn độc, phản phúc và ti tiện. Thuở còn giữ chức vụ phi đoàn trưởng Phi đoàn 2 quan sát, Nguyễn Ngọc Loan thường hay hứa sẽ đề nghị thăng thưởng cho thuộc cấp nhưng chẳng bao giờ thực hiện. Bạn bè mời nhậu nhẹt, Loan nhiệt tình tham gia nhưng chẳng bao giờ mời ai một lần nào cả.
Có người không nhịn được, đã nửa đùa nửa thật: "Tới lượt thằng Loan đi chớ, cứ ăn chực anh em hoài coi sao được!". Nguyễn Ngọc Loan vừa cười, vừa hứa chắc như đinh đóng cột: "Được thôi, "moa" mời các "toa" đúng 10 giờ sáng chủ nhật, tại quán số 5 ngoài bãi biển, ai đến trễ sẽ bị phạt". Đúng hẹn, mọi người có mặt đầy đủ, nhưng chủ xị lại bặt vô âm tín! Ngồi chờ đến trưa chẳng thấy Loan đâu, có người giận quá, buông tiếng chửi thề và bảo: "Đúng là thằng "Sáu Lèo!". Biệt danh khinh thị dính chặt đời Loan từ đó.
Năm 1964, Nguyễn Ngọc Loan lên đại tá, giữ chức vụ Tư lệnh phó Không quân, Nguyễn Cao Kỳ làm Tư lệnh. Ngày 11/2/1965, trong chiến dịch có tên gọi là "Mũi tên lửa" (Flaming Dart), Nguyễn Ngọc Loan đã điên cuồng dẫn đầu các phi đoàn khu trục cơ A1 Skyraider của không quân Sài Gòn, đánh phá Hà Tĩnh, và Quảng Bình. Sau sự kiện này, Loan được Kỳ thăng Chuẩn tướng và được điều về làm Tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia, kiêm Giám đốc Nha An ninh quân đội, phụ trách luôn Phủ đặc ủy Trung ương tình báo. Ông ta trở thành một hung thần, và là cánh tay mặt của Nguyễn Cao Kỳ.
Nắm một loạt quyền cao, chức trọng nhưng Loan lại trang phục lôi thôi lếch thếch, chân luôn đi đôi dép lẹp xẹp, kể cả khi ông ta chủ trì, hoặc tham dự những phiên họp quan trọng. Đã thế, Loan thường cầm trên tay một chai bia, ngửa cổ tu ừng ực như một bợm nhậu thứ thiệt, chửi thề văng mạng như một kẻ đầu đường xó chợ. Thượng nghị sĩ Thái Lăng Nghiêm, một trong những cố vấn chính trị của nhóm Nguyễn Cao Kỳ đã nhiều lần than phiền về cách ăn mặc và thái độ cư xử vô văn hóa của Nguyễn Ngọc Loan. Ông Kỳ cũng chỉ biết thở dài: "Biết thế, nhưng nó được cái rất trung thành và dám làm những việc mà người khác không dám làm".
Thật vậy! Trong một phiên họp tại trụ sở Quốc hội Sài Gòn, Loan ngồi trên lầu, trang phục như một tên du côn, gác cả hai chân lên một két bia, để cuốn sổ và khẩu súng rulo trước mặt. Trên tay cầm một cây gậy, Loan vừa ngửa cổ tu bia, vừa chĩa gậy thẳng xuống những dân biểu nào phát biểu không có lợi cho phe cầm quyền và lật sổ ghi chép tên tuổi của họ. Nhiều dân biểu đã phản ứng, cho rằng đó là một hành động khủng bố, mang tính chất miệt thị, trấn áp thành phần đối lập trong Quốc hội. Nguyễn Ngọc Loan đáp trả, tuy không chính thức, nhưng cũng đủ vọng đến tai số dân biểu này: "Bọn dân biểu chỉ ăn hại đái nát. Có giỏi thì cầm súng ra trận mà đánh nhau. Dẹp luôn cái quốc hội bù nhìn này đi cũng chẳng hề hấn chi".
 Chiến sĩ đặc công Nguyễn Văn Lém bị bắt giải đến cho Nguyễn Ngọc Loan và bị Loan bắn chết. Bức ảnh này đã bị dư luận kịch liệt lên án.
Loan cũng là kẻ thừa mưu mô xảo quyệt. Giữa tháng 3/1965, dân chúng Đà Nẵng-Huế rầm rộ xuống đường biểu tình chống chế độ độc tài quân sự Thiệu - Kỳ với đủ mọi thành phần, cả công chức, quân nhân cũng tham gia. Trung tướng Nguyễn Chánh Thi đã ngã hẳn và trở thành người đứng đầu phe ly khai. Ngày 1/4/1966, Nguyễn Cao Kỳ gửi Trung tướng Phạm Xuân Chiểu ra Đà Nẵng để điều đình. Phe ly khai đã bắt giữ luôn sứ giả để làm con tin. Tình hình trở nên không thể kiểm soát. Nhiều tướng lĩnh, chỉ huy cao cấp đã đưa cả đơn vị mình nhập luôn vào thành phần ly khai, sẵn sàng chống trả nếu chính quyền Sài Gòn đưa quân ra trấn áp
Ngày 14/5/1966, qua cầu không vận của quân đội Mỹ, 5 tiểu đoàn nhảy dù, 2 tiểu đoàn Thủy quân lục chiến và một biệt đoàn Cảnh sát dã chiến do Nguyễn Ngọc Loan chỉ huy đã đến Đà Nẵng để dẹp quân ly khai. Thoạt đầu, Nguyễn Ngọc Loan bàn với Nguyễn Cao Kỳ cho chiến đấu cơ cất cánh uy hiếp các vị trí của Trung đoàn 51 Bộ binh và Tiểu đoàn 11 Biệt động quân đã ly khai. Trung tướng Waltz, Tư lệnh Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tại Đà Nẵng phản ứng gay gắt ý đồ này. Ông ta khuyến cáo, nếu chiến đấu cơ của Việt Nam Cộng hòa cất cánh, ông ta sẽ cho không quân Mỹ ngăn chặn. Nhưng về sau, khi phe ly khai đập phá lãnh sự quán và các cơ quan trực thuộc của Mỹ tại Đà Nẵng và Huế thì chính các cố vấn Mỹ cũng làm ngơ để cho Nguyễn Ngọc Loan bạo hành.
Trong thành phần ly khai cố thủ Đà Nẵng có Tiểu đoàn 11 Biệt động quân của đại úy Nguyễn Thừa Dzu ra khỏi vòng chiến. Có kẻ mách Loan, Nguyễn Thừa Dzu có một người bạn chí thân là Nguyễn Tự Cường, hiện đang ngồi tù tại Cục An ninh quân đội. Cường nguyên là đại úy, là tay chân thân tín của lãnh chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn. Sau biến cố ngày 1/11/1963, Ngô Đình Cẩn bị xử bắn, Cường phải chịu kiếp tù đày. Nay có thể dùng Nguyễn Tự Cường làm thuyết khách.
Thế là Cường được dẫn đến, Nguyễn Ngọc Loan hăm dọa: "Mày là bạn chí cốt của thằng Dzu. Nếu mày chiêu hồi được nó, tao sẽ bạch hóa hồ sơ của mày và cho mày lẫn thằng Dzu những chức vụ ngon lành. Còn nếu mày không làm được, thì một là đi theo nó luôn, hai là tiếp tục ngồi tù". Nguyễn Tự Cường hăng hái nhận lời và đã thuyết phục được Dzu.
Tối hôm đó, Nguyễn Ngọc Loan đã cho người đi đón tiểu đoàn của Nguyễn Thừa Dzu rút ra Cầu Đỏ, để lại một lỗ thủng quan trọng cho quân ly khai và còn khiến cho Trung đoàn 51 mất hết tinh thần phản kháng. Hôm sau, 23/5/1966, Nguyễn Ngọc Loan xua quân nhảy dù tiến vào thành phố và nhanh cóng làm chủ tình hình Đà Nẵng. Nguyễn Tự Cường và Nguyễn Thừa Dzu lại theo Nguyễn Ngọc Loan ra Huế...dẹp loạn. Khi tình hình ở miền Trung ổn định, Cường được thăng thiếu tá, làm Trưởng ty An ninh quân đội Đà Nẵng. Còn Nguyễn Thừa Dzu cũng lên thiếu tá, về làm Trưởng ty cảnh sát một quận ở Sài Gòn.
Tại Huế, người dân đã đưa bàn thờ Phật xuống đường làm vật cản chân đoàn quân của Nguyễn Ngọc Loan. Nhưng với Loan, thì sá chi Phật thánh! Ông ta ngồi trên xe jeep, chạy quanh khắp mọi ngõ ngách, đích thân đạp đổ không biết bao nhiêu bàn thờ. Người dân Huế nói: "Sáu Lèo" đã đem dùi cui, lựu đạn cay và còng số 8 làm quà tặng nơi ông ta chôn nhau cắt rốn. Biến động miền Trung hạ màn và Loan được Nguyễn Cao Kỳ phong hàm thiếu tướng. Từ đó, bệnh công thần càng khiến cho con người Nguyễn Ngọc Loan trở nên kiêu binh và tàn bạo hơn nữa.
Đỉnh cao tội ác, bộ mặt sát nhân của Nguyễn Ngọc Loan lộ rõ vào Tết Mậu Thân (1968). Cho đến 2 giờ sáng ngày mồng Một tết, khi chiến sự đã bùng nổ dữ dội khắp mọi nơi, ngay giữa lòng thành phố Sài Gòn thì Loan mới bừng tỉnh, và lồng lộn lên bởi sự yếu kém của bộ máy tình báo do ông ta cầm đầu. Tại Thị Nghè (nhiều tài liệu khác cho là tại đường Lý Thái Tổ hoặc tại một con đường trong Chợ Lớn), binh lính của Nguyễn Ngọc Loan đã bắt giữ, trói thúc ké và dẫn giải một người đàn ông mặc thường phục đến trước mặt ông ta và cho rằng đó là một người lính đặc công của Việt Cộng.
Nguyễn Ngọc Loan cầm chiếc khăn lau mặt trên tay, ra hiệu cho đám bộ hạ lùi ra xa, rồi tiến sát bên người đàn ông đó. Mặt lạnh như tiền, không nói một lời, Loan quăng điếu thuốc đang hút dở xuống đất, giơ thẳng cánh tay phải, dí súng sát thái dương của người đàn ông (sau này được xác định là chiến sĩ đặc công Bảy Lốp, tức Nguyễn Văn Lém; có tài liệu xác định là chiến sĩ Nguyễn Văn Nà) và bóp cò. Nạn nhân ngã xuống, máu lênh láng cả mặt đường và chết ngay lập tức.
Nhà báo Mỹ Eddie Adams kịp thời thu vào ống kính, và phóng viên Neil Davis của Đài ABC-Úc quay những thước phim rất rõ ràng, gây sốc cho hàng triệu lương tri trên thế giới. Bức ảnh như một ngọn cuồng phong thổi bùng ngọn lửa phản chiến ở khắp nơi. Năm 1969, nhờ bức ảnh, Eddie Adams đoạt giải Pulitzer danh giá về ảnh báo chí.
Ác giả tất có ác báo. Tháng 5/1968, trong tổng công kích Mậu Thân đợt 2, khi Nguyễn Ngọc Loan đang điều binh khiển tướng tại Chợ Lớn, thì một chiếc trực thăng UH1B, chẳng biết xuất phát từ đâu, thuộc đơn vị nào, xuất hiện trên bầu trời bộ chỉ huy của Loan. Loan ra lệnh thả một trái khói màu tím để báo mục tiêu. Nào ngờ chiếc trực thăng đảo một vòng, nã rocket và xả đại liên xuống bộ chỉ huy của Loan, rồi bay thẳng về phía Biên Hòa.
Dư luận cho rằng, đó là chiếc trực thăng của quân đội Mỹ, được lệnh bí mật giúp Nguyễn Văn Thiệu trừ khử bớt tay chân của Nguyễn Cao Kỳ mà Nguyễn Ngọc Loan là đối tượng số 1. Sự cố này chỉ làm cho Nguyễn Ngọc Loan gãy chân, nhưng 4 viên đại tá thân tín của ông ta là Lê Ngọc Trụ, Đào Bá Phước, Phó Quốc Chụ và Nguyễn Văn Luận cùng với 2 trung tá Nguyễn Ngọc Xinh, Nguyễn Bảo Thụy chết ngay tại chỗ. Nhân cơ hội Nguyễn Ngọc Loan sang Úc trị thương, Nguyễn Văn Thiệu đã loại Loan ra khỏi các chức vụ để thay thế người của mình vào. Về lại Việt Nam, Nguyễn Ngọc Loan bị loại ngũ, và sống bằng chế độ trợ cấp dành cho cấp tướng về hưu.
Sau năm 1975, dư luận xã hội Mỹ không chấp nhận một kẻ sát nhân, một tội phạm chiến tranh như Loan, xua đuổi không muốn cho ông ta định cư. Năm 1976, hai dân biểu của đảng Dân chủ Mỹ là bà Elizabeth Holtzman và ông Harold Sawer, đã thay mặt "người đàn ông bị Loan hạ sát trên đường phố" kiện Loan như một tội phạm chiến tranh và yêu cầu trục xuất Loan ra khỏi nước Mỹ. Sau đó mọi việc đã chìm xuồng, bởi người Mỹ cũng không muốn khơi lại một vết nhơ mà họ từng can dự. Nguyễn Ngọc Loan mở một quán ăn nhỏ tại thành phố Springfield, tiểu bang Virginia, thường xuyên bị người chung quanh phản đối và xa lánh. Có người đã xịt sơn lên cửa quán của ông ta hàng chữ: "Ta đã biết ngươi là ai rồi".
Nguyễn Ngọc Loan chết năm 1998. Ông ta đã phải sống những ngày cuối đời trong sự cô quạnh, túng quẫn và ô nhục như thể phải gồng lưng trả nợ cho những tội ác đã gây ra trong chuỗi ngày nắm quyền lực trong tay.
Theo Phạm Giao/ An ninh thế giới

Bình luận(0)