Trong tâm thức của mọi thế hệ người Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa là một phần máu thịt, không tách rời của Tổ quốc Việt Nam.
Ngay từ thế kỷ XVII cho đến đầu thế kỷ XX, người Việt Nam đã có nhiều hoạt động xác lập và thực thi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, như hoạt động của đội Hoàng Sa và nhiều hoạt động khác như dựng bia, xây miếu, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ… Đó là những bằng chứng hiển nhiên, không thể tranh cãi về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Nhiều thế hệ người Việt đã đặt chân đến Hoàng Sa. Trong đó có những nhân viên khí tượng và những người lính Việt Nam Cộng hòa. Khi ra Hoàng Sa công tác, hầu hết họ mới ở độ tuổi ngoài 20. Có người chỉ ra một kỳ 3 tháng, có người đến 10 kỳ. Nhưng dù chỉ một lần ra Hoàng Sa, với họ đó vẫn là khoảng ký ức mà suốt cả cuộc đời không thể nào quên được.
|
Ông Võ Như Dân, nguyên nhân viên khí tượng tại đảo Hoàng Sa - nhân vật xuất hiện trong chương trình Núi sông bờ cõi. |
|
Ông Võ Như Dân lật lại những bức ảnh cũ về quãng thời gian ở Hoàng Sa. |
Chương trình Núi sông bờ cõi đã đưa khán giả gặp lại những nhân chứng lịch sử này để cùng lắng nghe những câu chuyện của họ.
Bên cạnh đó, phóng viên của chương trình cũng đã có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Thị Lan Anh - Phó Trưởng khoa Luật Quốc tế - Học viện Ngoại giao để làm rõ những bằng chứng lịch sử đã khẳng định, Nhà nước Việt Nam là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Quá trình này diễn ra liên tục, hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.