Ngoài những tên gọi do dân gian sáng tạo ra, một số quyền pháp trong Trường quyền còn lấy tên các nhân vật nổi tiếng trong các tiểu thiết dã sử cổ của Trung Hoa như Yến Thanh quyền - tên nhân vật Lãng tử Yến Thanh trong “Thủy Hử truyện” của tác giả Thi Nại Am.
6. Yến Thanh quyền
Yến Thanh quyền, còn có những tên gọi khác là Nghê tông quyền, Mật tông quyền (Mật tông là một dòng tu kín trong đạo Phật), Mê lộ quyền (Con đường mê hoặc, huyền bí), Mê tông nghệ (Vết chân bí hiểm) mượn những giai thoại mê hoặc, hành tung bí ẩn của Lãng tử Yến Thanh trong “Thuỷ Hử truyện” để nêu danh quyền pháp. Trong dân gian đã có thuyết: “Đông có Yến Thanh (chỉ vùng Sơn Đông), Tây là Nghê tông (chỉ vùng Hà Nam)”.
|
Một số đòn thế tấn công trong Mê tông quyền (Yến Thanh quyền). Nguồn: Studytemple.
|
Nhà võ học nổi tiếng Hoắc Nguyên Giáp (1869-1910) người huyện Tĩnh Hải, tỉnh Hà Bắc tập luyện lại, bổ sung chiêu thức gọi là Mê tông quyền, còn Trương Diệu Đình ở Thương Châu, Hà Bắc truyền dạy môn này lại gọi theo cổ truyền là Yến Thanh quyền. Ngoài ra ở Thanh Châu, Sơn Đông lại gọi là Yến Thanh thần chuỳ, một dải Thiên Tân- Bắc Kinh lưu truyền môn này lại gọi là Yến Thanh thập bát phiên (18 lần lật người của Yến Thanh).
Đặc điểm của Mê tông quyền (Yến Thanh quyền) là nhẹ nhàng mau lẹ, thi triển phiêu dật (nhàn hạ thoải mái), trọng công phu, trọng khéo léo, cứng mềm đủ cả. Về thủ pháp chủ yếu sử dụng móc, ôm, ngắt, vuốt, bọc, vồ, gác, ép… đặc biệt đề cao kỹ pháp cầm nã. Về đòn chân chủ yếu là đá, điểm, móc, treo, quấn, quét, cắt, hất tung đối phương, liên hoàn cước…
Về thân pháp thì lấy giấu, né, vặn, lắc làm chính (gọi là tàng, thiểm, ninh, đẩu), còn bộ pháp lấy nhảy dọc, bắt lén (tung, khiêu, thân, tróc) làm chủ đạo. Mê tông quyền dựa trên ý niệm hào hoa của Lãng tử Yến Thanh nên rất chú trọng đòn chân, ngoài các phép cơ bản là dời, đè, đá, dựa còn có đá bao cát, đá cọc gỗ… khi luyện tập, sao cho cước pháp lanh lợi, biến hoá và hiểm độc nhưng không kém phần hoa mỹ.
|
Hình ảnh mô tả quyền pháp Mê tông quyền (Yến Thanh quyền). Nguồn: Studytemple. |
Trong các bài dùng khuỷu, Mê tông quyền còn có những chiêu sử dụng khuỷu tay tỳ đè, hoá giải quyền pháp đối phương và dùng khuỷu tay chẻ dọc từ đầu xuống, thúc chỏ từ dưới lên, tạt chỏ ngang vào các yếu huyệt của đối thủ. Đầu gối cũng là một vũ khí quan trọng để tấn công vùng thấp cũng như khắc chế cước pháp đối thủ, chú trọng mượn thế thuận sức, ra đòn lúc đối phương sơ hở. Trong quyền phổ ghi: “Kiến cương nhi hồi thủ, hồi thủ nhập thâu thủ, thâu thủ nhi thái thủ, thái thủ nhập lâu thủ” (Thấy cứng rụt tay về, về tay vào tay lén, tay lén mà ngắt tay, ngắt tay vào ôm tay). Tóm lại, đây là loại quyền pháp rất thực dụng trong giao chiến, nhất là cận chiến, thân pháp luôn sát sạt đối phương, không cho đối phương có khoảng cách để ra đòn. Mặc dù vậy, quyền cước vẫn hào hoa theo phong cách lãng tử, đúng như tên gọi Yến Thanh quyền.
Về bài bản cổ truyền có Mật Tông mẫu quyền (mẹ Mật Tông), luyện đại - tiểu ngũ hổ quyền, Mật Tông trường quyền, Yến Thanh quyền, Yến Thanh giá, Yến Thanh thần chuỳ, Yến Thanh phiên tử, Yến Thanh chưởng, Tam bộ giá, Bát đả quyền, Tứ lộ bôn đả (chạy đánh bốn đường)…
Xem clip biểu diễn Mê tông quyền:
Về khí giới thì có Yến Thanh đao, Yến Thanh quải (quải - một thứ khí giới bằng gỗ cứng, tròn, dài khoảng 80cm - 1m, gần cuối lắp một tay cầm ngang vuông góc, như dùi cui của cảnh sát chống bạo động hiện nay), Minh đường đao, Thanh Long kiếm, Nhị Lang côn. Về tán thủ (giao đấu) thì có các phép Yến Thanh tam đả, Yến Thanh thập đả, Yến Thanh thập tứ (14) thủ, Ngũ hoa miên quyền (quyền mềm như bông), Bán tỵ phong đoản đả (đánh gần, nép nửa người như tránh gió - ý nói nép theo bóng đối phương mà đánh, như cách nép người khác để tránh gió), Lý ngoại chiến (đánh trong ngoài), Nghênh diện đối (nghênh mặt đón đánh)… Ngoài ra còn các tuyệt kỹ bí truyền khác về khinh công, ngạnh công, Bảo kiện công (công phu dưỡng sinh, duy trì sự cường tráng của cơ thể)…
Người đã đưa Mê tông quyền (Yến Thanh quyền) đạt đến đỉnh cao khắp trong và ngoài Trung Hoa là đại võ sư Hoắc Nguyên Giáp. Hoắc tên chữ là Tuấn Thanh, sinh ngày 19/1/1869 ở thôn Tiểu Nam Hà, huyện Tĩnh Hải thuộc Thiên Tân trong một gia đình nổi danh võ thuật (quê gốc ông ở huyện Đông Quang, tỉnh Hà Bắc). Trong những thập niên cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ông đã mở Tinh Võ Môn - Trường dạy võ lớn nhất Trung Hoa và ông cũng chưa thua trận nào trong hàng trăm trận tỷ thí với các đại cao thủ trong nước cũng như Nhật Bản, Triều Tiên, Nga, Hungary... Sự nghiệp võ thuật của Hoắc Nguyên Giáp mới đây đã được tài tử Lý Liên Kiệt thể hiện trong bộ phim ăn khách mang tên ông.
7. Phiên tử quyền
Nguyên gốc có tên gọi là thiểm phiên (né lật), tục gọi là phiên tử quyền, là quyền pháp cận chiến, giáp lá cà. Danh quyền nổi tiếng Thích Kế Quang đời Minh đã viết trong sách "Ký hiệu tân biên - Quyền kinh tập yếu biên" như sau "... Bát thiểm phiên có 12 đoản, là loại quyền cận tập rất hiệu dụng". Trong 32 thế hấp thu chiêu thế của phiên tử quyền có dương đầu pháo, nữu loan trửu (chặt khuỷu loan), kỳ cổ thế (thế cờ trống)... Trước kia phiên tử quyền chủ yếu lưu truyền ở Hà Bắc (huyện Cao Dương), đến cuối đời Thanh lại truyền lên Đông Bắc, mấy chục năm lại đây chủ yếu lưu truyền ở Hồ Bắc, Liêu Ninh, Cam Túc, Thiểm Tây... khá thịnh hành.
Về bài bản của phiên tử quyền có Trạm trang phiên (đứng tấn lật), Tụy thủ phiên (tập trung tay), Khinh thủ phiên (nhẹ tay), Lỗ thủ phiên (cướp tay), Kiện trung phiên (lật khỏe). Một giải Hà Bắc lưu truyền Lục thủ phiên, Yến Thanh phiên. Vùng Tây Bắc như Cam Túc lưu truyền Mã gia phiên (của nhà họ Mã), Ưng trảo phiên (vuốt ưng)... Vùng Đông Bắc thì lưu truyền Long hình phiên (hình rồng), Ngư dược phiên (cá vọt)... Về khí giới có Bát bộ liên hoàn tiến thủ đao (đao tiến liên hoàn tám bước), miên chiến đao (đao chém liên miên không dứt)...
Đặc điểm của Phiên tử quyền là: Thế thức động tác ngắn nhỏ tinh vi, phát kình nhanh mạnh, quyền pháp dày đặc, giá thế cúi phục né tránh linh hoạt, động tác chỉ một khí (một lần hít thở). Về phương pháp công phòng yêu cầu liên miên, mềm, lỏng, gọn, ẩn ở trong (nội tàng)... Cước pháp phần lớn dành trung, hạ bàn, coi trọng hông, vai, háng, chân... trong việc huấn luyện công phu yêu cầu thoái công (công phu chân) sao cho linh hoạt đa biến như tay, thoải mái dễ dàng nhưng hóc hiểm.