Trường quyền có nguồn gốc từ rất sớm, là loại quyền mà động tác trong bài quyền có số lượt tương đối nhiều đồng thời lấy động tác đánh xa làm chính. Quyền sư nổi tiếng Thích Kế Quang đời Minh đã từng chia quyền thuật thành Trường quyền (đánh xa) và Đoản đả (đánh gần). Thông thường khi ra đòn tay hay đòn chân thường phóng dài, đánh xa, kết hợp với vặn hông, xuôi vai để đạt được mục đích "dài một tấc, mạnh thêm một tấc" (Trường nhất thốn, cường nhất thốn).
Đặc điểm của Trường quyền là thi triển không gò bó, linh hoạt biến nhanh, tiết tấu phân minh, cương nhu tương tế. Vì vậy mà phạm vi các khớp hoạt động rộng, yêu cầu cơ bắp và dây chằng mềm dẻo, sức bật phải khá cao. Do đặc tính đa dạng, phân bố theo vùng miền trên khắp
Trung Quốc nên dưới đây xin giới thiệu các loại Trường quyền phổ biến.
Tra quyền
Còn gọi là Soa quyền (Soa là binh khí cán dài, đầu có hai mũi nhọn, dân gian thường gọi là "đinh hai"). Từ Chấn trong sách "Quốc Kỹ luận bị" viết: Tra quyền còn gọi là Soa quyền vì chữ "Tra" và "Soa" có âm gần giống nhau (đọc theo âm phổ thông đều là "chá"). Tra quyền phần lớn dùng "tra pháp" (chọc, đâm bằng ngón tay) bởi trong Soa pháp có khẩu quyết "nhất tra, nhị nã, tam trát hoa" (một chọc, hai nắm, ba đâm hoa".
|
Một lão võ sư biểu diễn Tra quyền.
|
Nguồn gốc Tra quyền có hai thuyết: Một là đời Đường, dân tộc Hồi Tra Mật Nhĩ ở Tây Vực tới truyền loại quyền này ở Quán Huyện thuộc Lỗ Tây (phía Tây tỉnh Sơn Đông ngày nay). Đời sau lấy họ này gọi tên cho dòng quyền. Thuyết thứ hai căn cứ vào sách "Quốc thuật sử" của Hứa Vũ Sinh căn cứ vào "Trung Quốc Tra quyền" cho rằng quyền này do phái Thiếu Lâm phát triển.
Tuy nhiên, sau khi được các nhà nghiên cứu
võ thuật Trung Quốc khảo chứng trong nửa sau thế kỷ 20, cho rằng vào đời vua Ung Chính nhà Thanh (tức Thanh Thế Tôn Dân Chân, làm vua từ 1723 - 1736), có tiến sĩ võ người Quán Huyện tỉnh Sơn Đông là Sa Lượng, người vùng đó tôn là "Sa Mật Nhĩ" ("Mật Nhĩ" là cách gọi của người Hồi, theo tiếng Ba Tư có nghĩa là "trưởng quan") đã sáng tác ra Tra quyền.
Ban đầu quyền pháp này thịnh hành ở Sơn Đông, sao đó được các quyền sư Tra quyền nổi tiếng là Dương Hồng Tu truyền dạy ở Tế Nam, Hoàng Bính Tinh truyền bá ở Hà Nam; Vu Chấn Thanh, Mã Kim Tiêu, Mã Vĩnh Thắng... đi về phương Nam truyền quyền ở Thượng Hải, Nam Kinh, Tô Châu... đã đưa môn quyền này trở nên phổ biến tại Trung Hoa. Quốc thuật quán Trung Hoa đầu thế kỷ 20 từng đưa Tra quyền vào khóa trình.
Tra quyền có ba đặc điểm: 1, Tiết tấu rõ ràng, động thì nhanh, tĩnh thì vững. 2, Động tác gấp gáp, đường quyền rõ ràng. 3, Thế (hoàn) chỉnh, lực thuận, mắt nhanh, tay lẹ. Yêu cầu khi tập luyện phải "đi như gió, đứng như đinh, lên như vượn, xuống như ưng, động như hổ, tĩnh như núi, nhanh chậm xen nhau, cứng mềm giúp nhau (cương nhu tương tế), chiêu pháp rõ ràng, chuyển gấp dừng đột ngột".
|
Tra quyền được phổ biến khá rộng rãi tại Trung Quốc.
|
Bất kể là công thủ, tiến lùi đều nhanh mà không loạn, chậm mà không rời rạc, tư thế ngay ngắn, thư thái. Tay, mắt, thân, bộ pháp đều phải trên dưới theo nhau, sau trước nối nhau, trong ngoài hợp nhau. Đồng thời phải có "ba đốt" (tam tiết), "sáu hợp" (lục hợp), "mười cần" (tức là co, nhỏ, liên miên, mềm, khéo, ổn, mau, cứng, dòn, trơn- mười chữ yếu quyết trong công, phòng).
Trong bài bản phần lớn gồm thoản, bảng, khiêu, dược, khởi, phục, chuyển, chiết (tạm dịch là tung, chồm, nhảy, vọt, lên, xuống, xoay, ngoắt). Bài bản Tra quyền có 10 lộ (bài):
Lộ một Mẫu tử (mẹ con)
Lộ hai Hành thủ (đi tay)
Lộ ba Phi cước (đá bay)
Lộ bốn Khai bình (mở bằng)
Lộ năm Quan đông
Lộ sáu Mai phục
Lộ bảy Mai hoa (hoa mai)
Lộ tám Liên hoàn
Lộ chín Long bài vĩ (rồng vẫy đuôi)
Lộ mười Xuyến quyền (quyền xoắn tay khi ra đòn)
Về khí giới có Tra đao, Tra kiếm, Tra câu (móc)... là các thứ vũ khí dài, ngắn, đơn, đôi với đầy đủ các bài múa và đối luyện. Bài Trường quyền trong thi đấu Wushu hiện đại trên khắp thế giới cũng có hấp thu một bộ phận Tra quyền.
Hóa quyền
Tên Hóa quyền này lấy từ "Tam hóa quán" (ba chữ rực rỡ quán xuyến nhau). Sách "Quyền phổ Hóa quyền" chép: "Tên là Hóa (màu rực rỡ) là lấy từ ý tam hoa: tinh, khí, thần vậy".
Hóa quyền có 4 đặc điểm:
1. Thế ngay chiêu tròn, kết cấu nghiêm ngặt. Xuất quyền yêu cầu trái phải đối xứng, trên dưới thành quy tắc, không vẹo không lệch, không rời rạc, không loạn xạ.
2. Kình chặt thân chỉnh (lực chặt chẽ, thân chỉnh tề), một khí thông suốt. Yêu cầu tập luyện tới độ chiêu liền chiêu, thế tiếp thế, bộ theo bộ (bộ pháp). "Hình dứt nhưng ý liền, thế đứt nhưng khí liền".
3. Động nhanh-tĩnh vững, tiến nhanh lùi gấp. Yêu cầu khi phát động xuất quyền phải ào ạt như gió cuốn, tĩnh thì phải dừng đột ngột như nước hồ lặng sóng.
4. Cứng mềm giúp nhau, đi quyền phải có cứng, mềm (cương-nhu), có thể nhanh, có thể chậm, co duỗi chăng chùng, đè xuống, cất lên, ngừng lại, xoay chuyển... đều phải ứng dụng hợp lý như trong bài bản.
Hóa quyền trong giao đấu thực sự chú trọng "lấy dũng đi trước, lấy khí để quyết", yêu cầu phải thực hiện cho được tám điều: một hung (lang), hai độc, ba gấp, bốn trí, năm thuận, sáu cơ (chọn thời cơ), bảy dật (nhàn nhã), tám vô (như không có gì). Bài bản Hóa quyền có sơ, trung, cao cấp quyền thuật, cả đao, thương, kiếm, côn... đối luyện đều phải theo bài bản cả. Qua đó thấy rằng, ngay từ khi ra đời, Hóa quyền đã mang tính chuyên sâu, khoa học.