|
Tư vấn cho nhân viên y tế trước khi tiêm vắc-xin phòng COVID-19Ảnh: Như Ý |
Không quản lý chặt có thể lây dịch ra cộng đồng
TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết: “Gọi “hộ chiếu vắc-xin” nhưng thực chất là giấy chứng nhận cho một người đã tiêm đủ số mũi vắc-xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc theo cơ quan quản lý nhà nước”. Theo ông Tấn, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa có khuyến cáo áp dụng hộ chiếu vắc-xin. Trên thế giới mới có Singapore đang thí điểm trên phạm vi rất hẹp, vừa tham khảo, vừa thăm dò. Ông cho biết, có một số vấn đề cần lưu ý khi áp dụng hộ chiếu vắc-xin. Trước hết, tiêm vắc-xin chỉ có tác dụng làm giảm, hạn chế tỷ lệ trầm trọng của bệnh khi mắc COVID-19.
Tiếp đó, mỗi quốc gia sử dụng các loại vắc-xin phòng COVID-19 khác nhau như AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik V… với hiệu quả bảo vệ khác nhau, có loại cao, loại thấp. Vấn đề đặt ra là chấp nhận vắc-xin nào? Ngoài ra, việc áp dụng hộ chiếu vắc-xin tùy theo miễn dịch cộng đồng. Nhiều quốc gia có tỷ lệ mắc COVID-19 cao hoặc tiêm phòng diện rộng sẽ có miễn dịch cộng đồng cao.
“Nếu triển khai “hộ chiếu vắc-xin” nhưng không quản lý chặt có thể làm lây nhiễm dịch ra cộng đồng, nguy cơ không kiểm soát được”.
Cục trưởng Cục Y tế TS Đặng Quang Tấn
Việt Nam là quốc gia “sạch” do kiểm soát tốt dịch và hiện tỷ lệ tiêm vắc-xin của Việt Nam chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, miễn dịch cộng đồng của người dân Việt Nam thời điểm hiện tại là gần như chưa có. “Do đó nếu triển khai hộ chiếu vắc-xin nhưng không quản lý chặt có thể làm lây nhiễm dịch ra cộng đồng, nguy cơ không kiểm soát được”, Ông Tấn nhận định.
Hiện một số địa phương như Quảng Nam, Phú Quốc đang đề xuất cho thí điểm áp dụng hộ chiếu vắc-xin với khách lưu trú ngắn ngày, chỉ chơi golf, nghỉ dưỡng, không di chuyển. Theo TS Tấn, có thể đây cũng là mô hình cần thử nghiệm nhưng đòi hỏi chính quyền địa phương, công an, cơ quan chủ quản phải quản lý rất chặt, không được để khách đi ra ngoài. Vừa qua có nhiều trường hợp khi vào khu cách ly, xét nghiệm lần 1 âm tính nhưng vài ngày sau xét nghiệm lại dương tính. Bởi vậy, nếu không quản lý chặt, những người này ra cộng đồng thì nguy cơ lây lan dịch ra ngoài là hiện hữu.
“Chúng tôi đang nghiên cứu các quốc gia trên thế giới áp dụng thế nào để đưa ra một số mô hình, thử nghiệm tại các khu vực nhỏ như sân golf hoặc khu du lịch nhỏ. Việc triển khai hộ chiếu vắc-xin có thể không đợi hướng dẫn chính thức của WHO nhưng còn phải tham khảo nhiều”, ông Tấn nói.
Ðề xuất cách ly tập trung 7 ngày người có “hộ chiếu vắc-xin”
Bộ Y tế cùng nhiều cơ quan vẫn đang xây dựng các phương án về “hộ chiếu vắc-xin”, xem xét triển khai áp dụng với quốc gia nào, áp dụng đa phương, song phương hay đồng thuận giữa các nước, áp dụng với vắc-xin nào và cách đi lại ra sao. Bộ Y tế đã đề xuất với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 việc cách ly 7 ngày với người nhập cảnh có “hộ chiếu vắc-xin”.
Theo đó, người nhập cảnh Việt Nam có “hộ chiếu vắc-xin” sẽ được xét nghiệm lần đầu vào ngày đầu tiên sau khi nhập cảnh; lần thứ hai vào ngày cách ly thứ 6. Lần xét nghiệm thứ 3 được thực hiện vào ngày cuối trong chuỗi cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú. Nếu cả 3 lần xét nghiệm âm tính, người nhập cảnh được kết thúc cách ly.
Nếu đề xuất này được chấp thuận, dự kiến tổng thời gian cách ly của người có “hộ chiếu vắc-xin” là 14 ngày, trong đó 7 ngày tập trung, 7 ngày tại nhà hoặc nơi lưu trú. Theo quy định hiện nay, tất cả người nhập cảnh Việt Nam đều phải cách ly tập trung 14 ngày.