Ngày 17/1, website chính thức của WHO đưa tin một trường hợp nhiễm Ebola mới được phát hiện tại quốc gia Sierra Leone. Trường hợp này dấy lên nguy cơ tái bùng đại dịch Ebola chết người này một lần nữa tại khu vực Tây Phi. Bên cạnh đó, virus vẫn diễn biến khó lường khi có thể hồi sinh hoặc gây ra nhiều biến chứng cho người đã khỏi bệnh.
Chính phủ Sierra Leone cũng ban bố lệnh khẩn cấp cách ly bệnh nhân và hơn 100 người bị nghi ngờ tiếp xúc với ca nhiễm mới này. Ngay sau đó, trung tâm phản ứng nhanh cấp quốc gia đã được thành lập phối hợp với chính quyền địa phương để đối phó với nguy cơ dịch bệnh.
|
Chính quyền Sierra Leone ban bố lệnh khẩn cấp Ebola |
WHO và các trung tâm nghiên cứu cũng đang tiến hành điều tra nguồn gốc của ca nhiễm, từ đó đưa ra biện pháp kiểm soát nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Trước đó, WHO đã nhấn mạnh trong một tuyên bố hôm 14/1, rằng các quốc gia Guinea, Liberia và Sierra Leone vẫn có nguy cơ cao tái bùng phát Ebola trong những tháng tới, do loại virus này vẫn tồn tại dai dẳng trong cơ thể bệnh nhân đã hồi phục.
Chúng ta đang ở trong giai đoạn quan trọng nhất của dịch Ebola khi phải chuyển từ quản lý các trường hợp bệnh và người bệnh sang việc kiểm soát nguy cơ nhiễm trùng mới. Do đó, việc phải dự báo trước khả năng dịch bệnh bùng phát và chuẩn bị các biện pháp đối phó là cực kỳ quan trọng”, tiến sĩ Bruce Aylward, Đặc phái viên của WHO trong công tác đáp ứng dịch Ebola.
Từ tháng 3/2015 đến nay, đã có 10 đợt bùng phát trở lại của dịch Ebola. Đại diện WHO cũng nhấn mạnh, 3 tháng tới sẽ là khoảng thời gian quyết định đối với khu vực khi các nhóm bác sĩ nước ngoài ngừng chiến dịch phòng chống dịch bệnh tại Tây Phi.
Kể từ khi bùng phát vào cuối năm 2013, Ebola đã cướp đi sinh mạng của 11.300 người và lây nhiễm cho 28.500 người khác.
Sierra Leone nằm trong danh sách 3 quốc gia bị tàn phá nặng nề nhất với 3.955 ca tử vong, xếp sau Liberia (4.809 ca tử vong) và Guinea (2.536 ca tử vong).