Virus HMPV gây viêm phổi có lây qua quan hệ tình dục?

Google News

Virus HMPV lây lan từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua bề mặt nhiễm virus, với nguy cơ gia tăng cao trong mùa đông và đầu mùa xuân.

HMPV là một loại virus gây bệnh về đường hô hấp với các triệu chứng giống cúm hoặc cảm lạnh, song làm tăng nguy cơ hoặc dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phế quản hoặc viêm phổi.
Virus HMPV gay viem phoi co lay qua quan he tinh duc?
 Virus HMPV lây lan từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua bề mặt nhiễm virus. Ảnh Internet
HMPV cùng họ với virus hợp bào hô hấp (RSV). Theo Guardian, virus này xuất hiện ít nhất từ năm 2001 khi lần đầu được phát hiện ở Hà Lan. Các đợt bùng phát tập trung vào mùa lạnh.
Virus HMPV lây lan như thế nào?
HMPV có thể lây lan từ người bị nhiễm sang người khác thông qua các con đường sau:
Tiết dịch từ ho và hắt hơi;
Tiếp xúc cá nhân gần gũi, chẳng hạn như chạm hoặc bắt tay;
Chạm vào các vật thể hoặc bề mặt có chứa virus sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc mắt;
Dữ liệu giám sát từ Hệ thống giám sát virus đường hô hấp và đường ruột quốc gia (NREVSS) của CDC Hoa Kỳ cho thấy HMPV hoạt động mạnh nhất vào cuối mùa đông và mùa xuân ở vùng khí hậu ôn đới. HMPV, RSV và cúm có thể lưu hành đồng thời trong mùa virus đường hô hấp.
Virus HMPV có lây qua quan hệ tình dục?
PGS.TS Vũ Đức Định, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết, theo CDC Hoa Kỳ, virus HMPV có thể lây từ người sang người, nhất là các trường hợp tiếp xúc gần gũi. Do đó, dù HMPV không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng do quan hệ tình dục của cặp đôi là hoạt động tiếp xúc gần nên có thể lây nhiễm virus này nếu một trong hai người nhiễm virus HMPV.
Cần làm gì khi nhiễm virus HMPV?
Khi nhiễm virus HMPV, người bệnh cần theo dõi sát các triệu chứng, đặc biệt là sốt, ho, khó thở. Nếu triệu chứng nhẹ, có thể tự cách ly và điều trị tại nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác. Uống nhiều nước sẽ giúp làm loãng đờm, giảm ho. Không tự ý dùng thuốc, đặc biệt là kháng sinh.
Khi có các triệu chứng nặng như sốt cao liên tục, khó thở, tím tái, đau ngực, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.
Hiện tại chưa có thuốc đặc trị HMPV, vắc-xin phòng bệnh đang trong giai đoạn thử nghiệm, việc điều trị cần tập trung vào giảm triệu chứng và hỗ trợ cơ thể phục hồi.
Để phòng chống HMPV, người lao động cần tìm hiểu thông tin về HMPV, thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách; Báo cáo cho quản lý hoặc bộ phận y tế khi có các triệu chứng nghi ngờ và tự giác cách ly tại nhà khi có bệnh.
 HMPV không phải là virus mới
Ngày 7/1, Sở Y tế TPHCM cho biết, HMPV không phải virus mới, là một trong những tác nhân gây viêm hô hấp ở trẻ em trong các năm 2023 và 2024 ở địa phương.
Theo báo cáo từ chương trình nghiên cứu tác nhân viêm phổi cộng đồng, tác nhân gây bệnh là virus và vi khuẩn vẫn chiếm phổ biến.
Các bên hợp tác nghiên cứu gồm Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Viện Pasteur Nha Trang và Trung tâm bệnh truyền nhiễm quốc gia Singapore (thuộc dự án PREPARE).
Cụ thể, kết quả xét nghiệm 103 bệnh nhân viêm phổi cộng đồng (gồm 56 trẻ em và 47 người lớn) nhập viện từ tháng 7-12/2024 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho thấy, HMPV chiếm tỷ lệ nhỏ (12,5% ở trẻ em) so với các tác nhân gây viêm phổi cộng đồng khác.
Ngoài ra, trong đợt bùng phát viêm hô hấp trẻ em vào cuối năm 2023 tại TPHCM, kết quả giám sát cũng ghi nhận tình trạng đa dạng tác nhân virus thường gặp. Tác nhân HMPV cũng được phát hiện với tỷ lệ 15%.
Vân Giang (Tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)