Ung thư dạ dày là căn bệnh ung thư phổ biến trên thế giới. Đây là bệnh lý xuất phát từ các tế bào dạ dày phân chia và tăng sinh bất thường một cách không kiểm soát tạo thành khối u, sau đó xâm lấn các mô xung quanh và di căn gây đau đớn, đe dọa tính mạng cho người bệnh.
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày như: tiền sử gia đình, hút thuốc lá, mắc các bệnh đường tiêu hóa… Tuy nhiên, số người mắc ung thư dạ dày ngày càng tăng và ngày càng trẻ hóa bởi lối sống thiếu lành mạnh, ăn uống thiếu khoa học.
Theo ThS.BS Nguyễn Huy Du, Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan Mật Tụy, Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay nguyên nhân gây ung thư dạ dày vẫn chưa được xác định quá rõ ràng ngoại trừ việc nhiễm vi khuẩn HP. Ngoài ra còn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày như tiền sử gia đình có người mắc, điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao gấp 10 lần so với bình thường.
Ung thư dạ dày ngày càng trẻ hóa. Ảnh minh họa
Đa phần mọi người thường nghĩ tác nhân chính gây ra ung thư dạ dày là thói quen uống rượu bia. Thực tế, có nhiều người dù không hề uống rượu bia vẫn có khả năng mắc ung thư dạ dày. Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta dễ bị cuốn theo guồng quay công việc nên “bỏ quên” việc thực hành các thói quen tốt. Từ đó dẫn đến những thói quen gây hại trở thành chất xúc tác trong quá trình phát triển của tế bào gây ung thư dạ dày.
Dưới đây là một số thói quen sống hằng ngày tưởng chừng vô hại, nhưng góp phần làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh ác tính này:
Ăn trái cây có chứa hàm lượng axit cao khi đói
Nếu bạn cảm thấy đói cồn cào, nghĩa là axit dịch vị đã tăng cao và bắt đầu tấn công dạ dày. Khi đó, việc ăn các loại trái cây có tính axit như hồng, dứa (thơm), xoài, cóc, me hay uống nước chanh, v.v, sẽ khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Trong thời gian ngắn, thói quen này sẽ gây viêm loét dạ dày. Nếu viêm loét dạ dày kéo dài, nó sẽ bào mòn lớp niêm mạc dạ dày, tạo điều kiện cho sự xâm nhập của các loại vi khuẩn và những yếu tố khác gây ung thư dạ dày.
Thường xuyên ăn uống thức ăn nóng
Thức ăn nóng có thể gây nguy hiểm cho dạ dày của chúng ta vì niêm mạc dạ dày dễ bị tổn thương khi tiêu hoá thức ăn có nhiệt độ từ 50 đến 60 độ. Điều này sẽ gây bỏng dạ dày và gây ra biến đổi bệnh lý, từ đó dẫn đến ung thư dạ dày.
Tốt hơn là nên hạn chế tiêu thụ thức ăn quá nóng (từ 500C trở lên) vì chúng gây nhiều nguy hiểm cho sức khỏe.
Chế độ ăn uống thất thường, hay bỏ bữa
Những người duy trì thói quen ăn uống đều đặn, ít bỏ bữa sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày thấp hơn. Dạ dày sẽ khoẻ mạnh và hoạt động tốt khi chúng ta tuân thủ theo một chế độ ăn trong một khung giờ giấc cố định. Khi chúng ta ăn đúng giờ làm việc của dạ dày, nó sẽ tiêu hoá thức ăn hiệu quả hơn, không bị tổn thương. Trong trường hợp vì quá bận mà chúng ta không kịp ăn đúng giờ thì nên “chữa cháy” bằng một món ăn nhẹ trước để khiến dạ dày không bị đói. Sau đó sẽ bổ sung bữa ăn chính sớm nhất có thể.
Gắp thức ăn, dùng chung nước chấm
Theo PGS Nguyễn Anh Tuấn - Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, thói quen gắp thức ăn cho nhau làm tăng khả năng nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori). Đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu. Có tới 60% bệnh nhân ung thư dạ dày có liên quan tới HP. Đặc biệt, HP type I nguy cơ gây ung thư biểu mô dạ dày hơn type khác 5-6 lần. Mặc dù, cơ chế HP gây ung thư dạ dày chưa được biết rõ nhưng viêm dạ dày mạn tính do HP sẽ dẫn đến viêm teo niêm mạc dạ dày, dị sản ruột, loạn sản ở niêm mạc dạ dày và ung thư.
Tuy nhiên, người bị ung thư dạ dày đều dương tính với vi khuẩn HP nhưng không phải ai nhiễm HP cũng tiến triển thành ung thư. Việc điều trị diệt trừ HP rất quan trọng. Nếu người viêm dạ dày có vi khuẩn này cần tuân thủ điều trị, phòng ung thư dạ dày. Ngoài ra, để ngăn ngừa lây nhiễm HP, cách tốt nhất là bỏ thói quen gắp mời thức ăn, chấm chung nước chấm.
Chế độ ăn nhiều muối
Lượng muối cao sẽ làm giảm tiết acid dạ dày, giảm khả năng phòng vệ của niêm mạc dạ dày, khi đó hàng rào chất nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày sẽ dễ bị tổn thương, làm tăng nguy cơ viêm teo dạ dày. Bên cạnh đó, nitrit có trong thực phẩm ngâm chua có thể phản ứng với các amin, sản phẩm phân hủy của protein trong dạ dày để tạo ra chất nitrosamine gây ung thư, chất này cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Vì vậy, ăn ít muối không chỉ có lợi cho việc ngăn ngừa và điều trị bệnh cao huyết áp mà còn tốt cho dạ dày.
Nên kiểm soát lượng muối ăn hàng ngày trong phạm vi 5 gam, đồng thời chú ý đến muối trong các loại gia vị như nước tương, dầu hào, bột ngọt... Ăn ít các thực phẩm ngâm như dưa cải muối, dưa chua.