|
Thịt, gà vịt cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào. Ảnh minh hoạ: Pexels.
|
Gà và vịt là những gia cầm được nuôi phổ biến nhất trên khắp thế giới và ở nước ta, được nuôi để cung cấp thịt hoặc trứng. Thịt gà, vịt là nguồn cung cấp dinh dưỡng dồi dào cho con người.
Nguồn protein dồi dào
Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, thịt gà, thịt vịt được đánh giá là một trong những nguồn cung cấp protein dồi dào, nhóm chất chính này tạo thành cấu trúc của tế bào ảnh hưởng đến sự phát triển về cân nặng, chiều cao và trí não con người.
Nhóm thịt trắng này ít cholesterol hơn hẳn các loại thịt đỏ (thịt heo, thịt bò), thịt gia cầm ít mỡ hơn, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
Theo Bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam, trong 100 g thịt gà chứa 199 kcalo, 20,3 g protein, 4,3 g chất béo và nhiều vitamin (A, E, C, B1, B2, PP,) khoáng chất (canxi, phốt-pho, sắt ) có lợi cho sức khỏe.
Trong thịt gà chứa hàm lượng beta-carotene, lycopene, retinol, alpha cao, đều bắt nguồn từ vitamin A có tác dụng tăng cường thị lực.
Trong 100 g thịt vịt chứa 337 kcal, 19 g protein, 290 mg Omega 3, 3360 mg Omega 6 và nhiều vitamin (B3, B2, B1, B5, B6, K, B12, A, E, Folate), các khoáng chất Selen, Phốt pho, Sắt, Kẽm, Đồng, Kali, Magie, Natri, Canxi, Mangan.
Như vậy, về mặt thành phần dinh dưỡng, thịt gà và thịt vịt đều khá bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe.
Y học cổ truyền cũng ghi nhận những giá trị của thịt gà, thịt vịt như sau:
Thịt gà, tên thuốc trong y học cổ truyền là kê nhục (thịt gà trống là hùng kê nhục, thịt gà mái là thư kê nhục). Thịt gà có vị ngọt, tính ấm, không độc, gà lông trắng (bạch kê) có tác dụng điều hòa tỳ vị.
Gà lông vàng (huỳnh kê) chữa bệnh đường tiêu hóa; gà lông đỏ (đan hồng kê) làm ấm dạ dày, ấm phổi, chữa bệnh về huyết; gà lông đen (ô kê) có tác dụng bổ tỳ, điều hòa khí huyết chữa thận yếu, phong thấp, dùng rất tốt cho phụ nữ sau sinh.
Thịt gà là loại thịt trắng, một thức ăn ngon và bổ, có mùi vị đặc biệt, có giá trị dinh dưỡng cao.
Thịt gà thường được tần với tam thất, nấm linh chi hoặc đông trùng hạ thảo để bồi dưỡng và cầm máu; hầm với hạt sen chữa suy dinh dưỡng; với lá dâu bổ âm; với đậu đỏ chữa phù thũng; với ngải cứu dùng cho phụ nữ xanh xao, gầy yếu; với hoa hiên trị viêm đại tràng. Cháo thịt gà mái ăn thường xuyên là thuốc chữa liệt dương.
Ai không nên ăn thịt gà vịt?
Những người mắc bệnh gout không nên ăn thịt vịt vì có lượng purin cao có thể làm tăng cao axit uric trong cơ thể. cứ 100 g thịt vịt có 128 mg purin được chuyển hóa thành acid uric.
Trong khi đó, khuyến cáo cho người bệnh gút cấp tính chỉ nên sử dụng tối đa 135-150 mg/100 g. Do đó, người bệnh gút mạn tính không nên ăn thịt vịt. Còn thịt gà có hàm lượng purin nhưng ở mức chấp nhận được.
Theo khuyến nghị, mỗi bệnh nhân gout chỉ nên ăn thịt gà ở mức 110 mg-175 mg. Với hàm lượng lý tưởng này, cơ thể sẽ hấp thụ tốt dinh dưỡng và tránh được nguy cơ gia tăng chất purin trong máu.
Thịt gà không nên ăn nhiều nếu bị bệnh sỏi thận. Bởi thịt gà là loại thực phẩm rất giàu protein nên sẽ khiến lượng oxalate trong nước tiểu tăng lên và hình thành các loại sỏi.
Có một số tài liệu cho rằng ăn thịt gà, vịt không tốt sau mổ vì sẽ gây sẹo lồi, gây ngứa hoặc ăn da gà vịt gây ho, gây đau nhức khớp, các ý kiến này hiện chưa được nghiên cứu và chứng minh.
Do thịt vịt có tính mát, tác dụng bổ âm, những người dương hư tỳ nhược, ngoại cảm chưa khỏi hẳn tạm thời chưa nên ăn.Người có thể trạng hàn lạnh thì nên hạn chế ăn thịt vịt, bởi sau khi ăn vào có thể sẽ gây lạnh bụng, dẫn đến cảm giác chán ăn, đau bụng, tiêu chảy hoặc các dấu hiệu tiêu hóa bất lợi khác. Người ốm yếu nên ăn thịt gà.
Theo kinh nghiệm y học cổ truyền, kiêng ăn thịt gà khi bị thủy đậu để tránh gây ngứa nhiều hơn, thịt gà tính ôn mà bệnh thủy đậu phát sinh do phong nhiệt độc. Nếu đang bị bệnh mà ăn thịt gà bổ sung nhiệt thì bệnh càng tiến triển xấu.
Thịt gà, vịt cung cấp nhiều dinh dưỡng và là nguyên liệu cho nhiều món ăn ngon, tuy nhiên cần lưu ý một số trường hợp để sử dụng được tốt nhất, hạn chế tác dụng không mong muốn.
“Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất?”, “Làm thế nào để tôi ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh?”, “Làm thế nào để tôi vẫn giữ được minh mẫn khi già đi?”… Đó là mối quan tâm của nhiều người trong quá trình tìm phương thức để duy trì sức khỏe tốt nhất có thể.