Để độc giả hiểu chính xác hơn thông tin trong bài viết nhằm tránh gây nhầm lẫn, Kiến Thức xin làm rõ một số điểm sau:
- Kiến Thức không có bất kỳ thông tin nào gây nghi ngờ về chất lượng đảm bảo của táo Juliet Pháp.
- Tuy nhiên, việc sản phẩm bị mạo danh hoặc trà trộn bởi những sản phẩm táo khác là điều có thể xảy ra. Nếu nghi ngờ này là đúng, Kiến Thức muốn cảnh báo người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm chính hãng để bảo vệ quyền lợi chính đáng và sức khỏe của mình. Đây chính là vấn đề Kiến Thức muốn bàn luận với độc giả trong loạt bài sẽ đăng trong thời gian tới.
Như Kiến Thức đưa tin về việc thực hiện một thử nghiệm về an toàn thực phẩm đối với táo hữu cơ được gắn mác Juliet Organic, (Kiến Thức không khẳng định đây là táo chuẩn Juliet hay đã bị trà trộn, gắn mác Juliet “xịn”), cụ thể: hai quả táo được bảo quản trong tủ lạnh và một quả táo để bên ngoài môi trường nhiệt độ phòng trong khoảng thời gian 49 ngày và thu được kết quả "sốc": 2 quả táo để trong tủ lạnh vẫn tươi nguyên, còn quả táo để ngoài thì mới có triệu chứng héo và thâm một chút.
|
Ba quả táo hữu cơ được gắn mác Juliet được Kiến Thức mua tại một siêu thị uy tín để làm thực nghiệm. |
Thông tin trên khiến các bà nội trợ thường xuyên săn lùng những sản phẩm thực phẩm Organic lo lắng và đặt câu hỏi những quả táo trên có thực sự là táo chuẩn Juliet hay không, hay là đã giả mạo táo Juliet chuẩn của Pháp? Nếu thực sự những quả táo này đã bị “phù phép” bởi nhãn mác táo hữu cơ Juliet Organic thì chúng có bị ngâm tẩm hóa chất gì đó để bảo quản hay không? Không ít người còn lo lắng do không có chuẩn mực chi tiết về sản phẩm Organic nên rất có thể những thương hiệu lớn sẽ bị lợi dụng.
Trao đổi với Kiến Thức, anh TTN ông chủ một chuỗi cửa hàng chuyên nhập khẩu các loại thực phẩm tươi sạch, hữu cơ có tiếng ở Hà Nội cho biết: "Thông thường việc bảo quản những sản phẩm hữu cơ nhập khẩu đặc biệt là rau quả tươi thường là nỗi đau đầu của nhiều cửa hàng vì sản phẩm rất dễ bị thối hỏng do không sử dụng bất cứ loại chất bảo quản nào.
Việc một quả táo hữu cơ để ở nhiệt độ phòng tới 49 ngày chưa thối mà vẫn chỉ hơi thâm héo, chưa có dấu hiệu hư hỏng là khá bất thường. Vì một quả táo hoàn toàn tự nhiên hữu cơ khó có thể giữ được độ tươi ngon trong thời gian dài như thế nếu để ở nhiệt độ phòng tại Việt Nam".
|
Quả táo để bên ngoài sau 49 ngày mới bắt đầu có dấu hiệu thâm nhẹ một góc nhỏ. |
Anh N cho biết thêm, với sản phẩm táo organic thì bạn chỉ có thể bảo quản giữ độ tươi ngon, giòn tối đa trong 3 tháng nếu có kho bảo quản công nghiệp đúng tiêu chuẩn. Sau thời gian đó quả táo bắt đầu biến chất, táo bở hơn, thâm hơn và bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng.
Nếu bảo quản táo trong tủ lạnh ở nhiệt độ dưới 8 độ C thì quả táo thường giữ được độ tươi ngon, giòn tối đa khoảng 4 tuần là bắt đầu xốp, bở.
|
Hai quả táo trong tủ lạnh vẫn tươi nguyên. |
Những quả táo organic không phải 100% không xử lý gì trước khi xuất khẩu. Thực tế táo đều thường được tráng một lớp sáp ong tự nhiên thay cho các chất bảo quản để giúp quả táo tươi lâu hơn, giảm mất nước.
Cũng theo anh N, tại Việt Nam, hiện nay có rất nhiều cơ sở bán quảng cáo những loại hoa quả, thực phẩm nhập khẩu organic 100% tuy nhiên rất nhiều trong số đó không đúng như quảng cáo, có thể táo bị trà trộn hàng "lởm" và trường hợp táo hữu cơ 49 ngày không thối trên hoàn toàn là có thể. Vì chi phí cho việc nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển và bán thực phẩm hữu cơ cực kỳ phức tạp nên bạn chỉ nên mua sản phẩm ở những địa chỉ uy tín có đầy đủ giấy tờ nhập khẩu để tránh tiền mất tật mang.
Mới đây, PGS.TS. Vũ Đặng Hoàng - Bộ môn Hóa phân tích và Độc chất, Đại học Dược Hà Nội có phân tích trên KHĐS. Theo ông Hoàng hiện tượng trái cây được giữ tươi rất lâu ở môi trường tự nhiên, thậm chí là 4 - 6 tháng chỉ có thể do trái cây được tẩm ướp với các hóa chất cấm sử dụng như thuốc diệt cỏ CO 2,4D, hóa chất có gốc clo hoặc một số loại hóa chất độc hại khác...
Đây là các chất giúp tiêu diệt các loại vi sinh vật bám vào trái cây. Khi nhúng vào dung dịch các chất này, trái cây không những bảo quản được lâu hơn mà còn có vẻ ngoài cứng hơn, tươi hơn. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên ăn những trái cây này có thể gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng và môi trường. Một số loại hóa chất bảo quản hoặc sử dụng để dấm chín trái cây có thể gây tổn thương gan thận, gây ra những bệnh nguy hiểm khác như vô sinh, dị tật thai nhi và ung thư".