Lần đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa (BVĐKTH), các bác sĩ đã cắt toàn bộ bàng quang, nạo vét hạch và tạo hình bàng quang bằng quai ruột cho bệnh nhân ung thư bàng quang (UTBQ). Thành công này không chỉ giảm tái phát u, kéo dài thời gian sống mà còn giúp bệnh nhân không phải mang túi nước tiểu cả đời.
Cắt u sau 1 năm đã tái phát
Ông Lê Văn Tuấn (61 tuổi ở Sầm Sơn, Thanh Hóa) đã được nội soi qua đường niệu đạo cắt u bàng quang cách 1 năm. 3 tháng nay ông lại bị đau bụng, đau lưng, thường xuyên đi tiểu và đái máu. Ông đi khám lại tại BVĐKTH và được chẩn đoán UTBQ tái phát, u kích thước khoảng 3cm ở thành trước bên trái của bàng quang. Ông được mổ cắt toàn bộ bàng quang, nạo vét hạch và lấy ruột tạo hình bàng quang. Sau 2 tuần bệnh nhân ổn định và ra viện. Tái khám sau 1 tháng bệnh nhân tăng cân, sức khoẻ hồi phục tốt và được bỏ dẫn lưu, đi tiểu theo đường tự nhiên.
|
Một ca phẫu thuật UTBQ. |
BSCK II Lê Văn Sỹ, Giám đốc BVĐKTH cho biết, cắt toàn bộ và tạo hình bàng quang bằng quai ruột là một kỹ thuật khó với các bệnh viện tuyến tỉnh. Đây là một kỹ thuật triệt để, giảm tỷ lệ tái phát và kéo dài thời gian sống thêm sau điều trị cho bệnh nhân. BVĐKTH thực hiện thành công kỹ thuật sẽ giúp ích nhiều cho bệnh nhân được thực hiện kỹ thuật cao ngay tại tuyến tỉnh, giảm chi phí và công chăm sóc khi chuyển tuyến.
BSCK II Lê Đình Vũ, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, BVĐKTH cho hay, UTBQ là loại u thường gặp trong các u đường tiết niệu, đứng thứ 4 trong các loại bệnh ung thư phổ biến ở nam giới. Tại Việt Nam hay gặp ở lứa tuổi từ 40 - 70. Bệnh thường bắt đầu ở lớp lót bên trong của bàng quang – cơ quan lưu trữ nước tiểu sau khi lọc qua thận. Biểu hiện của bệnh là nước tiểu có màu sậm hơn bình thường, màu nâu, đôi khi đỏ tươi hoặc có máu cục, một số bệnh nhân có các dấu hiệu khác như đi tiểu liên tục, tiểu rát, tiểu buốt, tiểu khó…
Các dấu hiệu này có thể nhầm lẫn với một số bệnh khác như sỏi bàng quang, viêm đường tiết niệu… nên bệnh nhân dễ dàng bỏ qua không đến khám bác sĩ chuyên khoa. Giai đoạn muộn có thể có đau xương nếu di căn xương, đau thắt lưng nếu chèn ép niệu quản. Siêu âm có thể phát hiện được UTBQ dù kích thước nhỏ. Bệnh nếu được chẩn đoán ở giai đoạn đầu, khả năng điều trị được là rất cao nhưng hay tái phát. Vì lý do này, bệnh nhân UTBQ thường phải kiểm tra theo dõi để tìm tái phát nhiều năm sau khi điều trị.
Không phải mang túi nước tiểu
TS Trương Thanh Tùng, Phó khoa Ngoại Tiết niệu, BVĐKTH người phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết, hiện nay, phương pháp điều trị triệt căn (tận gốc) đối với UTBQ giai đoạn sớm là phẫu thuật. Nếu khối u kích thước nhỏ thì có thể phẫu thuật cắt bỏ u (qua nội soi niệu đạo) mà vẫn giữ được bàng quang. Tạo hình bàng quang là một kỹ thuật khó. Sau cắt bỏ toàn bộ bàng quang, bác sĩ sẽ tái tạo một bàng quang “mới” bằng cách dùng một đoạn ruột non tạo thành một túi chứa nước tiểu; miệng túi nối trực tiếp với niệu đạo nên bệnh nhân vẫn có thể đi tiểu theo đường tự nhiên như trước phẫu thuật.
(tên bệnh nhân đã được thay đổi)
Mời quý độc giả xem video Tai biến y khoa và trăn trở của thầy thuốc (nguồn VTV):