Nhiều vụ bệnh viện chẩn đoán nhầm nhiễm HIV khiến bệnh nhân phải sống trong tủi nhục, chịu đựng thái độ ghẻ lạnh, xa lánh của xã hội.
Bỗng dưng hết nhiễm HIV sau 19 năm
Ngày 1/6, báo Tuổi Trẻ đưa tin về vụ việc ông Trần Ngọc Khanh - 65 tuổi, ngụ Vĩnh Hải, Vĩnh Hảo, Tuy Phong, Bình Thuận chịu 19 năm sống trong tủi nhục vì chịu tiếng oan bị nhiễm HIV.
Theo đó, vào tháng 7/1997, ông Khanh được cán bộ y tế tỉnh Bình Thuận và xã Vĩnh Hảo đến nhà đưa đi lấy máu xét nghiệm HIV. Vì ông từng có tiền án sử dụng ma túy nên ông đồng ý yêu cầu đi xét nghiệm.
Chỉ vài ngày sau, ông Khanh đã nhận được kết quả bị nhiễm HIV từ cán bộ y tế xã và được đưa vào diện giám sát ca bệnh tại địa phương.
|
Ông Khanh cùng kết quả xét nghiệm âm tính với HIV. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Từ đó đến nay, trong suốt 19 ròng, ông Khanh phải sống trong cảnh ngộ của một bệnh nhân nhiễm HIV và luôn bị mọi người xa lánh. Cho đến 5/2016 ông quyết định bắt xe lên TP HCM xét nghiệm lại vì nghi ngờ trong 19 năm qua ông không chết vì căn bệnh quái ác này. Đến ngày 16/5, ông Khanh vui mừng khi nhận được kết quả âm tính với HIV từ công ty TNHH y tế Hòa Hảo, TP HCM. Tiếp tục lên Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM xét nghiệm, ông vẫn nhận được kết quả âm tính, ông mới thực sự tin rằng mình không nhiễm HIV.
Sự việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác xét nghiệm HIV cũng như kết quả xét nghiệm thiếu trách nhiệm của các cơ sở y tế. Ở Việt Nam, tính đến hiện nay có không ít vụ việc tương tự như vậy diễn ra và để lại hậu quả nặng nề cho chính những nạn nhân mang tiếng nhiễm HIV trong thời gian dài.
10 năm ròng chịu tiếng oan bị nhiễm HIV
Trước đó, vào giữa tháng 4/2016, anh Hoàng Khắc Sửu (43 tuổi, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) thông tin với báo chí về việc mình phải chịu đựng tiếng oan bị nhiễm HIV trong suốt 13 năm sau khi bị chẩn đoán nhiễm HIV sai.
|
Anh Sửu phải chịu đựng tiếng oan bị nhiễm HIV trong suốt 10 năm. |
Thông tin với báo chí, anh Sửu cho biết, vào năm 2003, khi anh đang thụ án tù giam ở Nghệ An thì được đưa đi xét nghiệm HIV cho kết quả dương tính nên sau đó được chuyển sang diện quản lý đặc biệt dành cho bệnh nhân nhiễm HIV.
Đến tháng 8/2013, được đặc xá về quê sinh sống cùng gia đình dưới sự quản lý theo diện nhiễm HIV. Tại quê mình, anh luôn bị mọi người kỳ thị, xa lánh, không ai nhạn anh vào làm việc, gia đình cũng bị ảnh hưởng theo trên mọi bình diện trong cuộc sống...
Chồng đòi tự tử khi biết tin vợ nhiễm HIV
Thêm một vụ việc chẩn đoán nhầm nhiễm HIV là sản phụ Lê Thị Oanh (21 tuổi, trú phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) cũng bị bệnh viện sản phụ thành phố Thanh Hoá) xét nghiệm nhầm có dương tính với HIV vào ngày 23/8/2013. Sau khi chuyển dạ và nhập viện vào khoảng 2h sáng ngày 23/8 tại bệnh viện Đa khoa TP. Thanh Hóa. Khi đến bệnh viện, các bác sĩ trong khi làm các thủ tục cần thiết thì chị Oanh đã sinh mẹ tròn con vuông.
|
Chồng chị Oanh từng có ý định tự tử khi biết tin vợ mình nhiễm HIV. Ảnh: Zing. |
Ngay sau lúc chị Oanh sinh xong, y tá cầm kết quả xét nghiệm trong tay, nhưng thay vì chuyển kết quả này xuống cho các phòng chuyên môn thì y tá làm xét nghiệm lại đưa kết quả nghi HIV cho người nhà bệnh nhân cầm. Sự việc này khiến cả gia đình bên nội, bên ngoại của vợ chồng chị Oanh sốc nặng và tỏ thái độ ghẻ lạnh với chị Oanh. Thậm chí chồng chị cũng đòi tự tử sau khi nghe thông tin này.
Tuy nhiên, không tin về kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa TP.Thanh Hóa, người nhà đã chuyển chị Oanh đến Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa để theo dõi, cách ly. Sau khi có những thông báo xét nghiệm của bệnh viện tuyến dưới, theo yêu cầu của gia đình, các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản đã làm xét nghiệm HIV cho chị Oanh. Kết quả sau hai lần xét nghiệm đều cho kết quả âm tính.
Trước đó, vào ngày 19/8/2005, chị Nguyễn Thị T sinh con ở BV Đa Khoa Hà Tĩnh và bị bệnh viện này xét nghiệm nhầm có dương tính với virus HIV. Năm 2008, một bệnh viện tại TP HCM cũng có kết quả xét nghiệm nhầm cho một thai phụ có dương tính với HIV.
Những ca xét nghiệm nhầm căn bệnh Thế kỷ HIV đã mang lại hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân, trong đó có sản phụ bị hỏng thai, có sản phụ đòi tự vẫn vì quá sốc, nhiều người sống trong cảm giác tủi nhục vì chịu đựng thái độ ghẻ lạnh của người thân, hàng xóm, xã hội.