Quả ớt có loại cay và có loại ngọt. Ớt ngọt thường dùng để xào với thịt bò, thịt lợn, mực tươi... Ớt cay được dùng làm gia vị như ăn tươi, ngâm dấm, làm tương ớt hay bột ớt khô. Nói chung, món ăn ngon không thể thiếu ớt.
Trong ớt có nhiều thành phần có dinh dưỡng cao bao gồm: Chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, trong ớt có chất gây cay rất mạnh. Khi độ nóng cao thì bốc hơi và kích thích rất mạnh gây hắt hơi, nóng miệng, rát lưỡi, làm xót da và niêm mạc.
Ăn ớt nhiều sẽ có cảm giác nóng ở miệng và dạ dày. Ngoài tác dụng làm gia vị, ớt còn có tác dụng kích thích tiêu hóa, ăn ngon miệng, chống đầy hơi, ậm ạch. Ăn ớt ngâm dấm với tỏi còn giúp hạ mỡ máu và tốt cho người bị bệnh gan nhiễm mỡ.
|
Ảnh minh họa. |
Theo tài liệu cổ, ớt có vị cay, tính nhiệt, tác dụng khu phong, tán hàn, kiện vị, bổ tỳ. Những trường hợp đau lưng, đau khớp, đau thần kinh ngoại biên do phong hàn có thể dùng 0,05g đun lên uống làm nhiều lần trong ngày.
Ớt làm giãn mạch máu tại chỗ đau, tăng cường tuần hoàn máu, làm cho cơ mềm mại, khớp nóng lên, đỡ đau hơn nên còn được dùng bôi ngoài da, nhưng cần thận trọng. Tốt nhất nên hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng. Dân gian còn dùng lá ớt để chữa rắn rết cắn. Khi bị rắn rết cắn, dùng ga rô buộc phía trên vết cắn. Lấy lá ớt tươi giã nhỏ, đắp vào vết cắn. Ngày đắp 2 - 3 lần.
Ớt có nhiều tác dụng, nhưng những người bị đau dạ dày, viêm loét thực quản, cao huyết áp, gan nóng, thận nóng không nên ăn ớt. Những người đang sốt cao hay thể nhiệt cũng không nên ăn.