Hẳn là khi cùng về sống dưới một mái nhà, các cặp vợ chồng sẽ đặt ra nhiều mục tiêu để hướng tới như tài chính, con cái, của cải... Điều này mang lại giá trị, ý nghĩa tích cực khi cả hai luôn tiến lên phía trước.
Song một khi thiếu sự đồng thuận, tin tưởng, những tác dụng phụ sẽ xảy đến. Và chuyện tiền nong không minh bạch sẽ dần dần nhen nhóm những vết nứt trong hôn nhân. Một câu chuyện của vợ chồng D. dưới đây là ví dụ điển hình.
Quỹ chung của hai vợ chồng bị xén bớt, người vợ lập tức tìm hiểu nguyên nhân
Trước khi lấy nhau, D. và chồng từng có khoảng thời gian yêu đương, tìm hiểu trong vòng gần 2 năm. Vì hai người đã xác định sẽ đi cùng nhau dài lâu nên cố gắng đặt mục tiêu cụ thể để phấn đấu.
Trong đó, D. và chồng từng dành dụm chung được một khoản là 80 triệu trước đám cưới. Sau này, khi hai vợ chồng kết hôn, 80 triệu vẫn được lưu trong quỹ chung và dần dần được nâng dần lên.
"Một trong những cảm giác hạnh phúc của hôn nhân là cuối tháng cùng chồng tính toán xem dành dụm được bao nhiêu rồi bỏ vào quỹ tiết kiệm. Công việc của cả hai tiến triển tốt, số tiền ngày một nhiều thêm.
Dự định của vợ chồng là số tiền quỹ chung ấy sẽ để mua một căn chung cư, chuẩn bị cho việc sinh nở, chăm con. Mình lúc nào cũng hi vọng chồng sẽ chăm chỉ làm việc, mình nỗ lực hết sức và hỗ trợ anh, sớm muộn sẽ tới ngày gặt quả chín" - D. trải lòng.
Ấy vậy mà một chuyện đáng tiếc đã xảy ra, một ngày, D. nhận thấy số dư trong tài khoản ngân hàng giữ quỹ chung đã bị tụt đi 10 triệu đồng.
Tài khoản ngân hàng này chỉ có hai vợ chồng biết, trong đó chồng của D. cầm thẻ còn cô thì chỉ kiểm soát trên ứng dụng. Thông thường nếu có thiếu tiền cần vay, chồng của D. cũng tự lấy quỹ riêng, hoặc cùng lắm thì nhờ vợ, chứ không bao giờ động vào quỹ chung.
Trong khoảng 3 - 4 ngày, D. thấy tiền liên tục bị trừ đi. Ban đầu cô còn cho qua, nhưng rồi cuối cùng cũng phải lên tiếng hỏi cho ra nhẽ. Lúc này, người đàn ông mới thành thật chia sẻ, từng lời của anh như đâm thẳng trái tim vợ:
"Anh nghĩ từ giờ vợ chồng mình không gộp quỹ chung nữa. Cứ tự dành dụm riêng, sau này góp vào còn biết từng khoản ra sao. Mấy hôm vừa rồi anh rút 10 triệu là vì có việc chi tiêu riêng, đang định nói với em đây".
Trước lời giải thích vô lý của chồng, D. cảm thấy bản thân không được tôn trọng. Cô lập tức nghĩ cách để "chỉnh đốn" đối phương, đồng thời nhận ra mối quan hệ hôn nhân thật đáng báo động.
Cái kết quá đỗi bất ngờ cùng pha xử lý tinh tế của người phụ nữ
Khi ngồi nghĩ lại, D. nhận ra thời gian gần đây, hai vợ chồng cũng có nhiều tranh cãi, mâu thuẫn. Thậm chí, lúc nóng giận, cô còn đòi ly dị. Nhưng đó chỉ là sự bực tức nhất thời, chỉ mang tính chóng vánh chứ D. không để bụng nhiều.
D. nghĩ rằng khi chồng muốn "cưa đôi" số tiền trong quỹ chung tức là anh ấy lo sợ về tương lai, cũng như thiếu niềm tin với vợ. Giải pháp duy nhất bây giờ là nói chuyện thẳng thắn với chồng.
D. nhẹ nhàng phân tích với ông xã: "Bây giờ nếu anh rút tiền ra, thì em hỏi anh là anh định chia như thế nào? Cứ bẽ bàng như vậy thì chẳng phải rất mệt đầu sao? Em góp chung vào vì em tin anh, vì chúng ta là một gia đình.
Sau này anh có chuyện riêng gì cần lấy để tiêu, em cũng không ý kiến và em mong điều ngược lại. Giả sử có là chia đôi mà anh thấy không phục, em sẽ chọn phần ít hơn. Vì em hiểu anh đã góp vào quỹ không ít, vì muốn gia đình ngày một đi lên".
Chồng D. lặng người một lúc, đúng là anh ta đã có những phút giây nghi ngờ, ích kỷ thái quá. Đặc biệt, D. còn khẳng định nếu chia bây giờ, sớm muộn đối phương sẽ hối hận vì mất đi động lực cố gắng.
Vậy nên, chị em phụ nữ à, hãy luôn tỉnh táo, sáng suốt trong chuyện tiền nong, biết khuyên răn những điều hợp lý khách quan khi đối phương lạc lối nhé!