Vợ chồng thi thoảng cắn đắng nhau về chuyện tiền nong là thường, nhưng vợ chồng tôi không đến mức thiếu thốn gì mà vẫn bị chữ “tiền” làm hôn nhân rạn vỡ.
Sai lầm ban đầu là tôi đưa thẻ ATM cho vợ tự rút. Tiến thêm một bước, vợ giữ thẻ. Rồi vợ đổi mật khẩu. Tin nhắn của ngân hàng cũng đến… điện thoại vợ. Ngày lãnh lương, nhìn anh em đồng nghiệp tíu tít phấn khởi, tôi chỉ thấy lạc lõng đến buồn cười.
Chẳng người đàn ông nào vui nổi khi vợ diễn tuồng tiền ban gạo phát. "Anh ra ngoài có cần chi dùng gì nhiều đâu, mỗi ngày 100.000đ là quá dư rồi". Tính toán đã đời, vợ kết luận! Gần 40 tuổi, tôi lại sống trong tình trạng còn tệ hơn hồi học phổ thông được mẹ nuôi, bởi sáng sáng vợ phát lương, không bao giờ đưa dư một xu. Muốn lãnh “sỉ” theo tuần hay theo tháng để tiện sắp xếp chi tiêu, vợ cũng gạt phăng, không đồng ý.
|
Ảnh minh họa. |
Vợ làm sao thế nhỉ? Trở nên quá tham lam, ham tiền? Có thể rộng rãi với bản thân và ky bo với người khác? Tôi đã suy nghĩ rất nhiều để tìm nguyên nhân, mà đành chịu. Thế gian, vô số đàn ông than phiền về việc bị vợ quản lý tiền nong, đâu phải riêng tôi. Nhưng giữa thời buổi này, một gã chồng ngày ngày ngửa tay nhận 100.000đ, dù cho hôm đó có việc gì cần kíp phải xài tiền cũng mặc kệ, thì chắc chỉ có mỗi mình tôi mà thôi.
Nhớ đầu năm rồi, tôi đi làm về, cố tình thử khoe với vợ cái bao lì xì 300.000đ được sếp tặng. Vợ không tịch thu như thói thường vẫn vậy, mà còn hào hứng bảo, đúng rồi, đó là lộc mà, phải để xài lấy hên chứ! Tôi chưa kịp ngạc nhiên, cứ ngỡ vợ đã bắt đầu thay đổi, ai dè… Ba ngày liền vợ lờ đi không phát lương!
Lập quỹ đen ư? Việc đó tất nhiên là không tránh khỏi. Càng không thấy gì áy náy hay có lỗi, bởi đâu phải tự dưng tôi muốn sống cảnh đối phó nhau như thế. Mỗi khi cần “giải trình” để có chút tiền đi giao tế, trả ơn trả lễ, trả nợ miệng này nọ, tôi không khỏi bực mình, rồi chán ngán thất vọng về cuộc hôn nhân của mình. Ngay cả việc muốn biếu mẹ ruột chút đỉnh thuốc thang, uống sữa, tôi cũng phải nhịn chi dùng cả nửa tháng mới có. Bao lần dở khóc dở mếu vì “hết đạn” ngay lúc cần kíp. Thế nhưng, dù biết cách ứng xử của mình với đồng tiền là không phù hợp, hoặc ít ra cũng làm cho chồng không cảm thấy thoải mái, hài lòng, vợ tôi nhất định không thay đổi. Chính thái độ cố chấp, bất cần của vợ khiến tôi chẳng còn tha thiết vun vén cho gia đình. Ai cấm tôi nghĩ, vợ chỉ muốn cầm tiền mà chẳng hề nghĩ tới cảm giác của người làm ra đồng tiền đã không có cơ hội được sử dụng thành quả, công sức do mình vất vả làm ra? Tôi lấy đâu ra động lực để mà tiếp tục cày bừa?
Mỗi cây mỗi hoa, từng gia đình có cách thống nhất xài tiền riêng, nhưng nếu thấy không hợp lý thì phải điều chỉnh. Cứ khăng khăng theo ý mình, bất kể người kia bất mãn thế nào, thì dù nghĩ mình nắm được đồng tiền là quản lý được tất cả, nhưng người vợ không hiểu, có những thứ còn quan trọng hơn tiền nong sẽ dần vuột khỏi tầm kiểm soát…