Quên chích ngừa vắc xin viêm não Nhật Bản và cái kết

Google News

Không ít trường hợp trẻ mắc chứng viêm não Nhật Bản là do cha mẹ quên không cho con chích ngừa vắc xin.

Sáng ngày 26/6, trong số những trẻ điều trị ở đây, sáu trẻ bị viêm não Nhật Bản. Chúng đến từ nhiều địa phương, tuổi khác nhau, có đứa nằm vài tuần, đứa vài tháng, thậm chí có đứa gần… một năm. Như thông lệ cứ tầm tháng 5, 6 đến tháng 10 là mùa viêm não Nhật Bản. BS Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm – thần kinh, nói: “Từ đầu năm đến nay khoa chỉ có 25 ca. So với phía Bắc, phần lớn ca bệnh phía Nam nặng hơn, đa số hôn mê sâu và phải thở máy”.
Quen chich ngua vac xin viem nao Nhat Ban va cai ket dang
 Không được chích ngừa đầy đủ, trẻ có nguy cơ bị viêm não Nhật Bản. Trong ảnh: trẻ mắc viêm não Nhật Bản điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM.
Bệnh liên quan đến não thường nặng và khó trị, viêm não Nhật Bản không ngoại lệ. Cứ mười trẻ mắc có sáu trẻ khỏi, ba trẻ bị di chứng nặng nề và một tử vong. Đặc thù bệnh như thế, nên có lúc bệnh nhi viêm não Nhật Bản phải nằm tạm ở khoa cấp cứu vì khoa nhiễm – thần kinh không còn một giường hồi sức trống. BS Khanh chia sẻ: “Di chứng viêm não Nhật Bản khủng khiếp và phức tạp. Có trẻ thở máy nhiều ngày rồi bị viêm phổi và tử vong. Có trẻ phải sống thực vật, hết bệnh nhưng không biết gì hết, nằm một chỗ nhiều năm trời rồi cũng bội nhiễm và tử vong. Có trẻ lại chậm phát triển trí tuệ, động kinh, khả năng hoà nhập xã hội rất thấp”.
Tại một căn phòng nhỏ của khoa nhiễm – thần kinh, chị T., ở Bến Tre, có con mười tuổi, bị viêm não Nhật Bản nằm từ tháng 10 năm qua, nhớ lại: “Con tôi bị sốt vào bệnh viện huyện vài tiếng rồi được chuyển lên bệnh viện tỉnh. Ở đây bác sĩ lấy máu thử rồi chuyển lên thành phố. Lúc ở tỉnh cháu còn tỉnh, lên đến đây thì nặng dần”.
“Chị có nghe nói gì về bệnh viêm não Nhật Bản và cháu có được chích ngừa chưa?”, tôi hỏi. Chị T. đáp: “Chưa nghe nói. Hồi nhỏ mấy anh trai nó có chích ngừa bệnh gì đó, nhưng đứa này thì không chích”. Con của chị G. ở Long An, nằm điều trị ở khoa nhiễm – thần kinh còn lâu hơn, vào viện từ tháng 8 năm trước. Vừa chia sẻ, chị vừa gạt nước mắt: “Không biết con tôi chích ngừa đủ chưa vì tờ giấy chích ngừa của nó rớt đâu mất”.
Vắcxin viêm não Nhật Bản được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng nước ta từ năm 1997, đầu tiên ở một số tỉnh, thành có nguy cơ cao và đến năm 2014 vắcxin được triển khai trên cả nước.
Trong cuộc trò chuyện với BS Khanh, tôi không nhớ ông nhắc đến bao nhiêu lần các cụm từ “di chứng khủng khiếp” và “chích ngừa vắcxin”. Điều trị không biết bao nhiêu ca viêm não trong hàng chục năm trời hành nghề, nhưng dường như ông vẫn “mệt mỏi” khi nói đến di chứng của bệnh viêm não Nhật Bản: “Hiện nay chúng ta điều trị viêm não rất tốt, nhưng chỉ giảm được tỷ lệ tử vong, chứ chưa giảm được tỷ lệ di chứng. Di chứng viêm não Nhật Bản phụ thuộc vào cơ địa của em bé và độc lực của virút”. Ông nói thêm: “Các trẻ này xuất viện về nhà phải cần 4 – 5 người chăm sóc, vì chúng không còn khả năng tự sinh hoạt và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội”.
Không ai tính được bao nhiêu công sức và tiền bạc để điều trị và chăm sóc một trẻ bị viêm não Nhật Bản. Trẻ may mắn khỏi bệnh hoàn toàn, thật hạnh phúc. Nhưng cũng biết rằng ngay cả trường hợp này, nếu nằm viện bệnh nặng phải thở máy, mỗi trẻ ngốn hết cả triệu đồng viện phí, có thêm bội nhiễm phổi thì tốn thêm cả triệu đồng tiền kháng sinh. Nếu được bảo hiểm y tế chi trả thì tốt, còn không được thì bi kịch. Bệnh nặng như thế nhưng lại có thể ngừa được bằng vắcxin hoàn toàn miễn phí. Nhưng vấn đề ở đây, theo BS Khanh, các phụ huynh thường nhớ chích cho trẻ hai mũi đầu mà quên chích mũi thứ ba, vì thế hiệu quả bảo vệ của vắcxin thấp.
“Tôi có cảm giác chúng ta chưa làm tốt nhất những gì có thể làm được, vì trẻ mắc viêm não Nhật Bản vẫn nhiều và tỷ lệ di chứng còn cao. Truyền thông, hướng dẫn phụ huynh phòng bệnh cho trẻ cần được làm thường xuyên”, BS Khanh băn khoăn.
Sáng 26/6, trong khi hàng chục báo đài có mặt tại bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM tìm hiểu và tuyên truyền phòng chống viêm não Nhật Bản, thì trên website của một trung tâm truyền thông sức khoẻ hàng đầu của ngành y tế thành phố, người ta không thấy bất kỳ nội dung nào về bệnh này. Và lịch sinh hoạt câu lạc bộ tuần của trung tâm trong tháng 6 cũng không có nội dung nào về viêm não Nhật Bản.
Theo Bài, ảnh Châu Giang/Thế Giới Tiếp Thị

>> xem thêm

Bình luận(0)