Ôm hổ mang chúa tới BV: Sơ cứu thế nào khi bị rắn cắn?

Google News

(Kiến Thức) - Sự việc người đàn ông 38 tuổi ở Tây Ninh nhập viện cấp cứu cùng con rắn hổ mang trên tay được rất nhiều người quan tâm. Theo bác sĩ, việc nhận biết rắn độc cắn và sơ cứu đúng cách khi bị rắn cắn là vô cùng cần thiết.

Ngày 19/8, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh tiếp nhận bệnh nhân P.V.T. (38 tuổi, ngụ huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) nhập viện trong tình trạng bị rắn hổ mang cắn. Khi nhập viện, bệnh nhân này còn giữ nguyên "hiện trạng" là con rắn hổ mang chúa còn sống, dài gần 3m, nặng gần 5kg quấn quanh khuỷu tay.
Đại diện bệnh viện cho biết, bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn vào đùi, sau đó chụp được phần đầu rắn, tự ga-rô vết thương và mang cả con rắn tới bệnh viện để cấp cứu.
Om ho mang chua toi BV: So cuu the nao khi bi ran can?
 Người đàn ông ở Tây Ninh ôm cả con rắn hổ mang tới bệnh viện cùng cấp cứu. Ảnh: Internet.
Sau đó, anh T. và con rắn hổ mang tiếp tục được chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại bệnh viện, bệnh nhân liệt hoàn toàn tứ chi, phải bóp bóng giúp thở và đồng tử dãn to, mất phản xạ ánh sáng. Các bác sĩ đã cho bệnh nhân dùng máy thở hỗ trợ hô hấp, thuốc an thần; đồng thời sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu.
Sáng 20/8, bệnh nhân đã tỉnh lại và đang tập ngưng sử dụng máy thở. Tuy nhiên, trong 48 giờ tới, người này cần theo dõi biến chứng về tim mạch vì nọc độc rắn có thể tấn công vào cơ tim dễ gây tử vong. Bên cạnh đó, vết thương ở đùi bệnh nhân T. có nhiều nọc độc, dễ làm viêm và tổn thương các mô xung quanh gây nhiễm trùng tại chỗ.

Mời độc giả theo dõi video "Hoang mang vì rắn nằm trong trứng gà". Nguồn: VTC.

Làm gì khi bị rắn độc cắn?
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết ở Việt Nam, rắn độc cắn là tai nạn phổ biến. Tai nạn này xảy ra nhiều nhất vào mùa sinh sôi, phát triển của rắn độc (khoảng tháng 4-11).
Sau khi bị rắn cắn, nạn nhân cần được sơ cứu đúng cách để nọc độc từ vết thương xâm nhập vào cơ thể chậm và ít hơn. Sau đó, người thân nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để xử lý kịp thời.
Thời gian này, nạn nhân cần giữ bình tĩnh, bất động bằng nẹp, không cần garo vết thương. Nếu khó thở, nạn nhân cần được hô hấp nhân tạo, giữ nhịp tim...
BSCKI Trương Phước Hữu, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cảnh báo những khu vực rậm rạp như bụi cây, đống lá rụng, gạch vụn, đống đổ nát... thường là nơi cư trú của rắn.
Khi bị rắn độc cắn, nạn nhân không nên chích, rạch vết thương để hút máu vì nó không giúp loại bớt nọc độc. Ngoài ra, vết thương chỉ cần được băng ép, không nên buộc garo quá chặt.
“Ôm” rắn hổ mang chúa cùng đi cấp cứu: Vì cần tiền cho con đi học
Dù bị con rắn hổ mang chúa khủng cắn gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nạn nhân vẫn cố giữ chặt “hung thủ” và bị rắn quấn chặt vào tay. Khi "ôm" rắn đi cấp cứu, anh còn dặn bác sĩ “giữ lại giùm”.
Việc anh T. vẫn cố giữ con rắn đến tận bệnh viện là do anh T. tiếc con rắn to, bán sẽ có tiền để trang trải chi tiêu, nhất là lo cho đứa con lớn sắp đi học; hơn nữa anh cũng nghĩ là con rắn lành chứ không ngờ là rắn hổ mang chúa.
Theo con trai nạn nhân kể lại, khi phát hiện con rắn quá lớn, cậu bé kêu ba chạy đi nhưng anh T. nói rằng con rắn này bán sẽ có tiền cho con đi học nên quyết bắt cho bằng được. Thậm chí, khi vào bệnh viện Tây Ninh cấp cứu, anh T. còn dặn bác sĩ "giữ lại giùm con rắn".

Thảo Nguyên (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)