Sự thay đổi, chuyển biến trong cơ thể ở tuổi vị thành niên khiến cho trẻ có tính khí thất thường, thoắt vui, thoắt buồn. Có những khi trẻ tích cực vận động nhưng cũng có những lúc trẻ cảm thấy cô đơn, chán nản trở nên thụ động, xa lánh mọi người, chẳng thèm nói năng khi được hỏi tới...
Chị bạn tôi kể chuyện con gái chị đang học lớp 11, trước nay cháu rất hiền lành ngoan ngoãn và chăm học. Mới đây, cô giáo chủ nhiệm cho biết con bé dạo này hay nghỉ học, kết quả học tập bị sút kém. Chị rất ngạc nhiên, lo ngại, cất công tìm hiểu.
Chị không thể ngờ, sau khi được bố đưa tới trường, canh bố vừa về, cô bé liền nhập vào đám bạn “sành điệu” đi chơi hoặc kéo nhau vào quán cà phê tâm tình. Điều đáng nói là bọn trẻ cặp từng đôi với nhau, điệu bộ rất tình tứ. May mà sự việc được phát hiện sớm nên chưa gây hậu quả nghiêm trọng.
Chị cứ tự trách bản thân đã chủ quan cho rằng con mình còn nhỏ, còn ngây thơ, chưa biết gì nên không quan tâm chuyện giáo dục giới tính cho cháu.
Theo các thống kê, tỷ lệ sinh đẻ tuổi vị thành niên ở Việt Nam hiện nay tương đối cao, đây đang là mối lo ngại của các bậc cha mẹ. Đa số các em lứa tuổi này hiểu biết, kỹ năng thực hành sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục an toàn còn kém, các em không biết các dấu hiệu có thai sớm, không rành về các biện pháp tránh thai, các nguy cơ lây nhiễm bệnh qua đường tình dục.
“Tỷ lệ trẻ ở tuổi vị thành niên biết khả năng có thai sau khi quan hệ tình dục lần đầu không cao, có tới hơn 30% không biết tới điều này và khoảng 69,5% thành niên được khảo sát trả lời “có thể” biết” – ông Nguyễn Quang Đại - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng Cục Dân số KHHGĐ chia sẻ.
|
Một tiết học giới tính ở Nhật. |
Trong khi các nhà tâm lý học cho rằng, việc giảng giải về giới tính, hướng dẫn cách phòng tránh thai cho trẻ vị thành niên là điều các bà mẹ nên làm. Nhưng, trong thực tế, không chắc tất cả các mẹ đều hiểu một cách thông suốt, cặn kẽ, khoa học về giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản; không chắc các bố mẹ đều có khả năng ứng xử về chuyện này. Không kể nhiều mẹ còn tư tưởng nghi ngại sẽ “vẽ đường cho hươu chạy”.
Vậy thì song song với việc tuyên truyền vận động, giáo dục giới tính trong nhà trường và ngoài xã hội, thì việc giáo dục giới tính trong gia đình nên như thế nào?
Theo các bác sĩ chuyên khoa về tâm lý, thái độ giáo dục về giới tính của cha mẹ phải luôn đúng mực. Nếu chưa hiểu biết đầy đủ về cơ thể học, tâm sinh lý lứa tuổi vị thành niên, các bậc cha mẹ cần đầu tư thỏa đáng thời gian, công sức bằng nhiều cách nâng cao hiểu biết của mình về vấn đề trên.
Một số vấn đề cha mẹ cần trao đổi với con cái: dạy cho con phân biệt cảm xúc giới tính với tình yêu; hậu quả có thể khi quan hệ tình dục mà cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh; hậu quả của việc mang thai ngoài ý muốn; viễn cảnh nào nếu như con sinh em bé ở lứa tuổi này...
Song song đó cũng cần hướng dẫn cho trẻ một phương án dự phòng. Nếu như lâm vào hoàn cảnh buộc phải quan hệ tình dục thì phải biết cách tự bảo vệ ra sao. Cuối cùng, cha mẹ vẫn phải luôn để ý quan sát con cái nhằm phát hiện kịp thời những biểu hiện khác lạ ở con mình để xử lý khi chưa quá muộn.
Cũng thật sai lầm nếu đề cập đến vấn đề tình dục mà chỉ toàn phê phán, làm cho trẻ nghĩ rằng tình dục là chuyện xấu xa, khiến trẻ thất vọng, mất đi sự hồn nhiên trong quan hệ với các bạn khác giới.
Tóm lại, vấn đề không phải là cha mẹ đề ra những biện pháp ngăn cấm, mà là cung cấp những hiểu biết của mình, để con cái có thể tự phòng vệ, biết sống có trách nhiệm với bản thân. Giáo dục giới tính cần nhất là bầu không khí cởi mở, tin cậy.
Nhân dịp nghỉ hè, trẻ có nhiều thời gian ở nhà hơn, cha mẹ nên khéo léo gợi mở, tạo ra bầu không khí tự nhiên, nhẹ nhàng để trao đổi với con về vấn đề giới tính.
Cha mẹ cần thấu hiểu và cảm thông với tính khí thất thường của trẻ. Nên khéo léo hỏi han, khơi gợi nỗi niềm, an ủi động viên con. Khi thấy con có những biểu hiện lệch lạc, cha mẹ cần nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc phân tích cho con hiểu rõ đúng sai, lợi hại; Không nên chửi bới, xỉ vả, đánh đập, khiến trẻ xa lánh và có thái độ chống đối.