Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải - Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi trung ương, những ngày miền Bắc lạnh tăng cường, bệnh nhi mắc cúm A bắt đầu vào viện nhiều, trung bình có khoảng 40-60 bệnh nhân phải điều trị tại khoa là bệnh nhi mắc cúm, chiếm khoảng 1/3 số bệnh nhân phải nằm điều trị.
Đa số các cháu có bệnh cảnh nền như rối loạn chuyển hóa, viêm phổi mãn tính kéo dài... nên khi có thêm bệnh cúm, biểu hiện bệnh nặng lên rất nhiều. Theo bác sĩ Hải, đây là bệnh đặc trưng của mùa đông xuân nên số các cháu mắc bệnh còn có thể gia tăng trong những ngày tới.
|
Vào những ngày miền Bắc lạnh tăng cường, bệnh nhi mắc cúm A bắt đầu vào viện nhiều. Ảnh minh họa. |
Còn theo bác sĩ Nguyễn Thành Nam - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hiện bệnh lý hô hấp vẫn chiếm một tỉ lệ đáng kể trong số các bệnh nhi đang điều trị tại khoa.
Do thời tiết thay đổi, cộng thêm tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội những ngày qua, làm gia tăng các bệnh lý về đường hô hấp
Bác sĩ Nam khuyến cáo, đây vẫn chưa là thời điểm lạnh nhất trong năm ở miền Bắc, nên những ngày tới, cha mẹ chú ý đề phòng bệnh hô hấp, bệnh tiêu chảy do virus ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi là nhóm tuổi sức đề kháng còn yếu.
Video "Tiêm vắc xin để chủ động phòng bệnh". Nguồn: VTC.
Theo bác sĩ Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, bệnh cúm A/H1N1 (còn gọi là cúm mùa) là bệnh truyền nhiễm do vi rút H1N1 gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh.
Bệnh lây truyền trực tiếp từ người sang người, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi.
Bệnh cũng có thể lây gián tiếp khi bàn tay tiếp xúc với một số đồ vật, bề mặt bị dính chất dịch có chứa vi rút sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng…
Cách phòng ngừa bệnh cúm
Tất cả mọi người đều có thể chủ động phòng bệnh cúm A cho chính bản thân mình bằng các biện pháp dự phòng không dùng thuốc như:
- Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng.
- Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, sau đó rửa tay bằng nước và xà phòng. Tốt nhất nên sử dụng khăn giấy, sau đó bỏ ngay khăn giấy vào thùng rác.
- Giữ nhà cửa sạch sẽ thông thoáng.
- Tăng cường sức khỏe bằng vận động và nghỉ ngơi hợp lý, bổ sung rau củ và vitamin C trong chế độ ăn uống.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mùa, đặc biệt cần thiết đối với những người có nguy cơ diễn tiến nặng đã nêu ở trên.
- Đối với các trường học cần thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng học sinh tiếp xúc hằng ngày. Với những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan.