|
Một bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 đang cách ly điều trị trong tình trạng nguy kịch.
|
TP Hồ Chí Minh vừa ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do cúm A/H1N1 và 1 bệnh nhân khác đang nguy kịch đến ngay sau khi xuất hiện ổ dịch cúm gần 20 người mắc tại Bệnh viện Từ Dũ khiến người dân rất lo lắng, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao…
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, trường hợp tử vong vì cúm A/H1N1 tại TP HCM là một là cô gái 26 tuổi, ở quận Thủ Đức, làm nội trợ, có thể trạng béo phì.
Lúc khởi phát bệnh, cô gái này tự điều trị tại nhà, đến ngày 30-5 thì được đưa vào Bệnh viện quận Thủ Đức cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp nặng. Đến chiều 30-5, chị được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM và tử vong trong ngày. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1.
Ngoài ca tử vong trên, hiện Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đang cách ly, điều trị cho một người đàn ông bị nhiễm cúm A/H1N1 trong tình trạng nguy kịch sau cả tuần tự trị bệnh tại nhà. Bệnh nhân này là ông H.Đ.H (48 tuổi, ở Bình Thuận), hành nghề lái xe và đang mắc bệnh đái tháo đường.
Chủng cúm A/H1N1 khi mới xuất hiện và xâm nhập vào Việt Nam cách đây vài năm được coi là cúm đại dịch có tốc độ lây lan cực nhanh. Hiện nay, chủng cúm này được xếp vào nhóm cúm mùa thông thường, lưu hành và tồn tại khá lâu ngoài môi trường.
Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thời điểm này tuy chưa ghi nhận ca bệnh nguy kịch, tử vong do cúm A/H1N1 song vẫn ghi nhận rải rác ca bệnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch. Thậm chí đầu năm nay có thời điểm từng xuất hiện "cơn sốt" thuốc Tamiflu đặc trị cúm A/H1N1 do số người mắc tăng cao trong khi khả năng cung ứng thuốc có nguy cơ bị thiếu.
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, kết quả giám sát viêm đường hô hấp cấp tính tại khu vực miền Bắc gần 3 tháng đầu năm 2018 cho thấy 34% mẫu dương tính với virus cúm mùa, trong đó chủ yếu là cúm A/H1N1, tiếp đến là cúm B và A/H3N2.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thời gian qua cũng tiếp nhận không ít bệnh nhân cúm A/H1N1 vào điều trị trong tình trạng rất nặng, chủ yếu trên người bệnh có tiền sử bệnh mãn tính đi kèm và nhập viện muộn.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, nhiều người nhiễm cúm vẫn khỏe mạnh nên chủ quan, đến khi bệnh tiến triển nặng dẫn đến suy hô hấp mới nhập viện thì đã không thể cứu chữa.
Theo bác sĩ Cấp, cúm A/H1N1 cũng như các loại cúm mùa thông thường, tiến triển thường lành tính và không cần điều trị cũng có thể khỏi sau một vài ngày đến 1 tuần. Song, bệnh cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch, hô hấp, cao huyết áp, phổi, thận, rối loạn chuyển hóa, thiếu máu hoặc người bị suy giảm miễn dịch, người già và phụ nữ có thai.
Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cũng khuyến cáo, các đối tượng có nguy cơ nhiễm cúm A/H1N1 cao và biến chứng nặng gồm: trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người béo phì, người có bệnh mãn tính.
Do vậy, các đối tượng này cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng cúm đã được khuyến cáo như: chủ động tiêm vaccine phòng cúm, thường xuyên vệ sinh cá nhân, nơi ở, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh viêm hô hấp.
Nếu có triệu chứng sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi... cần đi khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn, tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị.