Trà xanh là một trong những thức uống khá quen thuộc đối với người Việt Nam. Việc uống trà xanh giúp bổ sung nhiều dưỡng chất tốt, chống oxy hóa, chống ung thư, tăng cường sức khỏe tim mạch, hỗ trợ giảm cân, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, tốt cho sức khỏe răng miệng,…
Tuy nhiên, khi uống trà xanh, người dùng cần lưu ý tránh mắc phải những sai lầm dưới đây bởi nếu không rất dễ khiến trà xanh phản tác dụng và trở thành “độc dược” khiến sức khỏe suy giảm.
Uống trà quá đặc
Uống trà đặc là thói quen của nhiều người nhưng trong trà đặc lại có hàm lượng chất tanin cao, vì thế khi cơ thể thường xuyên hấp thụ lượng tanin sẽ dẫn đến thiếu vitamin B, gây nguy cơ về các bệnh như co thắt niêm mạc dạ dày, ảnh hưởng tới chức năng tiêu hóa.
Việc uống trà quá đặc còn khiến khả năng hấp thụ chất sắt trong thức ăn bị giảm sút, lâu ngày dẫn đến bệnh thiếu máu. Ngoài ra, uống trà quá đặc cũng khiến cơ thể hấp thụ nhiều caffeine dễ gây các chứng bệnh đau đầu, mất ngủ...
Uống trà xanh thay nước lọc
Trà xanh tốt cho sức khỏe nhưng không có nghĩa là uống càng nhiều càng tốt. Nếu uống nhiều có thể dẫn đến thiếu sắt. Nguyên nhân là do chất tanin có trong trà xanh có thể cản trở khả năng hấp thụ chất sắt của cơ thể.
Giống như cà phê, trà xanh cũng chứa caffeine. Sử dụng quá nhiều caffeine trong ngày có thể gây ra các tác dụng phụ có hại bao gồm: Đau đầu, uể oải, lo lắng, cáu kỉnh... Vì vậy, nên dùng trà điều độ hàng ngày, khoảng 2-3 cốc mỗi ngày.
"Tráng miệng” bằng nước trà
Nhiều người cho rằng uống trà xanh sau bữa ăn giúp làm sạch răng và mang lại hơi thở thơm tho. Thế nhưng thói quen này sẽ dẫn tới tình trạng bị đầy bụng, khó tiêu, ảnh hưởng đến quá trình hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn vào cơ thể.
Ngoài ra, trong nước trà xanh có chứa chất tannin, trong những loại thực phẩm thu nạp lại có chứa sắt và protein, sự tương tác giữa hai thành phần này sẽ khiến cho vi chất sắt bị “vô hiệu hóa”. Vì vậy, thời gian lý tưởng nhất để uống trà xanh là 1 giờ trước và sau bữa ăn.
Uống trà xanh khi bụng đói
Một số người có thói quen uống trà xanh vào buổi sáng ngay khi thức dậy nhưng điều này không tốt cho sức khỏe.
Caffein có trong trà có thể tăng năng lượng cho bạn, nhưng uống khi bụng đói sẽ gây ra các phản ứng như buồn nôn, chóng mặt, khó chịu, căng thẳng...
Trà xanh có chứa chất chống oxy hóa và polyphenol có thể làm tăng sản xuất axit dạ dày và làm rối loạn tiêu hóa. Lý tưởng nhất là dùng trà xanh giữa các bữa ăn hoặc sau bữa ăn.
Uống trà khi còn nóng
Các nhà nghiên cứu, dẫn đầu là Tiến sĩ Farhad Islami (Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ) đã bắt đầu một cuộc điều tra ở tỉnh Golestan, phía đông bắc Iran – để xem xét thói quen tiêu thụ đồ uống của hơn 50.000 người trong độ tuổi từ 40 đến 75. Theo dõi lâm sàng từ năm 2004 đến 2017, các nhà khoa học đã xác định được 317 trường hợp mắc mới ung thư thực quản.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã chia nhiệt độ trà thành "rất nóng" - có nghĩa là nhiệt độ trên 60°C và ấm (dưới 60°C), xem xét cả thời gian từ khi rót trà đến khi uống từ 2-6 phút chờ đợi. Nghiên cứu cho thấy rằng, uống 700 ml trà "rất nóng" mỗi ngày làm tăng 90% khả năng mắc ung thư thực quản so với uống cùng một lượng trà lạnh hoặc trà ấm hàng ngày. Nguyên nhân gây tăng nguy cơ ung thư có thể là do nước nóng sẽ làm hỏng lớp lót niêm mạc thực quản, từ đó tăng kích thích lặp đi lặp lại, tạo ra các hợp chất gây viêm dẫn đến sự hình thành khối u.
Tiến sĩ Islami cho biết, kết quả trên tăng cường đáng kể các bằng chứng hiện có hỗ trợ mối liên hệ giữa uống đồ uống nóng và nguy cơ ung thư thực quản và khuyên mọi người nên chờ đồ uống nguội hơn 60°C trước khi uống.
"Nhiều người thích uống trà, cà phê hoặc đồ uống nóng khác. Tuy nhiên, theo báo cáo của chúng tôi, uống trà rất nóng có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản, và do đó, nên đợi cho đến khi đồ uống nóng nguội đi trước khi uống”, Tiến sĩ Farhad Islami đưa ra lời khuyên.
Ngâm trà quá lâu
Nước trà để lâu không chỉ giảm đi vị ngon của trà mà còn dẫn đến lượng caffeine và tanin tăng cao gây khó chịu, không tốt cho hệ tuần hoàn, đặc biệt với những người mắc bệnh gout.
Chưa kể đến việc ngâm trà quá lâu còn tiết ra hợp chất polyphenols làm đẩy nhanh quá trình oxy hóa tự nhiên, giảm dưỡng chất trong trà và tạo điều kiện lý tưởng để vi sinh vật như nấm và vi khuẩn phát triển.
Uống thuốc với trà xanh
Nhiều người uống thuốc bằng nước trà xanh. Điều này có thể rất nguy hại, vì thành phần hóa học trong thuốc có thể tương tác bất lợi với các chất có trong trà xanh. Do đó, bạn nên uống thuốc với nước trắng đun sôi để nguội.