Bác sĩ giải phẫu thần kinh người Ý Sergio Canavero cùng với đồng nghiệp Trung Quốc Nhâm Hiểu Bình đặt mục tiêu thực hiện ca ghép đầu người lần đầu tiên vào tháng 12-2017 với hy vọng sẽ được nhận giải thưởng Nobel.
Theo ông Canavero, nếu mọi chuyện diễn ra như kế hoạch thì 2 năm là khoảng thời gian cần thiết để kiểm tra tất cả tính toán khoa học và lên kế hoạch chi tiết cho quá trình phẫu thuật.
Mạo hiểm mạng sống
Khi kế hoạch được công bố lần đầu tiên hồi đầu năm 2015, anh Valery Spiridonov (người Nga, 30 tuổi) đã tình nguyện tham gia.
Không phải tự nhiên anh Spiridonov lại chịu hiến đầu mình cho ca mổ. Thực tế, nhà khoa học máy tính này mắc phải chứng bệnh teo cơ tủy sống hiếm gặp và hiện chưa có phương pháp điều trị. Hội chứng khiến các nơron thần kinh vận động của người bệnh bị suy giảm chức năng, dẫn đến tình trạng teo cơ, khó nuốt và thở. Bất chấp nguy cơ tử vong trên bàn mổ là không nhỏ, anh Spiridonov vẫn quyết mạo hiểm mạng sống để đổi lấy một cơ thể khỏe mạnh và linh hoạt hơn thay vì chờ chết.
|
Anh Valery Spiridonov đồng ý phẫu thuật với hy vọng có được cơ thể linh hoạt. Ảnh: Sputnik |
Theo hãng tin Sputnik (Nga), ca phẫu thuật trên dự kiến có kinh phí 13 triệu USD và kéo dài 36 giờ tại Trường ĐH Y Cáp Nhĩ Tân ở tỉnh Hắc Long Giang. Bác sĩ Nhâm không tiết lộ danh tính người hiến tặng phần cơ thể. Tuy nhiên, đã xuất hiện những đồn đoán rằng người hiến tặng có thể là tù nhân bị kết án tử hình ở Trung Quốc, nước ban hành quy định cấm mua bán nội tạng cơ thể người kể từ năm 2007. Nếu thành công, ca phẫu thuật được cho là sẽ mang lại hy vọng cho hàng triệu người bị khuyết tật vì nhiều căn bệnh khác.
Như phim kinh dị
Quá trình phẫu thuật sẽ không khác gì một bộ phim kinh dị. Đầu anh Spiridonov được đông lạnh rồi bị cắt đứt bằng một lưỡi dao cực sắc, sau đó gắn với phần cơ thể hiến tặng (cũng được làm lạnh để duy trì chất lượng các tế bào và mô). Những phần việc khó khăn nhất sau đó là nối lại tủy sống và hạn chế rủi ro cơ thể mới thải loại phần đầu mới ghép. Thế nhưng, bác sĩ Canavero tỏ ra lạc quan vì những tiến bộ y học ngày nay có thể giảm nguy cơ thải loại ghép.
Cộng đồng khoa học nhìn chung đã tỏ thái độ hoài nghi khi bác sĩ Canavero thông báo về ý định ghép đầu người rùng rợn nói trên. Nhiều người cho rằng việc ghép đầu người không chỉ phi đạo đức mà còn bất khả thi vào lúc này. Ngoài những rủi ro nói trên, họ còn chỉ ra rằng các ca phẫu thuật ghép đầu trên động vật vẫn chưa thành công cho đến giờ. Bác sĩ Nhâm từng tiến hành cấy ghép đầu trên 1.000 con chuột và chúng có thể thở, nhìn thấy, uống nước nhưng chỉ sống được vài phút.
“Khả năng thành công (của cấy ghép đầu người) là rất thấp” - ông Harry Goldsmith, giáo sư phẫu thuật thần kinh tại Trường ĐH bang California ở TP Davis - Mỹ, nhận định với báo The Guardian (Anh Quốc).
Tuy nhiên, bác sĩ Canavero, người đã dành 30 năm nghiên cứu về cấy ghép đầu người, trấn an rằng kế hoạch chỉ được thực hiện khi các bác sĩ và chuyên gia chắc chắn tỉ lệ thành công là 99%. Trong khi đó, anh Spiridonov vẫn cho rằng đây là ca phẫu thuật đáng để mạo hiểm, ngay cả khi cơ may sống sót vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Gà không đầu sống được 18 tháng
Hôm 10-9-1945, tại trang trại ở Fruita, bang Colorado - Mỹ, một con gà bị chặt đầu để chuẩn bị làm thịt đã không chết mà còn sống được đến 18 tháng. Khi đó, vợ chồng ông Lloyd Olsen đặt tên con gà là Mike và đưa đi trình diễn trên khắp nước Mỹ. Mike sống nhờ thức ăn lỏng và nước đổ trực tiếp vào thực quản cũng như được hút sạch dịch nhầy tiết ra từ cổ họng. Mike chết ở TP Phoenix, bang Arizona, vào mùa xuân năm 1947 khi đang trên đường lưu diễn vì bị ngạt thở.
Giáo sư Tom Smulders, một chuyên gia về loài gà ở Trung tâm Hành vi và Tiến hóa thuộc Trường ĐH Newcastle (Anh Quốc), giải thích với đài BBC rằng khoảng 80% bộ não của Mike và gần như mọi dây thần kinh điều khiển cơ thể bao gồm nhịp tim, hô hấp, tiêu hóa, không bị lưỡi rìu chạm đến. Đồng thời, một cục máu đông xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ để giúp Mike không bị chảy máu đến chết.