Theo BS CKI. Lê Thị Thúy Hằng – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, hạt sen trong Y học cổ truyền gọi là Liên nhục, còn có các tên gọi khác như: Liên tử, Liên thực, Tương liên. Liên nhục có tên khoa học: Semen Nelumbinis, Họ Nelumbonaceae Hạt sen không chỉ là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, là món ăn quen thuộc trong mỗi gia đình mà còn được sử dụng trong y học cổ truyền đem lại hiệu quả điều trị rất nhiều bệnh.
Cấu tạo của hạt sen như sau: Hạt hình trái xoan, dài 1,1 – 1,3 cm. Đường kính 0,9 – 1,1 cm, mặt ngoài còn màng mỏng màu nâu, có nhiều đường vân dọc, ở đầu trên có núm màu nâu sẫm. Bóc màng ngoài màu nâu để lộ 2 lá mầm bằng nhau và xếp úp vào nhau, màu trắng ngà, hạt chứa nhiều tinh bột. Giữa 2 lá mầm có 2 đường rãnh dọc đối xứng nhau. Chồi mầm (hay gọi là tâm sen) màu xanh lục, nằm ở giữa đường rãnh dọc của 2 lá mầm.
Hạt sen rất giàu dinh dưỡng, thành phần chính là chứa tinh bột, ngoài ra còn có Protein 14,8% (gồm các acid amin, threonin 2,42%; methionin 0,82%; leucin 3,23%; isoleucin 1,11%; phenylalanin 12,64%), dầu béo 2,11% gồm các loại acid béo, cùng một số khoáng chất cần thiết như phốt pho, canxi, natri và kali.
Theo Y học cổ truyền, vị thuốc Liên nhục có vị ngọt, tính bình, Quy vào kinh Tâm, Thận, Tỳ.
BS Hằng cho biết, hạt sen trong Đông y có công dụng ích thận, bổ tỳ, sáp trường, an thần, dưỡng tâm, cố tinh, với các tác dụng bổ khí huyết, thanh tâm, thanh hỏa, hóa ứ, mạnh tỳ, trừ nhiệt, chỉ khát. Dùng lâu sẽ giúp trị mộng mị, bổ tâm an, cố tinh, dưỡng sinh cơ, ích tỳ sáp trường, ích khí lực, giao tâm thận, cường gân cốt, lợi nhĩ mục, trừ hàn thấp…
Hạt sen chủ trị: Suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, cơ thể yếu, mất ngủ, ăn kém, di mộng tinh, băng lậu, tâm phiền và chứng ăn uống không tiêu. Ngoài ra hạt sen còn được dùng để bồi bổ sức khỏe cho người cao tuổi, phụ nữ sau sinh và người bị bệnh nặng lâu ngày. Có thể phối hợp với các vị thuốc như sau:
Dưỡng tỳ, trị biếng ăn, tiêu hóa kém, tiêu chảy mãn tính do tỳ khí suy yếu không chuyển hóa được thấp ở đại trường. Dùng với Nhân sâm, Bạch truật, Hoài sơn.
Dưỡng thận, trị xuất tinh sớm, di tinh, dưỡng tân dịch. Dùng với Sa uyển tử, Thỏ ty tử, Liên tu và Lộc nhung.
Dưỡng tâm an thần, trị hay bị tâm phiền, hồi hộp, bứt rứt, mất ngủ, khó ngủ, hay mộng mị. Dùng với Mạch môn đông, Bá tử nhân, Phục thần, Trân châu mẫu, Toan táo nhân.
Theo y học hiện đại, hạt sen có mùi thơm đặc trưng và thành phần glicozit trong hạt sen có tác dụng an thần, tăng bài tiết insulin nhằm thúc đẩy sản sinh 5-hydroxytryptamine giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Với hàm lượng chất chống oxy hóa cao, hạt sen có khả năng ngăn ngừa các tác động có hại của gốc tự do và kiểm soát tiến triển của các bệnh mãn tính.
Ngoài ra, hạt sen còn chứa kaempferol – một flavonoid tự nhiên có tác dụng chống viêm và hạn chế cơn đau do viêm khớp mãn tính. Một số hoạt chất trong hạt sen có tác dụng chống thiếu máu cơ tim, hạ huyết áp, ức chế sự co thắt của tim và chống lại hoạt động bất thường của tim. Enzyme L-isoaspartyl methyltransferase trong hạt sen có tác dụng sửa chữa các protein bị hư hại và chống lão hóa.
Cách chế biến hạt sen người dân có thể sử dụng các món hạt sen tần gà ác, hạt sen nấu long nhãn, hạt sen nấu cháo.
Khi sử dụng hạt sen, BS Hằng lưu ý, người đang bị táo bón hoặc táo bón mãn tính không nên sử dụng.
Hạt sen được sử dụng phổ biến trong nhiều bài thuốc chữa bệnh và món ăn bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên khi có triệu chứng khó chịu trong người bạn vẫn cần đi khám chữa bệnh để bác sĩ có những lời khuyên phù hợp.