Lời toà soạn: Được sự đồng ý của nhân vật, báo VietNamNet đăng tải câu chuyện của một người phụ nữ có HIV nhưng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, xây dựng một tương lai hạnh phúc cho mình và các con. Một số chi tiết trong câu chuyện đã được thay đổi để bảo vệ danh tính của nhân vật.
Tôi năm nay 40 tuổi, sinh ra trong một gia đình thuần nông có 5 anh chị em. Tôi là út. Học xong phổ thông, tôi đi học trung cấp rồi đi làm.
Sau 2 năm yêu đương, tôi cưới một người đàn ông và sinh bé gái đầu lòng.
|
Ảnh minh hoạ: CNA |
Nói về chồng - chính xác là chồng cũ của tôi - một chút. Anh nhỏ hơn tôi 3 tuổi, là con thứ 2. Gia đình anh khá giả và là dân thành phố. Khi đồng ý lấy anh, tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng anh rất yêu mình, và cực kỳ chung thuỷ.
Quá khứ của chồng như thế nào tôi không hề biết, nói chính xác là không quan tâm vì đơn giản nghĩ rằng quá khứ của anh không có mình ở đó thì hà cớ gì mình phải bận tâm cho mệt. Nhưng đây cũng là điều tôi luôn suy nghĩ và tiếc nuối.
Về sau khi đã biết mình mắc bệnh, tôi mới biết thời thanh niên anh từng chích heroin và có quan hệ yêu đương với một cô gái làng chơi.
Năm 2008, bạn gái cũ của anh chết, nhưng anh cũng không mảy may quan tâm tại sao cô ấy chết.
Cho đến năm 2009, anh bị bệnh gan và phổi, phải nhập viện. Mọi bi kịch được mở ra từ đây.
Anh được phát hiện nhiễm HIV. Khi được bác sĩ gọi vào phòng và thông báo bệnh của chồng, tôi đã rất sốc. Tôi vội về nhà đưa con gái đi xét nghiệm với hy vọng mong manh con không bị làm sao. Nhưng với linh cảm của một người mẹ, tôi mơ hồ đoán ra tôi và con đã nhiễm bệnh.
Nghiệt ngã thay, linh cảm của tôi chính xác.
Cầm tờ giấy xét nghiệm, tôi đi bộ từ đường Paster (TP.HCM) về Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch trong vô định, vừa đi vừa khóc trong đau đớn, cam chịu.
Thời gian đó, chồng tôi đang nằm viện. Mải chăm chồng, có những khoảnh khắc tôi đã quên mất căn bệnh của mình. Sau 20 ngày chồng ra viện về nhà, tôi chỉ còn 34kg. Lúc này, tôi mới nghĩ đến việc lỡ ai đó biết mình có bệnh thì sẽ thế nào và con gái tôi sẽ sống ra sao.
Nghĩ đến viễn cảnh ấy, tôi có dặn dò mẹ chồng rằng nếu tôi không thể sống được thì nhờ bà chăm sóc cháu. Lúc ấy, con gái tôi mới được 3 tuổi.
Đó là những ngày tháng tôi không bao giờ quên được. Đi làm về là tôi ngồi một góc khóc, ăn cơm xong về phòng, tôi lại khóc.
Chiều hôm đó, chị đồng nghiệp kéo tôi lại hỏi “chồng mày đỡ chưa, mà nó bị bệnh gì vậy?”. Rồi chị dặn, “dù thế nào mày cũng phải giữ sức khoẻ cho mày, còn con mày nữa. Nhìn mày như sắp chết đến nơi”.
Tôi nghe chị động viên chỉ cười rồi về nhà. Leo lên phòng thay đồ thì thấy bọc thuốc của chồng để đầu giường. Tôi rơi nước mắt rồi nuốt hết chỗ thuốc ấy. Lên giường nằm, tôi lịm dần đến 3 giờ sáng thì tỉnh. Đó là lần đầu tiên tôi tử tự không thành.
Trong đầu tôi chỉ xoay quanh một câu hỏi: Tại sao ông trời lại đối xử với mình như vậy? Tôi cũng học hành đàng hoàng, sống tử tế mà sao lại mắc phải căn bệnh cả xã hội kỳ thị và xa lánh?
Tôi, khi đó, đang là niềm tự hào của cha mẹ ở quê nên tôi quyết định không nói cho gia đình biết. Sự thật ấy được giấu kín cho tới tận bây giờ khi tôi đã sống rất xa họ.
Sau 3 lần tự tử không thành, tôi biết cuộc đời mình sẽ gắn liền với căn bệnh. Mẹ chồng tôi - người duy nhất biết mẹ con tôi mắc bệnh - cũng động viên tôi rất nhiều. Bà hay kể cho tôi nghe chuyện người này người kia mắc bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn qua đời để tôi hiểu rằng căn bệnh của tôi dù chưa có thuốc chữa nhưng vẫn có thể sống khoẻ mạnh dài lâu.
Thực ra, có lẽ do cay đắng trước số phận, tôi quyết định mình không thể chấp nhận chết một cách oan ức như thế. Tôi bắt đầu sống vui vẻ hơn, cởi mở hơn, tập thể dục và ăn uống điều độ hơn. Từ 40kg, tôi tăng lên 52kg trong vòng 5 năm.
Vừa cố gắng đưa cuộc sống của 2 mẹ con trở lại bình thường, vừa điều trị bằng thuốc ARV, kháng thể của tôi tăng từ 5% lên 20%. Cũng trong thời gian đó, tôi vừa làm việc ở cơ quan vừa kinh doanh nhà đất. Sau 4 năm mắc bệnh, tôi đã xác định mục tiêu sống của mình là phải kiếm tiền và tiết kiệm để chữa bệnh.
Từ một người không biết một chữ tiếng Anh, tôi tự học tiếng Anh để chuẩn bị sau này đưa con ra nước ngoài chữa bệnh. Có duyên trong việc buôn bán bất động sản, nhờ vốn được mẹ chồng hỗ trợ, tôi đã sở hữu vài căn nhà vừa ở vừa cho thuê.
Năm 2015, tôi quyết định sinh bé thứ 2. Được bác sĩ tư vấn, tôi sinh con khoẻ mạnh không bị nhiễm bệnh. Con là động lực để tôi sống và tiếp tục cố gắng. Nhưng chồng tôi, một công tử đúng nghĩa, một lần nữa lại khiến cuộc đời mẹ con tôi điêu đứng.
Khi biết mình bị bệnh, anh không lo làm ăn tích cóp để dành tiền chữa bệnh, mà ngược lại anh muốn ăn chơi, tiêu xài cho hết tiền, với quan niệm cả nhà mắc bệnh, có ai sống thọ đâu mà tiết kiệm.
Anh chơi đề, vé số, cá độ, cứ vài tháng lại mất đôi ba trăm triệu là chuyện thường. Tình cảm vợ chồng tôi dần nhạt, sống với nhau chỉ vì con.
Cuối năm 2017, anh đột nhiên biến mất. Sau 2 ngày, anh nhắn tin cho tôi thông báo đang nợ giang hồ 13 tỷ đồng.
Tôi chẳng biết nói gì, chỉ nói anh về nhà cùng suy nghĩ và giải quyết. Anh về, tôi nói anh bán hết nhà cửa, tài sản để trả nợ. Cái quan trọng tôi muốn giữ là gia đình cho 2 con.
Những tưởng sóng gió đã qua, nhưng rồi anh lại làm tôi thất vọng. Anh vẫn lao vào cá độ. Dân xã hội đen đến nhà đòi tiền tôi mới biết anh đã nợ thêm 3 tỷ đồng.
Ngay hôm sau, tôi nộp đơn ra toà đơn phương ly hôn. Tài sản mất trắng, tôi dắt 2 con ra đi, không nhà, không người thân, trong tay chỉ còn 500 triệu. Cộng với số tiền 1 tỷ đồng vay bạn bè, tôi bắt đầu lập nghiệp ở một nơi rất xa, nơi không ai biết mẹ con tôi là ai.
Bây giờ, sau 3 năm ly hôn, tôi đã gây dựng lại cơ nghiệp. Tôi trả hết nợ, thuê đất và xây nhà nghỉ với 15 phòng, kinh doanh thêm một quán cà phê nhỏ.
Tôi cho con gái biết về căn bệnh của mình năm cháu học lớp 2. Cháu bình tĩnh đón nhận nó nhưng sinh ra với nỗi bất hạnh ấy, cháu trầm tính, khép mình và ít bạn bè. Dù vậy, về cơ bản, 3 mẹ con tôi vẫn đang tận hưởng cuộc sống vui vẻ bên nhau.
Cho đến tận bây giờ, mỗi lần ngồi nhìn con gái, tôi vẫn đau một nỗi đau không thể xoá hết. Nhưng tôi vẫn luôn dạy con không được hận ba. Nhưng nói vậy thôi, tôi vẫn cảm thấy chúng tôi nợ con thật nhiều.
Để được an nhiên tận hưởng cuộc sống như ngày hôm nay, mẹ con tôi đã trải qua những ngày tháng đắng cay và cô đơn đến cùng cực. Tôi nhớ có những đêm 30 Tết ngồi trong góc phòng, tôi chỉ muốn gọi về cho ba mẹ, nói một câu rằng con sắp chết.
Có những ngày tháng tôi sợ cả chính mình, chỉ vì muốn con được sống mà nỡ ra tay đánh con khi con không thể nuốt nổi những viên thuốc ARV to bằng ngón tay.
Hiện tại, cuộc sống của 3 mẹ con tôi đã ổn. Tôi đã biết yêu bản thân, biết chăm sóc và hưởng thụ, biết tự an ủi rằng đó là số phận.
Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng tôi tự nhủ chắc chắn ông trời luôn công bằng, không lấy hết của bất kỳ ai.
Mơ ước lớn nhất của tôi bây giờ là sớm có thuốc chữa bệnh cho con. Tôi biết ước mơ ấy không dễ trở thành hiện thực nhưng tôi vẫn luôn giữ một niềm hi vọng. Tôi luôn tin, tương lai của con tôi vẫn đang rộng mở phía trước. Và tôi luôn cầu mong mình sẽ khoẻ mạnh để đồng hành cùng hai con trong những ngày sắp tới.