Tôi 34 tuổi, cao 1,72 m, nặng 53 kg, thể trạng hơi gầy, ít tập thể dục nhưng không hút thuốc lá. Tuy nhiên, khi đi khám, tôi vẫn bị chẩn đoán bị máu nhiễm mỡ. Liệu người gầy vẫn mắc loại bệnh này, thưa bác sĩ?
Thạc sĩ, bác sĩ Lý Hoàng Anh - khoa Phẫu thuật tim trẻ em, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
Máu nhiễm mỡ (thường còn gọi là rối loạn lipid máu hay mỡ máu cao) là loại bệnh phổ biến trong giai đoạn hiện nay.
Bệnh nhân rất khó tự phát hiện mình bị máu nhiễm mỡ do các triệu chứng của bệnh này rất âm thầm.
Khi lượng mỡ trong máu cao vượt ngưỡng bình thường và trong thời gian dài, sẽ dẫn đến tình trạng thay đổi cấu trúc thành mạch máu dẫn đến bệnh lý tăng huyết áp. Lúc này, bệnh nhân thường có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt.
Một số trường hợp mỡ máu cao gây ra các mảnh xơ vữa trong lòng mạch vành. Chúng gây hẹp mạch vành và dẫn đến xuất hiện các triệu chứng đau ngực, vã mồ hôi. Thậm chí nhồi máu cơ tim cấp khi các mảng xơ vữa bong tróc gây bít tắc lòng mạch vành.
Nếu tình trạng tắc hẹp xảy ra ở mạch máu não do máu nhiễm mỡ cao và không được kiểm soát tốt, người bệnh có thể có các triệu chứng đau đầu, chóng mặt do thiếu máu não. Nặng nề hơn là yếu liệt khi não bị tổn thương do tưới máu não kém.
Bệnh mỡ máu cao không được kiểm soát tốt có thể gây ra các bệnh lý khác như tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ hay hẹp mạch máu não có thể dẫn đến triệu chứng nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mỡ máu cao là chế độ ăn uống nhiều chất béo bão hòa. Người có thể trạng béo mập, gầy gò, thậm chí là cả người ăn chay cũng có thể bị máu nhiễm mỡ nếu ăn quá nhiều chất béo bão hòa hoặc thực phẩm đóng hợp có nhiều dầu.
Bên cạnh đó, những người thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu, gặp căng thẳng kéo dài và lười tập thể dục cũng dễ có nguy cơ bị máu nhiễm mỡ.
Ngoài ra, các bệnh nhân nữ sau 45 tuổi thường có hàm lượng mỡ máu cao hơn bình thường do bắt đầu bước vào độ tuổi mãn kinh, nồng độ triglyceride và cholesterol xấu ở nữ giới tăng cao.
Di truyền cũng là một yếu tố khác khiến người bệnh bị mỡ máu cao.
Vì vậy, để có được một sức khoẻ tốt, theo khuyến cáo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, mỗi người từ 20 tuổi nên kiểm tra cholesterol và các nguy cơ bệnh lý khác sau mỗi 4-6 năm. Và đặc biệt, phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh cũng cần được kiểm tra cholesterol máu mỗi năm.
Pha cà phê sai cách dẫn đến thảm họa dinh dưỡng
Nếu bạn là người cuồng cà phê thì không thể bỏ cuốn sách Thánh kinh của những tín đồ cà phê. Trong sách này, tác giả Bob Arnot đã chỉ ra nhiều lợi ích của việc uống cà phê như giảm nguy cơ ung thư, ngừa bệnh tiểu đường, giảm cân... Ngoài ra, để có cốc cà phê thơm ngon và bổ dưỡng, ông còn hướng dẫn cách chọn công cụ pha chế, cách ướp lạnh hạt cà phê, tỷ lệ pha với nước và nhiệt độ thích hợp.