7 năm sống ngoài hè ngôi nhà do chính mình xây
20 năm làm trong công việc này, tiếp xúc và hỗ trợ hàng trăm, hàng nghìn nạn nhân bạo lực gia đình, chị Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA (Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới) đến giờ vẫn không thể quên một thành viên của câu lạc bộ “Cùng sẻ chia”. Khi đến với câu lạc bộ, Huệ là một phụ nữ rụt rè, khép kín, luôn chui vào trong xó phòng. Cả người chân tay mặt mũi Huệ khi nào cũng thâm tím. Cô không nói, không cười, không giao tiếp.
Huệ khoảng 35 tuổi, vốn là văn công quân đội, khá xinh, lấy chồng là một luật sư. Chồng bảo bỏ việc ở nhà chồng nuôi nên Huệ nghỉ. Rồi chồng Huệ ngoại tình với cháu gái của cô. Bị vợ phát hiện, người chồng luật sư đánh vợ liên tục, khi làm tình thì vừa làm vừa bắt cô phải đếm. Có lần Huệ đã bị băng huyết phải đi bệnh viện cấp cứu vì "đòn tình dục" của chồng.
|
Bạo lực gia đình xảy ra ở ngay cả gia đình trí thức (ảnh minh họa) |
Huệ bị đuổi ra khỏi ngôi nhà mà chính cô xây dựng, ở ngay bên hè suốt 7 năm cho đến khi tham gia câu lạc bộ. Thế nhưng, cuộc sống của cô vẫn không yên ổn, chồng cô đi qua thấy nồi cơm của vợ đang sôi bèn xúc một xẻng cát đổ vào. Thậm chí, có lần anh còn xúc 1 bãi phân chó vứt vào đống chăn của vợ.
“Cô ấy đâm đơn ly dị không ít lần nhưng vì hoà giải, vì người chồng không chấp nhận nên cô tiếp tục cảnh sống mà như chết. Phải mất gần 1 năm được hỗ trợ, cô mới đủ sức mạnh để tin rằng mình là người có quyền được sống đàng hoàng và không lệ thuộc. Thay vì khóc lóc, cô đã quyết tâm ly dị được chồng, có một gánh hàng nước nho nhỏ đủ sống và chỉ xin sống dưới gầm cầu thang nhà chính mình”- chị Vân Anh kể lại.
Và cuộc đời lại hồi sinh
Đến giờ, sau hơn một năm tự thoát ra cảnh bị bạo lực, Huệ đã tươi vui trở lại. Trên bàn nơi góc nhà, hàng ngày có thêm lọ hoa tươi được Huệ nhặt về từ những xe hoa ế ở chợ. Thậm chí, kể về những ngày tháng tủi nhục ấy, từng câu chữ của Huệ cũng nhẹ nhàng hơn, không còn run rẩy, uất nghẹn như trước nữa.
Để làm được điều này, chị Vân Anh cho biết, Huệ đã tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ nạn nhân – nơi CSAGA khởi xướng (chỉ dành cho những nạn nhân mà không có cán bộ và những người luôn hạnh phúc gồm 40 chị trong suốt 3 năm). Đồng thời, hội phụ nữ, cơ quan công an, tòa án nơi Huệ sinh sống đã tích cực thay đổi và hỗ trợ cho Huệ.
Nói về những thận phận người phụ nữ bị bạo hành, chị Nguyễn Vân Anh chia sẻ, chừng nào người trong cuộc không đứng lên thì không ai có thể giúp. Nhưng để những chị em khổn khổ đó dám đứng lên thì họ phải có đươc niềm tin rằng họ không đơn độc, rằng họ sẽ không bị phán xét bởi những người xung quanh, bởi chính những người phụ nữ bên cạnh họ. Họ có thể không sợ những kẻ bạo hành kia bằng sự ghẻ lạnh, thờ ơ hay sự chối bỏ của những người thân yêu và những ánh mắt chê trách của những người xung quanh.
“Có những người bà, người mẹ, người cô, người chị đã từng cam chịu sự đau khổ nhưng đừng nghĩ rằng vì mình đã cam chịu thì mình có quyền đòi hỏi cháu gái, con gái, em gái của mình cũng phải chịu đựng như mình kiểu: "mẹ mà không chịu đựng bố con thì làm gì có con hôm nay". Hay những người bạn gái, những nữ đồng nghiệp, và những phụ nữ hàng xóm ... đừng thầm hả hê khi một người chị em của mình bị hành hạ và chớ nghĩ rằng mình tốt hơn, mình sẽ không bao giờ bị như vậy ... Tôi mong muốn chúng ta đừng ngoảnh đi, đừng chối bỏ, đừng lên án. Nếu là bà, là mẹ, là chị, hãy lắng nghe, hãy bao bọc, động viên và đứng về phía con em mình. Nếu là bạn, là đồng nghiệp, là hàng xóm, hãy cảm thông, chỉa sẻ, an ủi và cứu giúp nếu cần”- chị Nguyễn Vân Anh chia sẻ.