Gạo Tám xoan Hải Hậu là một đặc sản truyền thống nổi tiếng, được sản xuất trong một khu vực địa lý của huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Từ thời phong kiến, gạo Tám xoan Hải Hậu đã được dùng để cung tiến triều đình, nổi tiếng là gạo tiến vua. Ngày nay, gạo Tám xoan Hải Hậu vẫn duy trì được danh tiếng và được người tiêu dùng ưa chuộng. Loại gạo đặc sản này là niềm tự hào của bà con quê hương Hải Hậu, Nam Định.
Năm 1935, nhà nông học người Pháp René Dumont đã nghiên cứu rất kỹ về lúa Tám Xoan tại vùng đất Hải Hậu. Hạt gạo dài, trong, có mùi thơm rất đặc biệt, không một loại gạo nào có được, Tám Xoan cây cao hơn, bông dài và nhiều hạt hơn so với các loại Tám khác. Tám Xoan phải được canh tác trên những vùng đất tốt và tương đối khó trồng, hàm lượng đạm trong gạo phụ thuộc nhiều vào khả năng điều tiết nước trong ruộng ở cuối giai đoạn phát triển của lúa.
|
Gạo Tám xoan Hải Hậu rất nổi tiếng. Ảnh: Yêu Trẻ. |
Bao đời nay, người dân vùng đồng bằng Bắc bộ đều gọi loại gạo đặc sản của đồng ruộng hai bên bờ sông Ninh Cơ, Hải Hậu với cái tên giản dị và mộc mạc: gạo Tám xoan. Hạt gạo Tám xoan thon, dài mỏng mình, mầu trắng xanh xanh, chỉ cần một vốc gạo nhỏ đem nấu đến khi hé mở nắp vung là thơm lừng từ trong nhà ra ngoài ngõ.
Gạo tám Hải Hậu có hương thơm của những chắt chiu hôm sớm ngoài đồng, có vị ngậy, dẻo, mềm và đặc biệt, màu gạo khi thành cơm trắng nõn nà, chỉ nhìn thôi đã muốn ăn rồi. Cơm tám dù ăn nóng hay ăn nguội cũng đều rất ngon miệng. Cơm nóng ăn với cá kho khô là nhất. Nhà nghèo ăn cơm tám với muối vừng, ăn mãi cũng không chán. Điều đặc biệt của cơm tám là rất dẻo, thơm, nên để lâu cũng không bị khô hay mất đi hương vị vốn có, vì vậy người nông dân có thể ăn cơm bất cứ khi nào đói.