Trở thành osin vì "nghĩa vụ con dâu, vợ"
Chị T.T (27 tuổi, Quảng Ninh) kể, hồi yêu nhau, chị được người yêu cưng chiều hết mức nhưng khi lấy nhau thì hoàn toàn khác.
Sinh con được một tháng, mẹ chồng chị T lăn ra ốm. Từ đó, mọi việc trong nhà giao cả cho chị. Dù bố mẹ chồng cho căn nhà ba tầng khang trang sát cạnh để hai vợ chồng ở riêng, nhưng chẳng khác nào ở chung, chỉ "nhân đôi việc nhà" cho chị. Mẹ chồng từ ngày ốm, chỉ ngồi một chỗ, chăm mẹ, chăm con, chị T gần như không còn thời gian nghỉ ngơi.
Chị kể, nhà chồng giàu có, nhưng khi tôi chưa đi làm lại thì bị nói bóng gió là ăn bám, còn đi làm lại thì bị nói là "chả kiếm ra mấy đồng". Chồng tôi đi làm về sớm cũng chẳng buồn cắm nồi cơm, chỉ đợi vợ về nấu. Bao nhiêu việc nhà đều đến tay tôi, tôi đi làm về muộn là bị mẹ chồng mang ra nói mát, còn chồng thì tra hỏi. Tôi thật sự mệt mỏi. Ở nhà, tôi chả khác gì osin.
|
Tỉnh táo để nhận ra mình là nạn nhân bị bạo hành tinh thần. |
Bị mất quyền tự do
Là giáo viên hợp đồng cho một trường cấp 1, nhưng sau khi sinh xong, công việc ở trường cũ của chị cũng mất. Biết chị có ý định đi xin việc lại, bố mẹ chồng phản đối, muốn chị ở nhà trông con, làm việc nhà.
Khi chị nhất quyết đi làm, nhờ quan hệ bên ngoại xin hợp đồng một nơi mới, chị muốn thuê giúp việc, thì bố mẹ chồng không cho, yêu cầu chị muốn đi làm thì đi nhưng không được thuê người, phải tự làm hết việc nhà.
Nhận ra mình là nạn nhân bị bạo hành tinh thần
"Với chồng, tôi chẳng khác nào món đồ của anh. Xưa yêu anh nâng niu chiều chuộng tôi bao nhiêu thì giờ tệ bấy nhiêu. Anh không hề biết xót vợ gì. Thậm chí còn thường xuyên mắng mỏ, xỉ vả tôi" - Chị T kể, anh gần như "quản lý" thời gian của chị, ngoài đi làm, anh không bao giờ cho chị đi đâu buổi tối một mình.
Có lần, anh cùng con đưa chị đến thăm sếp ốm, chỉ phải đợi 30 phút mà anh "điên tiết", chửi mắng chị thậm tệ, khiến chị chỉ biết im lặng khóc, đặc biệt là khi đó lại đang ở ngay trước cửa nhà phụ huynh lớp chị.
Chuyên gia nói gì?
Nói về trường hợp của chị T, chuyên gia Vũ Đình Long (văn phòng tư vấn Hôn nhân và Gia đình Uông Bí, Quảng Ninh) cho biết: Bạo lực gia đình đã tồn tại từ rất lâu, và cho đến nay vẫn là vấn đề nan giải đối với các cơ quan chức năng. Ngoài những trường hợp thành tội rõ ràng bị đưa ra ánh sáng, còn rất nhiều các trường hợp không thể đưa ra luận tội vì lí do chưa đủ bằng chứng cấu thành tội, hoặc mức độ vi phạm còn nhẹ.
Ví dụ như trường hợp của chị T. Khi nghe câu chuyện của chị, mọi người chưa cảm thấy chị T bất hạnh hay thấy căm ghét người chồng và gia đình chồng chị. Thậm chí nhiều người còn cho đó là việc quá bình thường không đáng nói. Trên thực tế, những người rơi vào hoàn cảnh như chị T rất nhiều. Họ không đủ lý do để kiện, để đòi bảo vệ. Chính vì vậy, họ vẫn phải hoặc âm thầm chịu đựng không dám chia sẻ cùng ai, hoặc quyết ly hôn tìm cho mình chốn thanh thản.
Trong hoàn cảnh hiện tại, chị T nếu muốn tiếp tục giữ gìn tổ ấm của mình mà vẫn có thể thoải mái trong tư tưởng, chị cần nói chuyện thẳng thắn với chồng mình và tìm tiếng nói chung với gia đình chồng. Trong cuộc sống luôn cần sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau giữa nam giới và nữ giới. Phụ nữ cần biết lên tiếng khi cảm thấy mình bị coi thường, và đàn ông, trên hết cần biết tôn trọng và yêu thương người phụ nữ của mình. Có như thế, bạn mới có một gia đình hạnh phúc đúng nghĩa.
Mời quý độc giả xem video hài hước về ngoại tình (nguồn Youtube):