Trước 2 ngày đến bệnh viện, chị Đỗ Hồng Minh (30 tuổi) bị đỏ hai mắt, ghèn ùn ứ. Vùng da gần mắt nổi mẩn đỏ, mắt sưng phù, xung huyết kết mạc, tổn thương biểu mô giác mạc. Sau đó, những nốt ban đỏ xuất hiện rải rác toàn thân, vùng da xung quanh mắt lở loét. Tình trạng lở loét còn xuất hiện ở mũi, miệng và bộ phận sinh dục... Chị Minh uống thuốc chống dị ứng nhưng bệnh không giảm và nhập viện khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Cấp cứu vì loét nhiều vị trí trên cơ thể
Nhận định về trường hợp của chị Minh, ThS.BS.CKI Nguyễn Ngọc Nhã Khanh cùng ê-kíp cấp cứu cho biết các nốt ban đỏ xuất hiện trên hai cánh tay, hai chân không giống nổi mề đay do dị ứng thông thường mà là những bóng nước. Người bệnh đang uống thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, chống viêm không steroid để trị viêm xoang và đau nhức tay.
“Kết hợp những dấu hiệu và biểu hiện lúc nhận bệnh, chúng tôi nghi ngờ người bệnh có khả năng mắc hội chứng Steven Johnson. Đây cũng là một tình trạng dị ứng nhưng nặng hơn”, bác sĩ Khanh cho biết.
Kết quả xét nghiệm máu ghi nhận tình trạng nhiễm trùng. Một phác đồ cấp cứu cho hội chứng Stevens Johnson được thiết lập. Người bệnh được sử dụng thuốc kháng viêm, kháng histamin và chuyển lên khoa Nội tổng hợp, phối hợp với bác sĩ chuyên khoa Mắt, chuyên khoa Da liễu cùng điều trị.
|
Sau 5 ngày điều trị, người bệnh đã phục hồi và xuất viện. Ảnh: BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
|
ThS.BS.CKI Nguyễn Văn Tú - khoa Nội tổng hợp, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân - chia sẻ sau 3 ngày điều trị bằng corticoid liều trung bình đường tiêm tĩnh mạch, kháng histamin, bù nước điện giải... tình trạng bệnh đã chuyển biến tốt: Bóng nước xẹp, tình trạng loét miệng, mũi, âm đạo dần cải thiện.
Thuốc chống dị ứng được chuyển từ đường tiêm sang đường uống. Đến ngày thứ 5, người bệnh hồi phục, các bóng nước đã đóng mài đen, lành dần và tróc vảy, chỗ loét miệng dần lên da non. Một ngày sau đó, người bệnh xuất viện.
Bệnh hiếm gặp, tử vong cao
Theo bác sĩ Tú, hội chứng Steven Johnson hiếm gặp, tỷ lệ 2/1.000.000 người nhưng tới 5-30% ca tử vong tùy mức độ tổn thương. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là lở loét ở các lỗ tự nhiên của cơ thể như mắt, mũi, miệng, họng, đường tiểu… Nữ giới có thể loét âm hộ, chảy máu. Với nam giới, ngoài những vị trí thông thường, người bệnh còn có thể bị loét ở vị trí đường tiểu, gây rát, buốt khi đi tiểu. Những trường hợp nặng có thể ảnh hưởng tới hô hấp, thần kinh.
Nguyên nhân thường gặp của hội chứng này là phản ứng dị ứng với thuốc. Tất cả loại thuốc đều có nguy cơ gây dị ứng với mức độ khác nhau. Một số loại thuốc có nguy cơ cao gây ra hội chứng này, bao gồm: Allopurinol, Trimethoprim-sulfamethoxazole và các kháng sinh sulfonamid khác, aminopenicillin, cephalosporin, quinolon, carbamazepine, phenytoin, phenobarbital và nhóm thuốc kháng viêm không steroid.
Những nguyên nhân ít gặp khác bao gồm nhiễm virus (Herpes, HIV, viêm gan A), mắc bệnh nhiễm khuẩn (viêm não, viêm màng não, nhiễm khuẩn răng miệng, viêm phổi), mắc bệnh ký sinh trùng, bệnh miễn dịch (lupus ban đỏ…), rối loạn nội tiết trong thời kỳ mang thai/rối loạn kinh nguyệt…
Thời gian xảy ra dị ứng tùy vào loại thuốc và phản ứng của người bệnh. Phản ứng phản vệ cấp thường xảy ra trong vòng 30 phút đến 1 giờ sau khi uống hoặc chích thuốc, chỉ số ít xảy ra vào ngày thứ 2 sau khi tiếp xúc với dị nguyên. Còn hội chứng Steven Johnson, đa số triệu chứng biểu hiện sau vài ngày. Tuy nhiên, có trường hợp hiếm gặp gần 2 tháng kể từ khi uống thuốc, thời gian khởi phát trung bình là 5 ngày với mức độ tổn thương da, niêm mạc nặng hơn. Bệnh có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn tuổi.
Ở bệnh nhân Minh, tình trạng phản ứng xảy ra sau 4-5 ngày dùng thuốc kháng viêm Meloxicam. Trong quá trình điều trị, người bệnh còn cảm thấy đau đớn, khó khăn khi ăn uống do bị loét môi. Bác sĩ da liễu phối hợp thăm khám, xem xét kỹ hơn về tình trạng ban đỏ và chỉ định bệnh nhân dùng thuốc bôi để giảm đau, nhanh liền vết thương, giúp người bệnh ăn uống dễ dàng hơn. Ngoài ra, người bệnh còn bị nhiễm trùng đường tiểu với biểu hiện tiểu rát buốt và được điều trị bằng kháng sinh.
TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM lưu ý thêm, người bệnh Steven Johnson sau khi điều trị khỏi, xuất viện về nhà cần giữ sạch vùng da nổi bóng nước. Làm sạch nốt bóng nước bằng povidine hoặc xanh methylen khi bóng nước còn căng. Nếu nốt bóng nước đã đóng mài thì cần giữ vệ sinh sạch. Người bệnh cần ưu tiên ăn uống nhóm thực phẩm tăng sức đề kháng để cơ thể mau hồi phục.
Bác sĩ Ngọc Bích cảnh báo bất kỳ ai có biểu hiện nổi mẩn ngứa, nổi ban, bóng nước trên da khi uống thuốc phải ngưng uống tiếp và đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để hạn chế nguy cơ bội nhiễm vi trùng, thậm chí tử vong. Với người bệnh từng bị phản ứng với một thuốc nào đó thì cần thông báo cho bác sĩ để tránh dùng lại thuốc đó.