Hôm 22/4, Bộ Công an khởi tố ông Nguyễn Nhật Cảm (Giám đốc CDC Hà Nội) cùng 6 bị can với cáo buộc câu kết, gian lận, thông đồng nâng khống giá mua Hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm Covid-19.
Vụ việc trên trở thành vấn đề được dư luận rất quan tâm, nhiều địa phương trong cả nước đồng loạt cho thanh, kiểm tra công tác mua máy xét nghiệm.
Quảng Ninh chỉ đạo thanh tra việc mua máy
Đây là địa phương đầu tiên yêu cầu rà soát thủ tục liên quan mua máy Realtime PCR tự động xét nghiệm và các thiết bị y tế liên quan phòng, chống dịch bệnh.
Cụ thể, ngày 24/4, khi có dư luận về việc tỉnh Quảng Ninh đầu tư mua hệ thống máy xét nghiệm virus SARS-CoV-2, cao hơn nhiều lần so với giá thực tế, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo Sở Y tế, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan rà soát lại toàn bộ hồ sơ, thủ tục trong công tác mua sắm thiết bị.
|
Hệ thống máy xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Hải Phòng. |
Tỉnh ủy Quảng Ninh giao Thanh tra tỉnh thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng ngân sách phục vụ phòng, chống dịch và vấn đề mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh của Sở Y tế. Nếu có vi phạm cần xử lý nghiêm tập thể, cá nhân theo quy định.
Về phía Sở Y tế Quảng Ninh, đơn vị khẳng định dù chưa có giá nhập khẩu chính thức, nhưng nhà cung cấp thiết bị báo bộ thiết bị này có giá thấp hơn khoảng 2 tỷ, so với máy mà CDC Hà Nội đã mua (7 tỷ).
Quảng Nam mua máy đúng quy định
Hai ngày sau khi vụ việc tại CDC Hà Nội bị phanh phui, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Y tế báo cáo việc mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR với giá 7,5 tỷ đồng để trang bị cho CDC Quảng Nam.
Trước đó, ngày 24/3, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt lựa chọn nhà thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Real-time PCR tự động. Dự toán chi cho Sở Y tế 7,56 tỷ đồng để mua thiết bị này.
Đến ngày 1/4, CDC Quảng Nam vận hành hệ thống máy xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Lãnh đạo Sở Y tế Quảng Nam khẳng định việc mua máy đúng quy định hiện hành và đã được UBND tỉnh đồng ý.
Về mức giá hơn 7,5 tỷ đồng cho bộ thiết bị, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam nói do hãng sản xuất hoặc nhà phân phối mua hàng về rồi định giá. Việc này tùy thuộc thị trường và loại máy móc được bán.
Hải Phòng phủ nhận mua máy giá 10 tỷ
Ngày 25/4, Sở Y tế Hải Phòng có báo cáo gửi Bộ Y tế trong đó khẳng định địa phương này chưa thực hiện việc mua sắm hệ thống máy Realtime PCR tự động.
Về việc thành phố đã tự trang bị và vận hành máy xét nghiệm Covid-19 đặt tại Trung tâm Y tế dự phòng từ ngày 21/3, đại diện Sở Y tế Hải Phòng cho biết đây là thiết bị đi mượn.
Còn trả lời trên một tờ báo điện tử thời điểm chuẩn bị vận hành máy xét nghiệm, Giám đốc Sở Y tế nói thành phố mua với giá gần 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó vị lãnh đạo này phủ nhận thông tin trên.
Đến ngày 26/4, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam, giao Sở Y tế phối hợp Sở Tài chính rà soát lại toàn bộ quy trình các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, tránh để xảy ra sai sót.
|
6 bị can liên quan sai phạm tại CDC Hà Nội. Ảnh: Bộ Công an.Nhiều nơi mua máy xét nghiệm giá rẻ |
Nhiều nơi mua máy xét nghiệm giá rẻ
Cũng trong ngày 26/4, lãnh đạo Sở Y tế 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị cho biết các địa phương này đều mua hệ thống máy xét nghiệm với mức giá chưa bằng 1/3 so với CDC Hà Nội.
Cụ thể, Sở Y tế Quảng Bình chọn mua máy của Đức. Sau khi tham khảo giá của một số nơi đã mua, đơn vị đưa ra hội đồng của Sở Tài chính để thẩm định. Sau đó, mức giá mà tỉnh phê duyệt mua máy khoảng 3 tỷ đồng gồm, giá máy hơn 1,6 tỷ, còn lại là hệ thống tách chiết và một số phụ kiện khác.
Còn Sở Y tế Quảng Trị cho hay họ mua máy xét nghiệm Realtime PCR và máy tách chiết mẫu tự động 32 lỗ để xét nghiệm Covid-19.
Theo thẩm định, máy xét nghiệm Realtime PCR có giá 1,65 tỷ đồng và máy tách chiết mẫu tự động 32 lỗ giá hơn 1 tỷ. Nhưng sau khi CDC Quảng Trị đàm phán, nhà cung cấp đã giảm giá các máy còn 1,5 tỷ và 650 triệu.
Bộ Y tế vừa gửi 2 công văn đến Sở Y tế các địa phương và nhiều bệnh viện đề nghị báo cáo kết quả mua sắm thiết bị.
Bộ Y tế đề nghị các nơi bổ sung số liệu và tổng hợp báo cáo kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động của hãng Quiagen (Đức) và toàn bộ các bộ phận cấu thành của hệ thống. Thời gian báo cáo bổ sung thêm gồm tất cả hợp đồng đã được ký trong 2 năm (từ 1/3/2018 đến 29/2).
Các tài liệu đề nghị photocopy, đóng dấu sao y bản chính và gửi kèm báo cáo về Bộ Y tế gồm: Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt; quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu; hợp đồng mua bán giữa các bên, tài liệu về thông số, tính năng kỹ thuật của hệ thống; catologue của thiết bị chính và các thiết bị thành phần của hệ thống, chụp ảnh của các thiết bị nêu trên.