Đối với các chuyên gia tâm lý, quy tắc "không liên lạc" được xem là cách nhanh và hiệu quả nhất để bạn có thể chữa lành trái tim, giữ mọi thứ không phức tạp và thôi thúc bạn tiến về phía trước.
Nếu bí mật của một mối quan hệ lâu dài là sự giao tiếp chân thành thì bí mật của một cuộc chia tay hiệu quả chính là cắt đứt liên lạc. Việc phớt lờ người yêu cũ chẳng bao giờ là dễ dàng, vì vậy hãy lưu ý những lời khuyên dưới đây để hiểu rõ hơn và biết được cách áp dụng quy tắc "không liên lạc" sao cho hiệu quả nhất.
Quy tắc "không liên lạc" ("no contact") có nội dung chính xác như tên gọi của nó – cắt đứt mọi liên lạc với người yêu cũ sau khi chia tay, điều này bao gồm việc không nhắn tin, gọi điện, email, "like" bài trên mạng xã hội, gặp mặt trực tiếp và thậm chí là không âm thầm xem trang cá nhân ("stalk") đối phương.
|
Khi quyết định buông tay nhau, dù đau lòng như thế nào bạn cũng cần phải chấp nhận sự thật: mối tình ấy đã kết thúc. Ảnh minh họa |
Leanna Stockard, nhà trị liệu hôn nhân và gia đình tại LifeStance Health (Mỹ) cho biết: "Ngoài việc cắt đứt liên lạc trực tiếp với người cũ, bạn cũng không nên theo dõi bạn bè chung của cả hai để tìm hiểu bất kỳ thông tin nào về cuộc sống của người ấy".
Mặc dù đôi khi bạn chắc chắn sẽ nghĩ đến người yêu cũ, nhưng việc loại bỏ mọi "dây mơ rễ má" có thể giúp giảm bớt ý nghĩ cứu vớt những kỷ niệm xưa cũ và ý định hàn gắn. Và nó sẽ chỉ khiến hai bạn càng chìm đắm sâu hơn vào những điều mập mờ không rõ ràng.
Tiến sĩ Ernesto Lira de la Rosa, nhà tâm lý học của quỹ Nghiên cứu hy vọng về trầm cảm cho biết thấy khó chịu, buồn bã, lo lắng, tuyệt vọng, bất lực và bối rối sau khi chia tay là bình thường.
Khi không liên lạc với người cũ, bạn cho phép mình có thêm thời gian xử lý một cách lành mạnh sự mất mát và đau buồn trong mối quan hệ. Cuối cùng, nó có thể giúp bạn hàn gắn trái tim, chấp nhận mối quan hệ đã kết thúc và hẹn hò lại khi sẵn sàng.
Stockard cho biết thêm, tuân theo quy tắc không liên lạc cũng giúp ngăn bạn rơi trở lại vào chính mối quan hệ - điều tạo sự nhầm lẫn, có thể kéo dài nỗi đau. Ranh giới rõ ràng này có thể khó phân định rõ, đặc biệt trong giai đoạn đầu, nhưng là định hướng để bạn tiến về phía trước.
Trên thực tế, bạn có thể cảm thấy có một lỗ hổng rất lớn đang khoét sâu trong trái tim - rất nhiều người không vượt qua giai đoạn này và cố gắng tìm mọi cách để quay trở lại với người cũ. Nhưng cuối cùng, chuyện tình sau đó của họ cũng không đi đến đâu, và thậm chí bạn sẽ cảm thấy tổn thương và mệt mỏi hơn vì liên tục mâu thuẫn vì những vấn đề tồn động của cả hai.
Có rất nhiều lý do để một mối quan hệ đi đến ngõ cụt, và nếu bạn chưa tìm ra cách xử lý chúng mà chỉ cắm đầu chạy theo "tiếng gọi con tim" - chắc chắn người chịu thiệt thòi nhiều nhất sẽ là bạn.
|
Sau chia tay, nếu muốn vết đau tình cũ chớm lành thì tốt nhất không liên lạc với người yêu cũ. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể hoàn toàn cắt đứt sau khi kết thúc cuộc tình. Ví dụ: bạn sẽ cần duy trì các hình thức liên lạc nếu cả hai có con chung, làm việc cùng công ty hoặc có chung nhóm bạn.
Trong trường hợp này, Tiến sĩ Lira de la Rosa khuyên bạn nên duy trì liên lạc tối thiểu, thiết lập các kiểu trò chuyện mà bạn thấy thoải mái cũng như tạo ra ranh giới về thời gian và hành động khi ở cạnh nhau.
Chuyên gia gợi ý cách giúp bạn chống lại sự thôi thúc muốn liên lạc lại với người cũ:
1. Viết nhật ký
Khi muốn liên lạc lại với người yêu cũ, hãy viết ra những gì bạn đang nghĩ hoặc cảm nhận để xử lý cảm xúc tốt hơn.
2. Dành thời gian cho bạn bè
Hãy nói chuyện với bạn thân và người thân yêu để xem họ có thể dành không gian cho bạn không. Theo hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA), kết nối xã hội là một cách quan trọng quản lý căng thẳng và tìm thấy niềm vui, đặc biệt là khi đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống.
3. Tập trung vào sở thích
Bây giờ là thời điểm tuyệt vời để tái đầu tư vào bản thân. Tìm ra những gì bạn yêu thích, tìm niềm đam mê mới và rèn luyện bản thân những thói quen lành mạnh để tạo dựng sự tự tin và niềm vui.
|
Sau chia tay, bạn đừng ôm mộng tưởng một ngày nào đó sẽ hàn gắn lại tình xưa, điều này cũng giống như việc bạn tự đóng cơ hội cho bản thân hạnh phúc mới. Ảnh minh họa |
4. Giữ điện thoại ngoài tầm với
Chúng ta có xu hướng lướt điện thoại một cách vô thức khi buồn chán, đây là công thức để liên hệ với người yêu cũ hoặc kiểm tra tài khoản mạng xã hội của họ. Khi có thể, hãy để điện thoại xa tầm tay trong những lúc buồn chán.
5. Tìm ra nguồn gốc của sự cám dỗ
"Hãy tự hỏi bản thân những sự thôi thúc này đến từ đâu và bạn hy vọng đạt được điều gì từ việc liên lạc lại với người cũ", Stockard nói. Nếu câu trả lời vẫn khiến bạn mong muốn trò chuyện với họ, thì hãy dành nhiều thời gian hơn cho bản thân, duy trì cuộc sống bận rộn để hạn chế nghĩ đến người ấy.
"Nếu mối quan hệ mang tính lạm dụng, độc hại theo bất kỳ cách nào thì quy tắc 'No Contact' được đề cao vì lý do an toàn, tôi thực sự khuyên bạn không nên kết nối lại với đối tác này. Tiếp xúc lại với người này có thể đi vào lối mòn chu kỳ lạm dụng, cho dù đó là sự trở lại của tình yêu hay tiếp tục đổ lỗi cho bạn về mọi thứ bạn đã làm sai trong mối quan hệ để kết thúc như vậy." - Stockard cho biết.
Chia tay là thử thách, nhưng việc dừng liên lạc có thể giúp bạn xử lý những cảm xúc phức tạp. Cố gắng chống lại sự cám dỗ của khái niệm "gương vỡ lại lành", và tập trung tái đầu tư vào bản thân để tạo ra phiên bản tốt nhất cho các mối quan hệ kế tiếp.
Nếu bạn rơi vào cám dỗ và liên lạc với người yêu cũ, hãy nhớ rằng đó không phải là ngày tận thế. Hãy quay trở lại "không liên lạc" một lần nữa và tiếp tục tiến về phía trước.