Thỉnh thoảng bạn bè bảo tôi: “Mày may mắn không phải làm dâu. Muốn làm gì thì làm. Chứ như tao, mệt”. Tôi chỉ biết xoa dịu bạn. Không làm dâu sướng thật nhưng bù lại hai vợ chồng mình phải tự vận động tất cả. Nhất là khi con cái còn nhỏ vừa lo công việc vừa lo việc nhà vừa chăm con vừa thức đêm mỗi khi con ốm đau, rất vất vả. Những lúc đó nếu ở cùng ông bà thì sẽ đỡ vất vả hơn nhiều.
|
Ở riêng vẫn sướng hơn. Ảnh minh họa. |
Bạn tôi phân bua chỉ vất một thời gian rồi sẽ sướng, ở riêng vẫn sướng hơn, muốn làm gì thì làm, muốn ăn gì thì ăn, muốn ngủ lúc nào thì ngủ, không ai nhìn ngó, nói ra nói vào. Còn có mẹ chồng ở cùng thì đúng là đỡ vất vả thật nhưng ngược lại cuộc sống riêng của hai vợ chồng không được thoả mái.
Làm gì cũng theo nguyên tắc chung, làm gì cũng phải ngó trước nhìn sau. Rồi căn bếp, mình thích sắp xếp theo kiểu này, mẹ chồng sắp xếp theo kiểu khác. Nhiều lúc chán cứ để mẹ chồng muốn làm gì thì làm chứ cứ nói qua nói lại, không hiểu nhau sẽ dễ gây hiểu nhầm, tình cảm mẹ con sứt mẻ.
Đúng là vợ chồng tôi cưới nhau rồi tự lập, ba má hai bên ở xa thi thoảng vào thăm con, ở lâu nhất cũng khoảng 2 tháng rồi về quê. Có ông bà căn nhà vui hơn, cháu được gần bà – gắn với bà – chơi với bà hằng ngày. Dĩ nhiên, sẽ có một số cái mình thấy chưa thực ưng ý vì lối sống của bà khác lối sống thành thị.
Từ câu chuyện làm dâu những người bạn và câu chuyện của tôi, chợt nhớ đến những lần trò chuyện với bác hàng xóm. Xa quê gần 40 năm, ông bà đã tạo dựng sự nghiệp vững chắc ở Âu châu, những đứa con đều thành đạt và hai trong số những đứa con của ông bà kết hôn với người bản xứ và sinh những đứa cháu nội, cháu ngoại lai hai dòng máu Âu – Việt rất kháu khỉnh.
|
Một căn bếp không nên có hai người phụ nữ. |
Chuẩn bị về hưu để nghỉ ngơi và an hưởng tuổi già thì ông đòi quy cố hương làm bà rất giận. Nhưng bà bảo không thể nào cãi ông được, mấy chục năm sống với nhau bà rất chu toàn vai trò một người vợ - người mẹ trong gia đình. Bà theo ông về VN sống. Ông bà chọn một miếng đất xa trung tâm thành phố xây nhà vườn rộng, xa dân cư đông đúc, tránh xa tiếng ồn để nghỉ ngơi an dưỡng.
Thỉnh thoảng bà kể tôi nghe về cuộc sống bên trời Âu, về văn hoá, lối sống, ẩm thực và những người Việt xa xứ bên đó. Khi con cái ông bà lập gia đình đều ra riêng như văn hoá bên Tây. Ông bà không ở chung với bất kỳ người con nào. Ông bà tự chăm nhau và lo cho nhau và thỉnh thoảng nhớ cháu nhớ con thì đến thăm hoặc con cái cuối tuần, có khi một đến hai tháng về thăm ông bà. Bà cứ nhắc đi nhắc lại với tôi câu: “Trong một căn bếp không nên có hai người đàn bà”. Câu nói của bà nhiều hàm nghĩa sâu xa.
Biết rằng là vậy nhưng ở Việt Nam với văn hoá gia đình tam đại đồng đường thì không dễ. Đâu phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con ra riêng hoặc đâu phải mẹ chồng nào cũng muốn con ra riêng, nhất là làm dâu nhà con một hay con út con cả.
Và khi hai người phụ nữ dùng chung một căn bếp, nếu không khéo, sớm muộn gì cũng có những khúc mắc, hiểu nhầm nhau….