TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, cho hay sau sinh, sản phụ cần có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để phục hồi sức khỏe và đủ số lượng, chất lượng sữa cho con bú.
Phụ nữ sau sinh có cần kiêng trái cây?
Trái cây là một nguồn cung cấp vitamin dồi dào cho bà mẹ đang nuôi con bú. Trong thời gian ở cữ, sản phụ không ăn hoa quả sẽ dẫn đến tình trạng thiếu chất, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, đường ruột, gây thiếu hụt vitamin, không tốt cho nguồn sữa.
“Người mẹ bị táo bón mỗi ngày nên ăn một quả chuối tiêu giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt. Theo một số nghiên cứu khoa học, chuối tiêu còn có tác dụng giảm căng thẳng thần kinh”, TS Sơn tư vấn.
Ngoài ra, trái cây còn hỗ trợ co bóp tử cung. Sản phụ có thể sử dụng quả sơn tra có vị chua và chát, giúp tăng cảm giác thèm ăn, có lợi cho tiêu hóa, thúc đẩy tử cung co bóp đẩy sản dịch ra ngoài.
Tuy nhiên, phụ nữ mới sinh không nên ăn nhiều loại quả có vị chua, đề phòng chất toan làm hại răng và dạ dày bị kích thích. Trái cây có múi chua như cam, chanh, quýt có thể làm kích thích hệ tiêu hóa non nớt của trẻ, khiến con bị tiêu chảy, trớ sữa hoặc hăm tã, nổi mẩn đỏ trên da…
|
Sau sinh, chị em nên tăng cường ăn trái cây. Ảnh: Womenshealthmag. |
TS Sơn cho hay: “Để bổ sung vitamin C trong thời gian ở cữ, bà mẹ có thể thay thế những loại trái cây chua có múi bằng đu đủ, xoài… Vitamin C đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình làm lành lớp màng tử cung”.
Mẹ uống sữa ngay sau sinh khiến con dễ bị tiêu chảy?
TS Sơn khẳng định đây là quan niệm sai lầm. Ngược lại, việc uống sữa ấm sẽ giúp người mẹ nhanh hồi phục sức khỏe. Trong suốt thời kỳ cho con bú, mẹ vẫn nên duy trì uống sữa ấm giúp phòng chống thiếu canxi.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý một số trẻ nhỏ không thể dung nạp được một số loại sữa như sữa bò. Vì vậy, khi mẹ ăn hoặc uống các thực phẩm từ bơ sữa (sữa chua, phô mai, kem,…), con có thể bị dị ứng.
Dấu hiệu của bệnh gồm đau bụng, nôn, khó ngủ, các vết đỏ khô ráp trên da có xu hướng bị hở, lở loét và chảy nước. Nếu gặp hiện tượng này, mẹ hãy ngưng dùng các sản phẩm từ bơ, sữa và tham khảo ý kiến bác sĩ.