Dược liệu quý mùa thu
Kỷ tử vốn là một dược liệu quý trong Đông Y. Thường mọi người vẫn sử dụng quả kỷ tử để bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên, ít người biết đến lá kỷ tử cũng có gia trị dinh dưỡng cao.
Chúng có thể dùng để chế biến các món salad và súp, hương vị tươi mới và rất ngon, hợp khẩu vị với nhiều người. Trong lá chứa nhiều vitamin A, B, C, E và các loại khoáng chất như sắt, canxi, magie, kẽm, đồng…, đặc biệt giàu carote, alkaloid và nhiều nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể.
Theo chuyên gia gia Đông y Vũ Quốc Trung, lá kỷ tử có vị ngọt và hơi đắng. Chúng có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, bổ hư ích tinh, trừ phong sáng mắt, tốt cho thị lực. Ăn lá kỷ tử có thể giúp gan giải độc, duy trì sức khỏe, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, cải thiện thị lực. Những món ăn được chế biến có các bộ phận của kỷ tử giúp giải tỏa mệt mỏi, tiêu khát, tốt cho sức khỏe.
Đa phần mọi người vẫn thường dùng quả kỷ tử trong chế biến các món ăn như gà hầm, trà táo tàu, trà hoa, các bài thuốc bồi bổ cơ thể… Thế nhưng, mọi người có thể dùng làm các món ăn ngon bổ dưỡng cho cơ thể, nhất là cho gan và mắt. Lá kỷ tử có nhiều vào mùa thu.
Một số món ngon từ rau kỷ tử
* Rau kỷ tử nấu thịt bò
Nguyên liệu: 250gr thịt bò; 1 quả trứng gà; 500gr rau kỷ tử, muối, hành lá, gừng, dầu ăn, gia vị vừa đủ…
Cách làm:
Bước 1: Thịt bò thái cho vào tô. Trứng gà lấy lòng trắng đánh bông lên, thêm chút tinh bột, muối trộn đều rồi nặn thành từng viên nhỏ. Lá kỷ tử rửa sạch để ráo nước.
Bước 2: Hành, gừng băm nhuyễn. Cho dầu ăn vào chảo cho hành và gừng băm vào xào thơm.
Bước 3: Lấy 1 lượng nước vừa đủ vào nồi đun sôi, cho thịt viên vừa làm vào nồi đun đến khi chín. Sau đó cho lá kỷ tử vào, nêm chút muối, đun trên lửa nhỏ khoảng 3-5 phút là được.
* Nộm lá kỷ tử
Nguyên liệu: 500gr lá kỷ tử, 1 nắm quả kỷ tử khô, tỏi, đường, xì dầu, 1 củ hành tây…
Cách làm:
Bước 1: Chọn những lá kỷ tử tươi non rửa sạch, ngâm trong nước muối loãng khoảng 5 phút vớt ra.
Bước 2: Cho 1 lượng nước thích hợp vào nồi đun sôi trên lửa lớn, cho ít muối vào để chần lá kỳ tử. Chần nhanh vài phút vớt ra cho vào nước lạnh để lá giữ được vị tươi mềm. Lá kỷ tử ráo nước cắt từng khúc vừa ăn rồi cho vào bát. Chần lá kỷ tử để loại bỏ axit oxalic, vị đắng.
Bước 3: Tỏi đập dập. Củ hành tây rửa băm nhỏ. Quả kỷ tử lấy 1 nắm rửa sạch, ngâm vào nước ấm cho mềm ra. Trộn tất cả các nguyên liệu này với nhau rồi cho 2 thìa xì dầu, một thìa đường, giấm gạo, dầu mè khuấy đều cho vừa vị rồi trộn vào với kỷ tử là được món ăn rất thơm ngon, bổ dưỡng.
* Lá kỷ tử nấu canh tôm
Nguyên liệu: 500gr rau kỷ tử, 200gr tôm, hành lá, hành tây, muối, dầu ăn
Cách làm
Bước 1: Rau kỷ tử nhặt, rửa sạch. Tôm nhặt lột vỏ, đập dập rồi băm sơ. Hành lá, hành tây thái nhỏ
Bước 2: Cho chút dầu ăn vào nồi, cho hành tây vào đảo thơm. Sau đó cho tôm vào đảo qua, tránh để chín nhừ. Nêm gia vị mắm, muối và đổ nước vừa ăn.
Bước 3: Khi nồi nước sôi lên, mọi người cho rau vào nấu như rau ngót. Đun chín rồi nêm lại gia vị vừa ăn là được.
* Canh kỳ tử gan lợn
Nguyên liệu: 100gr lá kỷ tử, 200 gr gan lợn, hành lá, gia vị
Cách làm:
Bước 1: Lá kỳ tử rửa sạch, để ráo nước. Gan lợn rửa sạch rồi cắt thành lát vừa ăn. Khi chế biến gan lợn để loại bỏ mùi tanh nên cho một lượng rượu nấu ăn hoặc giấm trắng rửa.
Bước 2: Đun nước sôi, sau đó cho gan lợn vào nấu, thêm chút rượu, hành lá, gia vị vừa ăn, đun lửa nhỏ trong 20 phút cho đến khi gan chín thì cho lá kỷ tử vào, đun thêm 10 phút, nêm lại vừa miệng là có thể ăn.