Thuốc tránh thai khẩn cấp là biện pháp ngăn ngừa mang thai sau khi quan hệ tình dục không được bảo vệ, sử dụng biện pháp tránh thai không thành công – ví dụ như bao cao su bị rách, đang sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày nhưng quên uống từ 2 ngày trở lên,...
Thuốc tránh thai khẩn cấp chứa hormone nữ progestin tương tự như viên tránh thai hàng ngày. Tuy nhiên, hàm lượng progestin trong thuốc tránh thai khẩn cấp cao hơn. Khi đi vào cơ thể, thuốc giúp ức chế hoặc trì hoãn rụng trứng, làm đặc chất nhầy cổ tử cung, ngăn cản tinh trùng di chuyển vào lòng tử cung, cản trở thụ tinh, ức chế sự phát triển của nội mạc tử cung, ngăn cản quá trình làm tổ của trứng. Sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp sau khi quan hệ 24 giờ, hiệu quả ngừa thai lên tới 95%.
Theo Nhs.uk, thuốc tránh thai khẩn cấp an toàn với phụ nữ, không có tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc lâu dài khi dùng đúng cách.
Webmd cho rằng thuốc tránh thai khẩn cấp không thể thay thế cho biện pháp tránh thai thông thường. Các biện pháp tránh thai như sử dụng bao cao su, vòng tránh thai, que tránh thai hay thuốc tránh thai hàng ngày mang lại hiệu quả tốt hơn, ít tác dụng phụ và ít tốn kém hơn. Thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ dành cho trường hợp khẩn cấp, không phù hợp sử dụng tùy ý. Lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng.
|
Thuốc tránh thai khẩn cấp an toàn với hầu hết phụ nữ. Vậy nhưng, lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Ảnh: Shutterstock |
Rối loạn chu kỳ kinh. Thành phần thuốc tránh thai làm thay đổi nồng độ hormone, làm chậm quá trình rụng trứng; từ đó, kéo dài chu kỳ kinh nguyệt hơn thường lệ. Một trong những tác dụng phụ phổ biến khác của thuốc tránh thai khẩn cấp là khiến lượng máu trong kỳ kinh nguyệt ra nhiều hơn bình thường. Trung bình cứ 3 phụ nữ thì có 1 người rơi vào tình trạng này.
Nôn, buồn nôn. Hệ tiêu hóa trở nên nhạy cảm hơn khi lượng hormone thay đổi đột ngột. Ước tính, 50% người dùng gặp tác dụng phụ này. Triệu chứng sẽ tự biến mất sau 1-2 tuần hoặc có thể sớm hơn. Để cải thiện, bạn nên tránh những thực phẩm gây khó tiêu, kích ứng. Nếu bị nôn trong vòng 2 giờ sau khi dùng thuốc, phụ nữ nên dùng 1 liều khác.
Đau bụng dưới. Chị em có thể chịu đựng tác dụng phụ này cùng lúc với hiện tượng nôn, buồn nôn. Nhìn chung, chúng thường nhẹ và qua nhanh. Để cảm thấy tốt hơn, chị em nên uống nước ấm, uống đủ nước, tránh các thực phẩm có thể gây kích ứng dạ dày như đồ cay, đồ nhiều chất béo.
Mệt mỏi. Thuốc tránh thai khẩn cấp dễ khiến cơ thể khó chịu và mệt mỏi. Tình trạng thường kéo dài 1-2 ngày rồi tự hết. Để tình trạng tốt hơn, bạn nên nghỉ ngơi, thư giãn. Trường hợp mệt mỏi kéo dài, khó nhấc người lên thì nên đi khám.
Nhức đầu. Ước tính khoảng 10% người sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp có hiện tượng đau đầu. Lúc này, bạn nên ngồi hoặc nằm nghỉ ngơi, thay đổi tư thế từ từ tránh bị ngã. Trường hợp nặng, chị em có thể sử dụng thuốc giảm đau như acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin).
Căng tức ngực. Thay đổi hormone đột ngột khiến nhiều người có hiện tượng căng tức ngực. Để thoải mái, bạn nên mặc quần áo rộng rãi, tránh mặc trang phục bó sát quanh vùng ngực. Nhìn chung, tác dụng phụ này sẽ giảm dần theo thời gian.
Suy giảm sức khỏe sinh sản. Thuốc tránh thai khẩn cấp chứa lượng lớn estrogen. Lạm dụng thuốc có thể ức chế khả năng bài tiết estrogen của buồng trứng. Điều này làm tăng nguy cơ suy buồng trứng, giảm khả năng sinh sản ở nữ giới. Vì vậy, bạn không nên dùng quá 2 liều thuốc tránh thai khẩn cấp trong một chu kỳ kinh.
Tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, nồng độ hormone estrogen trong cơ thể tăng cao; kích thích buồng trứng hoạt động mạnh, liên tục. Điều này làm tăng nguy cơ tế bào tăng sinh quá mức, gây ra hiện tượng tăng sản nội mạc tử cung, tăng sản vú,... từ đó làm tăng tỷ lệ mắc ung thư liên quan đến tử cung, buồng trứng, ung thư vú ở nữ.
Ngoài ra, lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp còn có thể khiến cơ thể không dung nạp thuốc, dẫn đến các tác dụng phụ kéo dài như tăng cân không kiểm soát, rối loạn huyết áp và hô hấp, căng thẳng, stress, trầm cảm,...
>>> Mời độc giả xem thêm video: Dấu hiệu, biểu hiện của viêm nhiễm phụ khoa?
Nguồn video: Sức khỏe và Đời sống