Túi độn ngực là sản phẩm được đặt dưới cơ ngực lớn hoặc dưới tuyến vú nhằm tăng kích cỡ vòng một. Chúng có thể chứa chất gel silicon hoặc dung dịch nước muối sinh lý (saline). Túi nâng ngực có rất nhiều chủng loại, kiểu dáng cũng như kích cỡ khác nhau để phù hợp với vóc dáng cơ thể của mỗi phụ nữ.
PGS.TS Nguyễn Tài Sơn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho hay túi gel có nhiều kích cỡ khác nhau nhưng giá tiền như nhau. Trước đây, người ta hay độn ngực bằng dạng gel lỏng. Hiện nay, các bác sĩ dùng gel cohesive có độ dẻo và dính, cắt ra không bị nhỏ giọt, độ an toàn cao hơn.
Silicon được các nhà sản xuất cam kết bảo hành cả đời, không bị vỡ, rò rỉ, hỏng... Bác sĩ Sơn cũng cho rằng về nguyên tắc chị em đặt túi silicon có thể sử dụng cả đời.
|
Túi độn để nâng ngực được quảng cáo có độ bền cao. Ảnh: Mondobenessere. |
Đồng quan điểm, BSCKII Mai Mạnh Tuấn (Tốt nghiệp học viện Quân y) cũng cho rằng túi độn silicon có độ bền cao. Tuy nhiên, tùy từng cơ thể sẽ sinh ra một lớp bao xơ sinh lý quanh túi ngực do phản ứng với vật liệu lạ. Nếu có những vấn đề về sức khỏe, nhiễm trùng, bao xơ sẽ thành dạng co thắt. Khi đó, bạn phải làm phẫu thuật lấy túi độn, tỷ lệ này từ 0,8-2%.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khiến bạn phải tháo bỏ túi độn như xê dịch túi độn, kích thước không phù hợp, tuổi tác, thông liên nhũ.
Bác sĩ Tuấn cho biết thêm thông thường khách hàng sẽ muốn tháo túi độn sau khoảng 10-25 năm sử dụng. Để tháo bỏ túi nâng ngực, bác sĩ sẽ thực hiện gây mê và cần được khám sức khỏe, bệnh sử trước phẫu thuật, kiểm soát các vấn đề như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch...
Phẫu thuật cần thực hiện tại bệnh viện, cơ sở uy tín, được vô trùng sạch sẽ, bác sĩ có kinh nghiệm.
Trong quá trình tháo túi độn, bác sĩ sử dụng các thiết bị nội soi giống như khi nâng ngực để bóc tách khoang chứa túi ngực và lấy túi ngực ra theo đường nếp vú hoặc nách. Quá trình lấy ra phải đảm bảo vô trùng, không gây vỡ túi ngực, không làm ảnh hưởng tới các mô tuyến, cấu trúc cơ thể hay tuyến sữa.
Lấy bỏ túi ngực qua đường nách sẽ khó khăn hơn đường chân nếp vú, nhưng đảm bảo giấu được sẹo trong hố nách.